Thứ Bảy, 05/10/2024 04:21 SA
Truy kích địch, giải phóng Phú Yên
Thứ Sáu, 01/04/2011 10:25 SA

Bước vào chiến dịch, nhân dân Phú Yên nô nức tham gia các hoạt động phục vụ kháng chiến, người vót chông, người tải đạn, người thồ gạo... ai ai cũng muốn được đóng góp sức mình vào ngày toàn thắng của dân tộc.

 

Các đồng chí chỉ huy chiến dịch giải phóng tỉnh Phú Yên, đồng chí Nguyễn Duy Luân ngồi ở vị trí thứ hai từ phải sang   - Ảnh: T.LIỆU


QUYẾT ÐỊNH TÁO BẠO

Sáng 18/3/1975, Ban Chỉ huy tiền phương do tôi chỉ huy, từ sông Chống Gậy hành quân xuống suối Rọ Heo, Quảng Phú để kiểm tra phương án hiệp đồng tác chiến của các lực lượng. Ban Chỉ huy tiền phương bí mật hành quân đến đỉnh núi Hương, Hòa Mỹ nơi chỉ huy sở, công sự hầm kèo đã được công binh và trinh sát đào sẵn. Tại đây, Ban Chỉ huy tiền phương theo dõi tình hình các đơn vị hành quân theo mục tiêu đã nhận, hành trình bí mật hành quân tới địa điểm chiến đấu. Đúng 5g sáng, các mục tiêu Cầu Cháy, Núi Sặc ở Phú Thứ đã nổ súng và giải phóng đoạn đường từ Hòa Phong đến Phú Thứ, Hòa Bình, bao vây bức rút núi Đất, núi Lá, Hòa Mỹ, khu đồn Hòa Thịnh, giải phóng hoàn toàn xã Hòa Thịnh, Hòa Mỹ, Hòa Đồng, Hòa Phong. Riêng mục tiêu Hòn Kén do đơn vị đặc công 205 đảm nhận không nổ súng được vì địch đang tập trung giải tỏa, bảo vệ đường số 5 cho bọn ngụy ở Tây Nguyên rút xuống Phú Lâm. Chúng điều hai khẩu súng 105 ly từ Cầu Cháy lên Hòn Kén, cộng với quân Tây Nguyên xuống, chắc chắn sẽ là một lực lượng lớn co cụm ở đồng bằng Tuy Hòa. Ta tiếp tục tổ chức pháo kích các đêm sau đó để nhằm tiêu hao sinh lực địch.

Lúc bấy giờ tôi nhận được lệnh Khu ủy và Quân khu V, giao nhiệm vụ tỉnh Phú Yên tiếp tục chặn đánh bọn địch từ Tây Nguyên rút lui chiến lược xuống đường số 7 chiếm giữ đồng bằng ven biển miền Trung. Tôi liền triệu tập Ban Chỉ huy tiền phương cấp tốc hội ý. Căn cứ vào tình hình diễn biến mấy ngày qua và theo dõi sự chuẩn bị hàng giờ của địch, Ban Chỉ huy tiền phương triển khai thế trận phục kích dọc đường 5 để đánh địch, chứ không phải đánh địch ở đường 7 như Quân khu giao. Để đi đến quyết định này, tôi hết sức trăn trở. Thực tế tại chiến trường rõ ràng thế này: Đường 7 đã bị quân và dân Tuy Hòa bố phòng siết chặt nhiều năm nay. Quan sát trên trận địa những ngày ấy thấy rằng địch dùng máy bay đổ phương tiện bắc cầu phao sang sông Ba, sông Nhau. Chúng tập trung quân rất đông ở Hòn Kén đón bọn Tây Nguyên xuống. Nhận định nhất định kẻ thù sẽ rút xuống đường 5, Phú Lâm, Tuy Hòa, Nha Trang, tôi liền báo cáo với Quân khu và với Ban Chỉ huy tiền phương sẽ chịu trách nhiệm về việc chỉ huy đánh địch ở đường 5.

LIÊN TỤC TRUY KÍCH ÐỊCH

Đường 7, chúng ta vẫn bố trí Tiểu đoàn 96, Đại đội 202, Đại đội huyện Tuy Hòa 2 và du kích các xã Hòa Định, Hòa Thắng, đứng chân dọc trên đường số 7 để hỗ trợ Tuy Hòa 1, không cho địch sang sông. Lực lượng vũ trang nhanh chóng phục kích đánh địch từ Phú Thứ đến cầu Đồng Bò. Bộ đội đã có sẵn chốt, hai tiểu đoàn 9 và tiểu đoàn 13 bố trí trận địa này, Đại đội 377 bố trí tại cầu Phú Thứ vừa chặn đầu, vừa khóa đuôi, Tiểu đoàn 14 và công binh chốt đánh địch từ đèo Cả, không cho địch từ Khánh Hòa ra và địch từ Phú Yên chạy vào Khánh Hòa. Quân Tây Nguyên gồm đủ các binh chủng, cộng với bộ máy ngụy quyền ba tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, cùng toàn bộ xe tăng, xe bọc thép, pháo, xe quân sự, xe hành chính, thông tin liên lạc, hàng vạn gia đình binh lính và một số nhà giàu có của ba tỉnh trên tản cư hoặc bị bắt buộc dồn theo chúng, đám tàn quân trên 20.000 tên. Bọn chúng chạy lọt vào trận địa phục kích của ta đúng như dự đoán của Ban Chỉ huy tiền phương.

Trong ngày 19/3/1975, quân ta đã diệt hàng trăm tên địch, bắt sống trên 500 tên. Liên tiếp những ngày sau đó kẻ thù dùng phi pháo hỗ trợ cho đám tàn quân chạy từ Tây Nguyên xuống đồng bằng Tuy Hòa hòng mở đường máu chạy trốn sự truy quét của ta. Nhưng quân và dân tỉnh Phú Yên đã đánh cho chúng tan tác. Tại Hòn Kén, các đại đội đặc công 201 và 25 cùng với hai khẩu cối của Đại đội 189 tập kích vào lực lượng xe tăng, pháo binh, làm cho kẻ thù hoảng loạn. Sáng 20/3/1975, chúng tổ chức một đoàn xe quân sự 20 chiếc, có bảy xe tăng, xe bọc thép dẫn đầu, tiến xuống khỏi cầu Đồng Bò, lọt vào ổ phục kích của Tiểu đoàn 13, Tiểu đoàn 9. Ta nổ súng diệt toàn bộ xe tăng của địch, chiếc xe đi đầu vượt chạy xuống cầu Phú Thứ bị Đại đội 377 diệt nốt. Số ôtô còn lại chạy lui về Hòn Kén, xác xe tăng địch nằm ngổn ngang, trở thành chướng ngại vật trên đường số 5. Địch cho máy bay oanh tạc trận địa của ta. Đại đội bảo an từ Phú Lâm lên mở đường cho bọn ngụy Tây Nguyên bị quân ta chặn đánh quyết liệt, không cho chúng đặt được chân lên Phú Thứ. Bọn chúng phải rút lui về Phú Lâm.

Sáng 22/3/1975, bộ đội ta tiếp tục đánh địch từ Hòa Tân hành quân lên Phú Diễn hòng chiếm cứ điểm Cầu Cháy (Hòa Đồng). Kẻ thù bị đánh tan tác, nhưng còn ngo ngoe ngóc đầu dậy. Trên đường 5, đoạn gần Hòn Kén, bọn ngụy quân cải trang thường dân dùng 100 xe honda, mỗi xe đi hai tên, chạy xuống trận địa ta thám thính tình hình. Ban Chỉ huy kịp thời phát hiện, ra lệnh bộ đội bám sát mặt đường, đánh tiêu diệt. Tiểu đoàn 13 nổ súng đánh và bắt sống hàng trăm tên địch, phá hủy và thu toàn bộ xe honda. Số sống sót tháo chạy về Hòn Kén, máy bay, pháo địch tiếp tục đánh phá trận địa của ta, đánh vào cả xóm làng Hòa Phong. Địch tiếp tục huy động đại đội bảo an từ Hòa Thắng, phía đường 7 lội qua sông, từ bãi cát, đánh vào sau lưng đội hình của quân ta ở Hòa Phong. Lực lượng vũ trang của ta kịp thời phát hiện mưu sâu, kế hiểm của kẻ thù. Quân ta nhanh chóng chặn đánh diệt nhiều tên địch tại bãi cát, buộc bọn chúng phải ôm đầu máu rút lui trở lại Hòa Thắng.

Chiều 22/3/1975, Ban Chỉ huy tiền phương điều Tiểu đoàn 9 từ Phú Diễn lên bố trí tiếp đoạn sát cầu Đồng Bò để đánh địch từ Hòn Kén xuống cùng với Tiểu đoàn 13. Sáng 23/3/1975, địch tập trung cả Liên đoàn bảo an 924 và Tiểu đoàn bảo an 236 chia thành nhiều cánh có máy bay và pháo binh yểm trợ, dọc đường số 5 từ Phú Lâm đánh lên Hòa Bình, Hòa Phong và từ Hòa Tân đánh lên Cầu Cháy. Quân ta phải đối phó nhiều hướng rất ác liệt, nhưng vẫn giữ vững các điểm chốt. Trưa 23/3/1975, địch điều thêm Tiểu đoàn 268 từ Hòn Kén đánh xuống, khi đến cầu Đồng Bò bị Tiểu đoàn 9 đánh diệt 10 tên, bắt sống hai tên, số còn lại chạy về Hòn Kén.

Mít tinh mừng giải phóng Phú Yên và toàn miền Nam tại TP Tuy Hòa - Ảnh: T.LIỆU


TIẾN VỀ GIẢI PHÓNG QUÊ HƯƠNG

Ở Khánh Hòa, địch chi viện ra đèo Cả, một tiểu đoàn biệt động quân bị công binh và du kích Hòa Xuân chặn đánh phải dừng tại đèo Cả. Tối 23/3/1975, Ban Chỉ huy tiền phương đưa cán bộ, dân công ra trận địa thu dọn chiến lợi phẩm; đưa thương binh về tuyến sau; dẫn giải hàng trăm tù binh về trại tù binh Đồng Tàu (Hòa Thịnh). Nhân dân tại chỗ tiếp tục xây dựng công sự, đào giao thông hào giúp bộ đội. Nhân dân trên đường 5 dỡ cả nhà, đưa cả bàn ghế ra giúp bộ đội tiếp tục xây dựng công sự, tiếp tế lương thực để bộ đội bám trụ tại chỗ. Cũng tối 23/3/1975, Tiểu đoàn 96, được Quân khu điều động hành quân cấp tốc ban đêm lên Cà Lúi, Suối Trai để phối hợp với bộ đội chủ lực, Trung đoàn 64 từ Tây Nguyên đuổi theo quân địch S.230; pháo và ĐKZ của ta tiếp tục bắn vào Hòn Kén. Địch tập trung dồn về Hòn Kén. Hàng trăm tên địch bị ta tiêu diệt nằm ngổn ngang. Chúng ta tiếp tục bắn vào bãi xe của địch tại sông Nhau. Bọn lính hoảng sợ bỏ xe, pháo cùng gia đình xuyên rừng tháo chạy xuống Hòa Thịnh, Hòa Mỹ. Một số liều mạng lội qua sông Ba xuống Đồng Cam, ra Trại Cháy, Vân Hòa. Nhân dân và du kích các xã Hòa Thịnh, Hòa Mỹ, Sơn Long bắt hàng trăm tù binh trà trộn vào xóm làng giao cho cách mạng. Một số lính ngụy ngoan cố bám tại Hòn Kén, chờ chi viện, cướp bóc, giết chết lẫn nhau lấy tiền, vàng, lương thực. Quân địch đã hết sức hỗn loạn. 16g ngày 24/3/1975, Tiểu đoàn 96 phối hợp với Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320) cùng với cán bộ, du kích huyện Sơn Hòa tấn công vào huyện Sơn Hòa (quận lỵ Củng Sơn).

Khi quân chủ lực của ta xuất hiện, có xe tăng, pháo, quân địch biết quân chủ lực Tây Nguyên đã đuổi theo, chúng hoảng hốt tháo chạy, một số lớn đầu hàng. Chi khu Phú Đức, Nam Bình bị quân ta tấn công. Bọn địch ở đây hoảng hốt đầu hàng. Một số di chuyển ra khỏi quận lỵ Củng Sơn chạy xuống Thạnh Hội qua cầu phao dẫm lên xe tăng, pháo và người làm hỏng cầu. Đoàn xe và người chìm hết xuống sông; số qua được cầu dồn xuống Hòn Kén, Sơn Thành.

Sáng 25/3/1975, địch tổ chức nhiều đợt oanh kích, chúng ném bom bừa bãi xuống vùng đông dân. Từ Phú Thứ đến Mỹ Thạnh Tây, Lương Phước, kẻ thù ném cả bom bi, bom Napalm xuống trận địa ta. Hàng trăm tấn bom bị kẻ thù trút xối xả xuống trận địa phòng không và Ban Chỉ huy tiền phương trên đỉnh núi Hương. Điên cuồng hơn, kẻ thù trút cả bom xăng làm cháy sạch nhà cửa, núi rừng. Chiến sĩ ta có hầm kèo kiên cố bám trụ, giữ vững được trận địa. Bọn địch xô nhau tháo chạy, tính riêng trên đường số 5, đoạn Lương Phước đến Mỹ Thạnh Đông có 400 tên chết. Lính ngụy chết la liệt, số trên bờ, số lăn xuống mương dẫn nước. Trên 200 tên bị thương, 1.200 tên bị bắt sống, hàng trăm xe bị đổ, bị cháy.

Chiều 25/3/1975, đường 5 hoàn toàn giải phóng. Đây là chiến thắng có ý nghĩa quan trọng, góp phần cho thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân Phú Yên bằng việc giải phóng quê hương vào ngày 1/4/1975.

                  

(Trích Hồi ký đồng chí NGUYỄN DUY LUÂN,

nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên)


BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek