Câu 8: Kỳ họp của Quốc hội được tổ chức như thế nào?
Trả lời: Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập chậm nhất là ba mươi ngày, trước ngày khai mạc kỳ họp. Kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa trước triệu tập chậm nhất là sáu mươi ngày, kể từ ngày bầu cử đại biểu Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội khóa trước khai mạc và chủ tọa kỳ họp thứ nhất cho đến khi Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội khóa mới.
Trong trường hợp Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu hoặc theo quyết định của mình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập Quốc hội họp bất thường chậm nhất là 7 ngày, trước ngày khai mạc kỳ họp.
Quốc hội họp công khai. Trong trường hợp cần thiết, theo đề nghị của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội quyết định họp kín.
Dự kiến chương trình làm việc của kỳ họp được gửi đến đại biểu Quốc hội cùng với quyết định triệu tập kỳ họp. Các vấn đề trong chương trình kỳ họp Quốc hội được thảo luận và quyết định tại các phiên họp toàn thể. Trong trường hợp cần thiết, Quốc hội quyết định thảo luận tại Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các Tổ đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội.
Thành viên Chính phủ không phải là đại biểu Quốc hội được mời dự các kỳ họp Quốc hội, có trách nhiệm tham dự các phiên họp toàn thể của Quốc hội khi Quốc hội xem xét về những vấn đề có liên quan đến ngành, lĩnh vực mà mình phụ trách; được phát biểu ý kiến về vấn đề thuộc ngành, lĩnh vực mà thành viên đó phụ trách theo yêu cầu của Quốc hội hoặc được Quốc hội đồng ý theo đề nghị của thành viên đó.
Đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan báo chí, công dân và khách quốc tế có thể được mời dự các phiên họp công khai của Quốc hội.
Câu 9: Nhiệm kỳ của Quốc hội là bao nhiêu năm?
Trả lời: Nhiệm kỳ mỗi khóa Quốc hội là năm năm. Nhiệm kỳ được tính từ kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa đó đến kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa sau.
Trong trường hợp đặc biệt, Quốc hội quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Ví dụ Quốc hội khóa XII rút ngắn nhiệm kỳ xuống còn 4 năm (2007-2011).
Câu 10: Đại biểu Quốc hội có nhiệm vụ, quyền hạn gì?
Trả lời: Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước. Đại biểu Quốc hội có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Tham gia các phiên họp toàn thể của Quốc hội, các cuộc họp của Tổ đại biểu Quốc hội, của Đoàn đại biểu Quốc hội; thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội;
- Chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Trình dự án luật, kiến nghị về luật ra trước Quốc hội, dự án pháp lệnh ra trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo trình tự và thủ tục do pháp luật quy định;
- Kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn;
- Liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội và cơ quan nhà nước hữu quan;
Ngoài ra, đại biểu Quốc hội còn có các nhiệm vụ, quyền hạn khác được quy định cụ thể trong Luật Tổ chức Quốc hội, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, các quy chế hoạt động, nội quy kỳ họp Quốc hội, v.v…
Câu 11: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII có ý nghĩa chính trị như thế nào?
Trả lời: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII nhiệm kỳ 2011-2016 diễn ra trong thời điểm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng vừa kết thúc thắng lợi. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang ra sức phấn đấu, đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, tận dụng thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước và là ngày hội lớn để nhân dân phát huy quyền dân chủ, trực tiếp lựa chọn, giới thiệu và bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội. Cuộc bầu cử này sẽ góp phần tạo sự đồng bộ trong việc bố trí, sắp xếp cán bộ trong hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng trong các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Câu 12: Tại sao nói bầu cử là quyền và nghĩa vụ của công dân?
Trả lời: Quyền bầu cử là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp, pháp luật quy định nhằm bảo đảm cho mọi công dân có đủ điều kiện thực hiện việc lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực nhà nước. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân.
Bầu cử là một thể chế dân chủ đã có từ lâu. Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nhân dân tổ chức ra Nhà nước bằng cách bầu ra các cơ quan quyền lực nhà nước. Thông qua bầu cử, nhân dân trực tiếp bỏ phiếu bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, để thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước; góp phần thiết lập ra bộ máy nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội.
Câu 13: Việc bầu cử đại biểu Quốc hội được tiến hành theo những nguyên tắc nào?
Trả lời: Việc bầu cử đại biểu Quốc hội ở nước ta được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Đó cũng là những tư tưởng chỉ đạo trong việc tổ chức bầu cử, thể hiện bản chất dân chủ của Nhà nước ta. Các nguyên tắc này thể hiện tính chặt chẽ, thống nhất và xuyên suốt trong toàn bộ quá trình tiến hành bầu cử, bảo đảm cho cuộc bầu cử khách quan, dân chủ, thể hiện đúng nguyện vọng của cử tri khi lựa chọn. Nguyên tắc bầu cử yêu cầu phải quy định rõ quyền và trách nhiệm ủa cử tri trong bầu cử, trách nhiệm của Nhà nước phải bảo đảm các quy định về bầu cử.
(Còn nữa)