Thứ Năm, 28/11/2024 12:36 CH
Báo cáo: Ðánh giá tình hình Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền trong nhiệm kỳ hoạt động của HÐND, UBND tỉnh Phú Yên 2004-2011
Chủ Nhật, 24/04/2011 10:00 SA

LTS: Ngày 21/4, tại kỳ họp thứ 20 HÐND tỉnh Phú Yên khóa V, đồng chí Bá Thanh Kia, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Yên, thay mặt Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, trình bày báo cáo đánh giá tình hình Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền trong nhiệm kỳ hoạt động của HÐND, UBND tỉnh Phú Yên 2004-2011. Báo Phú Yên giới thiệu báo cáo này đến bạn đọc.

 

toan-canh1110423.jpg
Quang cảnh kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh khóa V - Ảnh: T.QUỚI

 

Nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân tỉnh khóa V (2004-2009) được kéo dài thêm 2 năm đến năm 2011.

 

Trong 7 năm qua, tỉnh ta đã trải qua nhiều khó khăn, thách thức: thiên tai bão lụt, dịch bệnh, lạm phát và ảnh hưởng suy giảm kinh tế thế giới… đã làm cho tình hình kinh tế - xã hội địa phương cũng như đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn.

 

Nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành tích cực, kịp thời của UBND tỉnh và sự kiểm tra, giám sát của HĐND tỉnh với sự quyết tâm chung sức chung lòng của toàn dân, toàn quân trong tỉnh đã vượt qua khó khăn, thách thức đạt nhiều thành tựu quan trọng.

 

Qua 7 năm cùng với cả nước, tỉnh ta đã diễn ra những sự kiện trọng đại đó là: Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; Đại lễ 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển; Đại hội Đảng các cấp tiến đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; Đại hội Mặt trận TQVN các cấp tiến đến Đại hội VI, VII Mặt trận TQVN. Đã tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII (2007-2011)…

 

Trên cơ sở kết luận Hội nghị liên tịch của HĐND tỉnh và các cơ quan hữu quan về dự kiến chương trình, nội dung kỳ họp lần thứ 20 HĐND tỉnh khóa V. Với vai trò và trách nhiệm của mặt trận được quy định trong điều 9 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi) và Luật Mặt trận TQVN năm 1999;

 

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

 

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Mặt trận phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, động viên nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, viên chức Nhà nước.

 

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh báo cáo đánh giá tình hình Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền trong nhiệm kỳ 2004-2011 như sau:

 

1/ Công tác Mặt trận tham gia xây dựng, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật:

 

- Thực hiện chương trình tham gia xây dựng pháp luật trong 7 năm qua Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh đã tích cực phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đồng thời chỉ đạo mặt trận các cấp trong tỉnh tham gia cụ thể từng dự thảo văn bản pháp luật theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh đã tham gia góp ý kiến vào Bộ Luật dân sự sửa đổi, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật về Hội, Luật công chứng, Luật hiến cấy ghép mô cơ thể người, Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật cán bộ công chức, Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi), Luật Bảo hiểm Y tế (sửa đổi), Luật Người cao tuổi, Luật Thanh tra (sửa đổi bổ sung), Luật tố tụng hành chính, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật thi hành án dân sự, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội, HĐND v,v…

 

- Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được tăng cường, mở rộng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhất là khi triển khai thực hiện đề án 02-212; thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Qua các cuộc bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp đã tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân các Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu HĐND từ đó cử tri tự mình đi bầu ngày càng nhiều, giảm bầu thay, gạch giúp, đã lựa chọn các vị đại biểu dân cử ngày có chất lượng phục vụ nhân dân. Thường xuyên tuyên truyền các bộ luật, pháp lệnh liên quan thiết thực đến đời sống nhân dân như về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, phòng chống tội phạm, hôn nhân gia đình, phòng chống bạo lực gia đình v.v…

 

2/ Hoạt động giám sát của Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh:

 

Từ khi có Luật Mặt trận TQVN, với cơ chế giám sát được quy định trong luật, trong nhiệm kỳ qua hoạt động giám sát được mở ra ở tất cả các cấp Mặt trận, phạm vi nội dung không chỉ giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật mà còn giám sát cả đạo đức, lối sống, văn hóa công vụ của cán bộ, công chức, đảng viên…

 

Với mỗi đối tượng giám sát đã xây dựng quy chế giám sát được ban hành theo thể thức của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có sự phối hợp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với HĐND tỉnh như: Hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Dân chủ ở xã, phường, thị trấn; về Quy chế phối hợp trong việc quản lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp; Thông tư liên tịch về Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng…

 

- Trong 7 năm thực hiện giám sát đại biểu dân cử đạt được những kết quả:

 

+ Đối với 6 vị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Tham gia đầy đủ các cuộc tiếp xúc cử tri, tổng hợp đầy đủ ý kiến nguyện vọng chính đáng của cử tri đề đạt lên Quốc hội; Thường xuyên tham gia giám sát các cơ quan Nhà nước trong tỉnh; thảo luận, chất vấn tại các kỳ họp. Trách nhiệm được nâng lên, gần dân hơn, thể hiện tính đại diện thiết thực.

 

+ Đối với các đại biểu HĐND tỉnh đều hoàn thành tốt nhiệm vụ người đại biểu của dân. Đa số đại biểu tham gia tiếp xúc cử tri khi có lịch, tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri phản ánh lên kỳ họp, tích cực phát biểu và chất vấn xây dựng tại kỳ họp.

 

Tuy nhiên, cũng còn một số đại biểu do bận nhiều công việc chuyên môn nên có lúc vắng trong các lần tiếp xúc cử tri, các lần giám sát do các ban của HĐND tỉnh tổ chức hoặc trong kỳ họp ít phát biểu trình bày, chất vấn, chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm người đại biểu nhân dân.

 

+ Đối với các đơn vị thí điểm không tổ chức HĐND cấp huyện, phường: theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh đã phân công lãnh đạo UBND huyện tham gia khá đầy đủ. Tuy nhiên vẫn còn một số nơi không có đại diện UBND huyện tham gia nên nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan đến phạm vi trách nhiệm cấp huyện chưa được giải quyết trực tiếp. Do vậy cử tri thường xuyên nêu lên chậm được giải quyết hoặc là giải quyết không kịp thời…

 

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, với Thường trực HĐND tỉnh, các ban của HĐND tỉnh giám sát trên các lĩnh vực sau:

 

- Tham gia với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát về khai thác khoáng sản; về quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh, giám sát bảo đảm an toàn giao thông, hoạt động của các trường phổ thông dân tộc nội trú trong tỉnh, trường bán trú dân nuôi và chính sách pháp luật về giáo dục đào tạo học sinh dân tộc thiểu số…

 

- Tham gia với Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh giám sát tình hình thực hiện công tác giảm nghèo, xóa nhà ở tạm cho hộ nghèo và giải quyết việc làm theo nghị quyết của HĐND tỉnh; giám sát sử dụng biên chế cán bộ công chức cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, giám sát thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh, chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết 725/2009/UBTVQH12… nơi không tổ chức HĐND huyện, quận, phường”…

 

Qua các đợt giám sát, đoàn đã có báo cáo kết quả cụ thể đánh giá những việc làm được, chưa làm được, những tồn tại vướng mắc cần giải quyết từ đó đề nghị các cơ quan chức năng xử lý. Đại diện Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh tham gia đầy đủ các cuộc giám sát với các cơ quan dân cử đã đóng góp ý kiến phản biện tích cực trong từng công việc cụ thể góp phần hoàn thành tốt các đợt giám sát, giúp cơ quan chức năng kịp thời điều chỉnh những vấn đề chưa phù hợp, giảm khiếu nại, tồn đọng.

 

3/ Thực hiện quy chế phối hợp công tác giữa Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh với chính quyền cùng cấp:

 

Trong 7 năm qua, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN các cấp trong tỉnh đã xây dựng quy chế phối hợp công tác với chính quyền, các ban ngành là 254 quy chế.

 

* Đối với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Qua 7 năm Quốc hội khóa XI (3 năm), khóa XII (4 năm) đã tổ chức tiếp xúc cử tri 24 đợt tại 112 xã, phường, thị trấn với 438 điểm, có 51.692 lượt cử tri tham dự, có trên 2.520 lượt ý kiến của cử tri phát biểu. Sau mỗi kỳ tiếp xúc cử tri, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh tổng hợp ý kiến, nguyện vọng chính đáng của cử tri báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận TQVN. Việc tổ chức tiếp xúc cử tri đối với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có nhiều đổi mới, có hiệu quả từ hình thức chuyên đề hoặc theo đối tượng là cán bộ các sở, ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện, thị xã, thành phố, cán bộ lão thành cách mạng ở từng cấp, ngành giáo dục, y tế, lực lượng vũ trang và thường xuyên tổ chức tiếp xúc nhiều điểm tại xã, phường, thị trấn cho mọi đối tượng cử tri.

 

* Đối với Hội đồng Nhân dân tỉnh: Tổ chức tiếp xúc 29 đợt tại 112 xã, phường, thị trấn với 1.668 điểm, có 144.500 cử tri tham dự, có 11.500 lượt cử tri phát biểu. Tại các buổi tiếp xúc cử tri bày tỏ sự phấn khởi tin tưởng trước những bước phát triển về kinh tế, xã hội của tỉnh nhà trong thời gian qua, tuy nhiên cũng tỏ ra băn khoăn lo lắng về đời sống của nhân dân gặp khó khăn do lũ lụt, dịch bệnh, do tình hình kinh tế thế giới suy thoái, hiệu ứng lạm phát làm giá cả hàng hóa, vật tư nông nghiệp, hàng tiêu dùng ngày càng tăng cao ngoài dự kiến.

 

4/ Tham gia thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, chỉ đạo thực hiện công tác Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở xã, phường, thị trấn:

 

- Thực hiện Pháp lệnh số 34/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Nghị quyết Liên tịch số 09/2008 của Chính phủ và UBTWMTTQVN hướng dẫn thi hành Pháp lệnh.

 

* Việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt ở xã, phường, thị trấn được thực hiện nghiêm túc theo Nghị quyết Liên tịch số 09 và Pháp lệnh số 34.

 

Kết quả:

 

- Năm 2005:

 

+ Đã lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch HĐND xã, phường, thị trấn là 88 vị (trong đó: 86 vị có số phiếu tín nhiệm từ 70 đến 100%; 2 vị có số phiếu tín nhiệm từ 50 đến 69%).

 

+ Đã lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn là 93 vị (trong đó: 91 vị có số phiếu tín nhiệm từ 70 đến 100%; 1 vị có số phiếu tín nhiệm từ 50 đến 69%; 1 vị có số phiếu tín nhiệm dưới 50%).

 

- Năm 2006:

 

+ Đã lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch HĐND xã, phường, thị trấn là 104 vị (trong đó: 100 vị có số phiếu tín nhiệm từ 70 đến 100%; 3 vị có số phiếu tín nhiệm từ 50 đến 69%; 1 vị có số phiếu tín nhiệm dưới 50%).

 

+ Đã lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn là 100 vị (trong đó: 99 vị có số phiếu tín nhiệm từ 70 đến 100%; 1 vị có số phiếu tín nhiệm dưới 50%).

 

* Trong năm 2005 và 2006 cũng đã lấy phiếu tín nhiệm Trưởng thôn, buôn, khu phố là 912 vị (trong đó: 830 vị có số phiếu tín nhiệm từ 70 đến 100%; 53 vị có số phiếu tín nhiệm từ 50 đến 69%; 29 vị có số phiếu tín nhiệm dưới 50%).

- Năm 2009:

 

+ Đã lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch HĐND xã, phường, thị trấn là 96 vị (trong đó: 93 vị có số phiếu tín nhiệm từ 70 đến 100%; 2 vị có số phiếu tín nhiệm từ 50 đến 69%; 1 vị có số phiếu tín nhiệm dưới 50%).

 

+ Đã lấy phiếu tín nhiệm đối với Phó Chủ tịch HĐND xã, phường, thị trấn là 90 vị (trong đó: 82 vị có số phiếu tín nhiệm từ 70 đến 100%; 6 vị có số phiếu tín nhiệm từ 50 đến 69%; 2 vị có số phiếu tín nhiệm dưới 50%).

 

+ Đã lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn là 97 vị (trong đó: 89 vị có số phiếu tín nhiệm từ 70 đến 100%; 7 vị có số phiếu tín nhiệm từ 50 đến 69%; 1 vị có số phiếu tín nhiệm dưới 50%).

 

+ Đã lấy phiếu tín nhiệm đối với Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn là 146 vị (trong đó: 140 vị có số phiếu tín nhiệm từ 70 đến 100%; 5 vị có số phiếu tín nhiệm từ 50 đến 69%; 1 vị có số phiếu tín nhiệm dưới 50%).

 

Số chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND xã, phường, thị trấn có số phiếu tín nhiệm dưới 50% đều đề nghị các cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

 

- Việc thành lập và hoạt động Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở xã, phường, thị trấn được thực hiện theo Quyết định số 80/2005/QĐ-TTG ngày 18/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế giám sát đầu tư cộng đồng; Thông tư Liên tịch số 04/2006/TTLT-KHĐT-UBTWMTTQVN ngày 04/12/2006 giữa Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Ủy ban Trung ương Mặt trận TQVN về hướng dẫn thực hiện Quyết định số 80 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, toàn tỉnh đã có 9/9 huyện, thị xã, thành phố có báo cáo kết quả thành lập Ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở 112/112 xã, phường, thị trấn với 871 thành viên, bước đầu các Ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã thực hiện trách nhiệm giám sát theo quy định của pháp luật. Đã tham gia giám sát cụ thể một số công trình thuộc phạm vi xã đã đầu tư quản lý có tác dụng nhất định góp phần đảm bảo chất lượng các công trình, minh bạch hơn về tài chính.

 

- Đối với các Ban Thanh tra nhân dân ở cơ sở từ khi thành lập đến nay luôn phát huy được hiệu quả hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được quy định. Hiện nay, các Ban Thanh tra nhân dân trên toàn tỉnh đã hết nhiệm kỳ và các xã, phường, thị trấn đang tiến hành củng cố lại, một số địa phương tăng cường bổ sung nhiệm vụ để một số Ban Thanh tra nhân dân thực hiện chức năng Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Đến nay, đã có 9/9 huyện, thị xã, thành phố đã có báo cáo về củng cố Ban Thanh tra nhân dân ở 112/112 xã, phường, thị trấn với 855 thành viên hoạt động ngày càng đi vào nề nếp, thiết thực. Đã tiến hành sơ kết 5 năm hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, khen thưởng các tập thể hoạt động có hiệu quả, tiêu biểu. Hoạt động chính hầu hết của Ban Thanh tra nhân dân xã thể hiện trong việc động viên nhân dân giám sát các công trình phúc lợi ở địa phương, hoạt động của cơ quan Nhà nước, của CBCC góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh thực sự của dân, do dân và vì dân.

* Về tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân:

 

Trong 7 năm qua, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh đã tiếp 98 lượt công dân đến trình bày những bức xúc kiến nghị và gửi đơn thư khiếu nại tố cáo, đã tiếp nhận 630 đơn, đã chuyển đến các cơ quan 423 đơn, lưu 132 đơn, đã có quyết định giải quyết cuối cùng và chuyển trả 75 đơn (đã được các cơ quan giải quyết).

 

Ngoài ra còn tham gia Hội đồng Tư vấn xét hàng trăm hồ sơ đưa các đối tượng vào cơ sở giáo dục làm trong sạch địa bàn, đảm bảo an ninh trật tự xã hội để tập trung cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa.

 

5/ Ngoài những nội dung trên, trong 7 năm Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều hoạt động trọng tâm sau:

 

a) Tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”. Chỉ đạo Mặt trận TQVN trong toàn tỉnh tổng kết 5 năm Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” biểu dương khu dân cư tiên tiến điển hình và “Con cháu hiếu thảo”; đồng thời nhân kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam hàng năm, hầu hết các khu dân cư trong tỉnh đã tổ chức ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm đánh giá một năm thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, biểu dương các gia đình văn hóa và phát động phong trào thi đua cho năm đến.

 

b) Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” và xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo. Từ năm 2004 đến 2010 “Quỹ người nghèo” đã vận động được 37.400.115.000đồng đã xây dựng được 3.961 nhà Đại đoàn kết. Nhân kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển, Ủy ban Mặt trận TQVN các cấp trong tỉnh đã triển khai xây dựng 567 nhà Đại đoàn kết, đến ngày 13/4/2011 đã bàn giao được 529 nhà.

 

6/ Về kết quả giải quyết những ý kiến, kiến nghị của Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh nêu trong thông báo Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền tại các kỳ họp.

 

Trong 7 năm qua, tại các kỳ họp của HĐND, UBND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh đều có những ý kiến, kiến nghị với HĐND, UBND tỉnh với tổng số 47 ý kiến, kiến nghị, nội dung kiến nghị tập trung đề cập về an sinh xã hội; về đời sống kinh tế - xã hội như thiên tai bão lụt đời sống nhân dân vùng lũ gặp nhiều khó khăn, qua kiến nghị chính quyền đã nỗ lực ra sức khắc phục; vấn đề nạn phá rừng; về an toàn thực phẩm; việc đền bù giải tỏa; giải quyết việc làm; thu hút trí thức; tuyển dụng công chức; một số chế độ chính sách đối với Trưởng ban công tác Mặt trận…

 

Trong những kiến nghị trên hầu hết đều được HĐND, UBND tỉnh tiếp thu xử lý giải quyết trong những thời gian nhất định. Tuy nhiên cũng còn những việc HĐND, UBND các cấp khi chỉ đạo điều hành chưa giải quyết kịp thời như: kinh phí hoạt động của Mặt trận các cấp cần quan tâm đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ hiện nay; Thông tư số 16/2010/TT-BTC ngày 19/10/2010 của Bộ Tài chính về kinh phí cho khu dân cư từ 3 triệu đến 5 triệu đồng; chưa có chế độ đãi ngộ để thu hút trí thức về làm việc tại địa phương; chưa có biện pháp chặt chẽ để quản lý, bảo vệ rừng; khai thác khoáng sản…

 

Trên đây là những nội dung chủ yếu của công tác Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền theo nhiệm kỳ của HĐND tỉnh khóa V từ năm 2004-2011.

 

T.M BAN THƯỜNG TRỰC

                                CHỦ TỊCH

                           BÁ THANH KIA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek