Thực hiện Quyết định 290 ngày 8/11/2005 và các quyết định 188, 142 của Thủ tướng Chính phủ, những người đã trực tiếp tham gia chống Mỹ, sau ngày đất nước thống nhất trở về địa phương tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội nhưng chưa được hưởng một chế độ, chính sách nào đã được hưởng trợ cấp.
Huyện Sông Hinh chi trả chế độ 290, 188, 142 cho các đối tượng chính sách - Ảnh: V.THÙY |
Năm 1970, ở lứa tuổi 20 tràn đầy sức lực và ước mơ, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của đất nước, Ma Ngữ xung phong vào đội du kích của xã. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ cuộc sống của bà con buôn làng, Ma Ngữ cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh ác liệt, trong đó có trận tập kích địch tại ấp Mả Vôi (xã Đức Bình Tây) làm cho quân thù chùn chân, khiếp vía. Những chiến công đó đã góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất nước nhà.
Sau khi Tổ quốc thống nhất, non sông liền một dải, Ma Ngữ tiếp tục xung phong vào bộ đội. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ vẻ vang của người lính Cụ Hồ, trở về quê hương, Ma Ngữ tham gia công tác chính quyền thôn, xã đến khi tuổi cao, sức yếu.
Mặc dù có những cống hiến cho quê hương đất nước, nhưng Ma Ngữ không mảy may đòi hỏi cho riêng mình sự ưu đãi nào. Ma Ngữ tâm sự: “Quân giặc nó xâm lược đất nước, giết hại đồng bào mình nên mình đi theo Đảng, theo cách mạng đánh đuổi chúng. Nó thua chạy rồi, đất nước hòa bình, thống nhất, mình về lại gia đình cùng với bà con xây dựng buôn làng. Nước ta còn nghèo do nhiều năm bị chiến tranh tàn phá, phải cùng nhau tiếp tục góp công sức xây dựng quê hương giàu đẹp”. Cũng theo Ma Ngữ, tham gia du kích là để được đánh giặc bảo vệ quê hương đất nước và sẵn sàng hy sinh khi Tổ quốc cần. Không ai vào du kích, vào bộ đội để đòi quyền lợi vật chất cho riêng mình.
Thượng tá Huỳnh Ngọc Dân, Chính trị viên Cơ quan Quân sự huyện Sông Hinh, cho biết: “Quyết định 290 ngày 8/11/2005 và các quyết định 188, 142 của Thủ tướng Chính phủ đã cụ thể hóa một chính sách lớn có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với những người đã trực tiếp tham gia chống Mỹ, sau ngày đất nước thống nhất trở về địa phương tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội nhưng chưa được hưởng một chế độ, chính sách nào. Qua khảo sát, rà soát, toàn huyện có hàng trăm trường hợp thuộc diện điều chỉnh của Quyết định 290 và các quyết định 188, 142. Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng trong quá trình thực hiện cơ quan quân sự huyện vẫn gặp không ít khó khăn, trở ngại do thời gian đã quá lâu, nhiều đối tượng đã mất hoặc di chuyển đến nơi khác sinh sống… Đặc biệt nhiều trường hợp là người dân tộc thiểu số không biết chữ, gây khó khăn cho việc xác nhận ở cấp cơ sở. Đến cuối năm 2010, toàn huyện đã xét duyệt và gửi cấp trên 412 hồ sơ, trong đó có 170 hồ sơ được phê duyệt, được hưởng trợ cấp một lần, trong đó có Ma Ngữ”.
Trước Tết Tân Mão, nhận được số tiền trợ cấp một lần 1,4 triệu đồng theo Quyết định 290 của Thủ tướng Chính phủ, cũng như những đồng đội của mình, Ma Ngữ rất vui. “Mình biết, giờ đây đất nước đã phát triển hơn trước rất nhiều. Số tiền này không nhiều nhưng đó là niềm vinh dự lớn mà Đảng, Nhà nước đã ghi nhận công lao đóng góp của những người như mình đối với Tổ quốc. Đây cũng là niềm hạnh phúc, niềm tin để mình cùng bà con buôn làng tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước” - Ma Ngữ phấn khởi nói.
THÀNH TÀI