Câu 34: Ở những nơi không có đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn thì việc chia khu vực bỏ phiếu được thực hiện như thế nào?
Trả lời: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân quy định ở những nơi không có đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn thì Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quyết định việc chia khu vực bỏ phiếu để đảm bảo quyền bầu cử của các cử tri ở những khu vực này. Ví dụ huyện Côn Đảo không có đơn vị hành chính cấp xã thì UBND huyện Côn Đảo quyết định việc chia khu vực bỏ phiếu.
Câu 35: Các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Quốc hội gồm những tổ chức nào?
Trả lời: Các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Quốc hội gồm có:
1. Hội đồng bầu cử Trung ương;
2. Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
3. Ban bầu cử ở đơn vị bầu cử;
4. Tổ bầu cử ở khu vực bỏ phiếu.
Câu 36: Hội đồng bầu cử được thành lập khi nào? Thành phần, số lượng thành viên Hội đồng bầu cử được quy định như thế nào?
Trả lời: Chậm nhất là một trăm lẻ năm ngày trước ngày bầu cử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Hội đồng bầu cử để thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Hội đồng bầu cử có từ mười lăm đến hai mươi mốt người, gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng thư ký và các Ủy viên là đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một số cơ quan, tổ chức hữu quan.
Câu 37: Hội đồng bầu cử có nhiệm vụ, quyền hạn gì trong việc bầu cử đại biểu Quốc hội?
Trả lời: Hội đồng bầu cử có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức bầu cử trong cả nước; kiểm tra, đôn đốc việc thi hành quy định của pháp luật về bầu cử;
- Chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử;
- Chỉ đạo công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong cuộc bầu cử;
- Nhận và xem xét hồ sơ của người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Nhà nước ở Trung ương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội; gửi tiểu sử tóm tắt của những người ứng cử đến Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Nhận hồ sơ và danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh gửi đến;
- Quy định mẫu thẻ cử tri và phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội;
- Lập và công bố danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước;
- Giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội của Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ban bầu cử và Tổ bầu cử; giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoặc Ban bầu cử chuyển đến; giải quyết khiếu nại, tố cáo về người ứng cử đại biểu Quốc hội; giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội;
- Nhận và kiểm tra biên bản xác định kết quả bầu cử do Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ban bầu cử gửi đến; làm biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội trong cả nước;
- Quyết định việc bầu cử lại, bầu cử thêm đại biểu Quốc hội hoặc hủy bỏ kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội ở đơn vị bầu cử;
- Công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội trong cả nước;
- Cấp giấy chứng nhận cho người trúng cử đại biểu Quốc hội;
- Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội khóa mới biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội trong cả nước và những hồ sơ, tài liệu về bầu cử đại biểu Quốc hội.
Câu 38: Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được thành lập khi nào? Thành phần, số lượng thành viên được quy định như thế nào?
Trả lời: Chậm nhất là chín mươi lăm ngày trước ngày bầu cử, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp quyết định thành lập Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân câp tỉnh.
Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có từ hai mươi mốt đến ba mươi mốt người, gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Thư ký và các Ủy viên là đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp, một số cơ quan, tổ chức hữu quan.
Sau khi thành lập Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử và Chính phủ (thông qua Bộ Nội vụ) về danh sách thành viên Ủy ban bầu cử cấp tỉnh kèm theo chức danh, số điện thoại, số Fax, địa chỉ Email cụ thể của từng thành viên.
(Còn nữa)