Đại biểu thắp hương tưởng niệm tại Bia chiến công Núi Hiềm. - Ảnh: TH.NAM |
Đại tá Nguyễn Đình Triết, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cho biết đây là một trong 28 bia chiến công sẽ lần lượt được xây dựng ở những nơi in đậm chiến công của quân và dân Phú Yên trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ truyền thống đấu tranh giữ nước của cha ông.
Thực hiện ý đồ xâm chiếm vùng tự do của Quân khu 5, ngày 13/1/1947, từ vùng tạm chiếm Khánh Hòa, thực dân Pháp tập trung hai trung đoàn chủ lực tinh nhuệ chia làm hai cánh quân ồ ạt tiến công ra mặt trận đèo Cả nhằm thực hiện âm mưu chiếm đóng vựa lúa Tuy Hòa. Bị quân ta chặn đánh quyết liệt, chúng buộc phải đổ một trung đoàn vào Vũng Rô và Bãi Xép kết hợp với cánh quân theo đường quốc lộ 1 và truông Gia Long có máy bay, pháo binh yểm trợ tiến công chiến khu II. Để bảo tồn lực lượng, quân dân ta vừa đánh địch vừa rút lui ra tuyến sau.
Chọc thủng mặt trận đèo Cả, giặc Pháp hí hửng tiến quân ra ven quốc lộ 1, dừng chân ở Phú Lâm. Quân dân ta mở nhiều đợt phản công, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề, buộc chúng phải tháo chạy về Hòa Xuân, co cụm tại cứ điểm núi Hiềm, lập bót, xây đồn, thành lập ngụy quyền, khống chế nhân dân.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Hòa Xuân xây dựng làng chiến đấu, tổ chức phá đường, canh gác, bám địch, tổ chức nhiều hoạt động quấy phá địch, làm cho chúng nơm nớp lo sợ, ăn ngủ không yên, nhất là mỗi khi ra khỏi đồn.
Ðồng chí
Lê Văn Trúc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Bia chiến công Núi Hiềm vinh danh chiến công của
quân dân du kích Hòa Xuân, lực lượng vũ trang tỉnh Phú Yên và Quân khu 5 là
biểu tượng của lòng yêu nước nồng nàn, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, “thà hy
sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, góp phần
để quê hương Phú Yên 400 năm và đất nước Việt Nam nở hoa kết trái hôm nay.
Ngày 24/1/1947, một toán du kích Hòa Xuân do đồng chí Phan
Tiên Nam chỉ huy đã phục kích đánh một toán quân Pháp từ chợ Xéo làm một tên
quan tư bị thương nặng. Tiếp đó, ngày 27/1/1947, một bộ phận Trung đoàn 80 phối
hợp cùng du kích tấn công đồn cầu Bàn Nham, đánh địch tiếp viện tại chợ Xéo.
Trung đội địch canh giữ bị tiêu diệt, chỉ còn vài tên sống sót tháo chạy vào cứ
điểm núi Hiềm.
Tháng 5/1947, du kích Hòa Xuân phối hợp với Đại đội Cảm tử quân của Trung đoàn 80 tập kích địch đồn Bầu Lãng. Tiếp đó, bộ đội và du kích Hòa Xuân liên tục phối hợp luồn sâu vào đèo Cả đánh giao thông diệt những đoàn xe địch trên đường đèo; tập kích đồn Pê-tí trên đỉnh đèo Cả, phá cầu Sông Lớn…
Tháng 6/1947, giặc Pháp mở rộng càn quét các xã phía nam sông Đà Rằng, tìm mọi cách kiểm soát dân. Chúng buộc bà con ta phải vào đồn Hiềm lãnh cạc (card), ai có cạc mới được vào đồng sản xuất và nộp tranh tre cho chúng. Du kích Hòa Xuân đã tổ chức đánh vào nơi địch phát cạc, giết chết tên thông ngôn…
Ngày 3/1/1948, du kích Hòa Xuân kết hợp cùng lực lượng chủ lực 224 của Liên khu 5 đánh địch tại chợ Xéo, đánh tạc đạn vào xe địch, diệt nhiều tên. Ngày hôm sau, giặc Pháp ở đồn Hiềm rải truyền đơn hăm dọa đồng bào ta. Sau đó, chúng mở các đợt càn quét lớn vào Bàn Thạch, Bàn Nham bằng xe bọc thép để gom dân lập tề, lập chợ ở núi Hiềm. Nhưng âm mưu của địch đã bị ta phá tan.
Đầu năm 1948, du kích Hòa Xuân phát triển thành trung đội tập trung do đồng chí Lê Đức Tâm làm trung đội trưởng và đồng chí Trần Quang Hiệu làm chính trị viên. Một thời gian sau, trung đội du kích tập trung phát triển thành đại đội và lập thêm nhiều chiến công mới: bẻ gãy cuộc càn quét của địch ra các xã tự do phía bắc sông Bàn Thạch; phục kích và tập kích đánh đuổi một tiểu đoàn từ Bắc Khánh Hòa phối hợp với đồn Hiềm tổ chức càn quét cướp lúa, trâu bò của dân, đuổi chúng chạy thục mạng, thu lại trâu bò, lúa gạo; phục kích đánh địch tại Gò Đình - Phước Giang giết một tên quan hai; phối hợp với Tiểu đoàn 365 đánh trận Nhà Dù (Phú Khê), tiêu diệt một trung đội lính Pháp và nhiều tề ngụy. Đặc biệt, nhờ tai mắt của nhân dân ta, lực lượng du kích đã tóm gọn 127 tên gián điệp làm tay sai cho Pháp, đồng thời đánh tiêu diệt một trung đội công binh Pháp tại xóm Quán; liên tục tấn công bao vây địch ở căn cứ núi Hiềm; tổ chức đánh lẻ chúng ở đồn Pê-tí, Py-đông (Cầu Lớn), tháp canh Cầu Mới, sông Ván, sông Tra…
Ngoài tấn công trực diện bằng lực lượng vũ trang, diệt tề điệp, cắt đứt nguồn tin tức, tổ chức mạng lưới điệp báo nắm tình hình địch, ta còn đẩy mạnh công tác địch vận, tổ chức rải truyền đơn, phát loa kêu gọi lính ngụy và vận động cha mẹ vợ con họ vào đồn Hiềm đòi chồng con về với gia đình.
Do thất bại liên tiếp và bị bao vây nhiều ngày, giặc Pháp ở núi Hiềm hoang mang dao động tột độ. Để tránh nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn, chúng phải tháo chạy khỏi núi Hiềm ngày 5/12/1950.
LÊ VŨ