Thứ Ba, 26/11/2024 22:27 CH
Làm theo gương Bác ra sức đền ơn thương binh, liệt sĩ
Thứ Tư, 27/07/2011 14:00 CH

ĂN QUẢ PHẢI NHỚ ƠN NGƯỜI TRỒNG

 

Lúc còn sống Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đặc biệt tới thương binh, công tác liệt sĩ và gia đình thương binh, liệt sĩ. Người thường lấy những tấm gương hy sinh dũng cảm trong kháng chiến để giáo dục tinh thần yêu nước của dân tộc cho các tầng lớp nhân dân. Một trong những nội dung giáo dục lòng yêu nước mà Người thường căn dặn cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ là “ăn quả phải nhớ người trồng cây”, phải chăm lo đền ơn thương binh, liệt sĩ đã dũng cảm hy sinh để giữ gìn non sông đất nước. Người khẳng định công lao của các thương binh, liệt sĩ và gọi họ là “Những thanh niên đó là dân tộc anh hùng. Đồng bào và Tổ quốc không bao giờ quên ơn họ” (Thư Bác Hồ gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng, ngày 7/1/1947).

 

thuong-binh-3110727.jpg

Mẹ VNAH tìm tên người thân tại Đài tưởng niệm Núi Nhạn - Ảnh: K.CHI

 

Suốt 24 năm, trên cương vị đứng đầu Đảng, Nhà nước trực tiếp lãnh đạo các cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ chống xâm lược Pháp và Mỹ, dù bận nhiều công việc, Bác Hồ vẫn dành cho thương binh, bệnh binh những tình cảm yêu thương, quý trọng sâu nặng. Trong kháng chiến, sau các chiến dịch, chỉ đạo việc quân, việc nước Bác Hồ thường quan tâm chăm sóc thương bệnh binh. Đến các nơi chữa bệnh, nuôi dưỡng thương binh, Người ân cần thăm hỏi, tặng quà từ tiền tiết kiệm và đồ dùng của mình để thêm phần chăm sóc cho thương binh. Bác nêu gương, biểu dương, khuyến khích, tặng huy hiệu của Người cho những thương binh khắc phục đau yếu, thương tật “tàn nhưng không phế” có nghị lực vươn lên trong cuộc sống và động viên anh, chị em thương binh tuy đã suy giảm sức khỏe mà vẫn cố gắng học tập, làm việc, cống hiến cho xã hội. Người còn căn dặn thương, bệnh binh phải khiêm nhường, biết ơn sự săn sóc của đồng bào, không được ra vẻ công thần, cần cố gắng tự lực cánh sinh…

 

Trước khi từ biệt thế giới này, trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tình cảm đặc biệt cho thương binh, liệt sĩ, gia đình liệt sĩ là những người có công với nước trong các cuộc kháng chiến anh dũng, lâu dài của dân tộc. Ngày 19/5/1968, Bác Hồ thấy cần phải “viết thêm mấy điểm” vào Di chúc. Trong mấy điểm ấy, phần về thương binh, liệt sĩ và gia đình thương binh liệt sĩ. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…) Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu thì chính quyền (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.

 

Có thể nói, thương binh, liệt sĩ và gia đình thương binh, liệt sĩ có vị trí hết sức trọng yếu trong tâm khảm của Người. Chính vì thế cho nên trong Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn toàn Đảng, toàn dân: Ngay sau khi cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc đầu tiên đối với con người là chăm lo cho thương binh và những người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nội dung của những việc này là phần chủ yếu, quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về người có công mà Người đã “viết thêm” vào Di chúc, tuy “không đi sâu vào chi tiết” nhưng rất sâu sắc, thể hiện đạo lý, truyền thống nhân văn cao cả của dân tộc là “uống nước nhớ nguồn”. Với tình thương cảm vô hạn đối với người có công với cách mạng, từ trái tim nhân hậu Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Đảng, Nhà nước, nhân dân ta phải chăm lo cho thật chu đáo cho họ.

 

NOI GƯƠNG BÁC RA SỨC CHĂM LO NGƯỜI CÓ CÔNG

 

64 năm qua, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn “Ngày thương binh” và 42 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ về người có công với nước, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ra sức thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh, gắng sức đền ơn, đáp nghĩa người có công với nước. Các chính sách, chỉ thị, pháp lệnh của Đảng và Nhà nước về chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công được đổi mới và ngày một hoàn thiện. Các chính sách đi vào cuộc sống đã phát huy cao độ truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, lòng yêu nước của đồng bào cả nước và làm nảy nở ở các địa phương, các ngành, các đơn vị, nhiều phong trào đền ơn đáp nghĩa người có công, làm xúc động tâm can đồng chí, đồng bào. Kể từ năm 1994, khi Nhà nước ban hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, đến nay Quỹ đền ơn đáp nghĩa có được số tiền do nhân dân đóng góp là hàng nghìn tỉ đồng. Các bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được nhận phụng dưỡng suốt đời. Hàng trăm nghìn ngôi nhà tình nghĩa được xây mới. Nhiều phong trào có ý nghĩa thiêng liêng, thể hiện tình cảm biết ơn vô hạn của toàn dân, toàn quân ta với các thương binh như tặng sổ tiết kiệm, vườn cây “đền ơn đáp nghĩa”. Nhiều việc hiếu nghĩa được tiếp tục đẩy mạnh như tìm mộ liệt sĩ, nhiều cựu chiến binh trở lại chiến trường xưa để đi tìm đồng đội; quy tập hài cốt liệt sĩ, xây đài tưởng niệm, chăm sóc các nghĩa trang liệt sĩ, xây mộ, dựng bia, tu bổ các công trình tưởng niệm liệt sĩ, tổ chức các lễ cầu siêu ở Côn Đảo, Phú Quốc, ngã ba Đồng Lộc… các sinh hoạt có tính giáo dục thế hệ trẻ tại các nghĩa trang Quảng Trị, Trường Sơn, Bến Dược, Củ Chi… Các phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công, mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, gia đình liệt sĩ… thu hút sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân đã góp phần thiết thực nuôi dưỡng, chăm sóc các mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng hàng chục nghìn ngôi nhà tình nghĩa, đỡ đần các nạn nhân chất độc da cam, con liệt sĩ, thương binh…

 

Sau hơn 25 năm đổi mới, mặc dù nỗ lực rất lớn nhưng chúng ta chưa thể bằng lòng với những kết quả đạt được trong thực hiện chính sách đền ơn người có công của Đảng và Nhà nước. Vẫn cón hàng chục nghìn đối tượng chính sách còn ở trong các ngôi nhà tạm và có nhiều người chưa được hưởng đầy đủ chế độ, nhất là trong điều kiệm suy thoái kinh tế, kinh tế đất nước gặp khó khăn, đời sống của thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công nói chung bị suy giảm. Do đó các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa đến những người có công một cách thiết thực, một mặt khuyến khích các tầng lớp xã hội ra sức đền ơn đáp nghĩa; mặt khác đổi mới hơn chính sách đối với thương binh, người có công, gia đình liệt sĩ.

 

Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã có những định hướng rất quan trọng đối với việc tiếp tục hoàn thiện các chính sách đối với người có công với cách mạng và coi chính sách đối với thương binh, liệt sĩ, gia đình người có công là chính sách lớn, quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Do vậy việc tiếp tục đổi mới và làm tốt chính sách với người có công không chỉ thể hiện truyền thống, đạo lý nhân văn cao đẹp của dân tộc Việt Nam mà còn có ý nghĩa vô cùng sâu sắc là “đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta” như Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

 

TS PHẠM VĂN KHÁNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek