Văn kiện Đại hội X của Đảng phần thứ III – Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, nêu bật yêu cầu hàng đầu là phải nắm vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở nước ta và đã nêu lên một số nội dung cơ bản về định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình phát triển kinh tế thị trường.
Nổi bật là các nội dung: giải phóng mạnh mẽ và không ngừng phát triển sức sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, khuyến khích mọi người vươn lên làm giàu chính đáng, giúp đỡ người khác thoát nghèo và từng bước khá giả hơn. Phát triển nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển… Đây là sự tìm tòi, phát hiện, một sáng tạo lớn của Đảng ta trong quá trình lãnh đạo chuyển đổi nền kinh tế đất nước được đúc kết qua tổng kết lý luận và thực tiễn đổi mới.
Quan điểm của Đảng về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta là bước đột phá, mở đầu của đổi mới tư duy kinh tế, kết quả của nó tạo ra nền tảng, đặt cơ sở cho sự nghiệp đổi mới toàn diện. Trong quá trình đổi mới, Đảng ta xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm. Đây lại là bước phát triển mới trong tư duy lý luận về đổi mới. Từ kinh nghiệm lãnh đạo kinh tế đất nước, tổng kết thực tiễn những năm đầu đổi mới, Đảng ta xác định phát triển nền kinh tế nhiều thành phần và các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Các chính sách và luật pháp của Nhà nước đã từng bước xác lập thể chế mới cho các thành phần kinh tế kinh doanh bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Cơ chế vận hành nền kinh tế đã chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường định hướng XHCN. Các thành phần kinh tế được pháp luật thừa nhận, cạnh tranh lành mạnh, có bước phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao, tham gia tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, gắn kết kinh tế nước ta với kinh tế khu vực và kinh tế thế giới. Vấn đề có ý nghĩa trong nắm vững định hướng XHCN là chính sách xã hội và chính sách kinh tế gắn kết trong một chỉnh thể thống nhất; tăng trưởng kinh tế bền vững phải đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển.
Văn kiện Đại hội X còn nêu, trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường coi trọng phát triển đồng bộ và quản lý có hiệu quả sự vận hành các thị trường cơ bản, theo cơ chế cạnh tranh lành mạnh. Trong quá trình đổi mới các loại thị trường hàng hóa – dịch vụ; thị trường lao động, thị trường tài chính, thị trường khoa học – công nghệ, thị trường bất động sản đều được Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện phát triển nên hoạt động mạnh mẽ, sôi động trên phạm vi cả nước, vươn ra thị trường các nước trong khu vực và thị trường quốc tế. Tuy vậy, do thiếu đồng bộ và liên kết với nhau nên hệ thống thị trường chậm hình thành và có nhiều khiếm khuyết. Có thị trường như thị trường vốn, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán… còn sơ khai, còn thiếu khung pháp lý về cạnh tranh và chống độc quyền, chống bán phá giá trong kinh doanh. Từ Đại hội IX, Đảng ta đã nêu quan điểm: Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình tổng quát của nền kinh tế nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và đề ra mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Theo đó cần phát triển mạnh mẽ các thị trường và tạo lập đồng bộ hệ thống thị trường. Từ yêu cầu bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường, Đại hội X của Đảng đã làm rõ hơn những nội dung định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường là như thế nào để làm cơ sở khoa học cho hoạch định đường lối kinh tế, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội trong tầm nhìn 2020. Theo đó, trên tầm vĩ mô cấp thiết tiến hành xây dựng và phát triển hệ thống luật pháp đồng bộ, hoàn chỉnh, toàn diện, tạo được môi trường pháp lý, khuyến khích các yếu tố thị trường và hệ thống thị trường phát triển mạnh mẽ, đồng bộ. Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ tư duy lý luận, nhất là tư duy kinh tế thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, phát triển kinh tế tri thức, hội nhập để đổi mới hơn nữa hệ thống chính sách quản lý kinh tế, khuyến khích sản xuất và các loại dịch vụ đáp ứng yêu cầu xã hội. Tinh thần của Đại hội X còn chỉ rõ, phải có chiến lược phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật của hệ thống thông tin kinh tế, xã hội và quản lý, sử dụng mạng Internet thật sự hiệu quả trong xây dựng và phát triển thị trường. Coi trọng phát triển thương mại điện tử phục vụ sản xuất, tiêu dùng, kích thích phát triển dịch vụ thương mại điện tử. Việc xây dựng và thực hiện chính sách kinh tế, phát triển thị trường cũng cần chú ý tính khả thi phù hợp trình độ kinh tế vùng các dân tộc thiểu số, nâng đỡ các dân tộc thiểu số trong tiến trình xây dựng, phát triển kinh tế thị trường.
TS PHẠM VĂN KHÁNH