Thứ Tư, 27/11/2024 21:42 CH
Thảo luận tại đoàn các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XI
Thứ Năm, 13/01/2011 11:00 SA

Chiều 12/1, Đại hội làm việc tại đoàn. Các đại biểu thảo luận, góp ý kiến vào dự thảo văn kiện trình Đại hội XI.

 

DH-110113.jpg
Các đại biểu thảo luận tại đoàn - Ảnh: VOV

 

Đó là dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm (2011 – 2020); báo cáo một số vấn đề bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng; Báo cáo sự kiểm điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành TW Đảng khóa X…

 

Các đại biểu đã dành thời gian thảo luận về đánh giá tổng quát quá trình cách mạng Việt Nam; mục tiêu và những phương hướng cơ bản trong quá trình xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc; định hướng về phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, quốc phòng, an ninh…; đánh giá những thành tựu và hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm qua thực tiễn Chiến lược 2001-2010 và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng; các giải pháp phát triển, đổi mới giáo dục đào tạo; phương hướng xây dựng Đảng về chính trị tư tưởng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, nâng cao chất lượng đảng viên, kiện toàn tổ chức cơ sở Đảng, về quy hoạch cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý các cấp và công tác cán bộ, công tác phát triển đảng viên…

 

Hầu hết các ý kiến phát biểu tại thảo luận đều bày tỏ sự đồng tình với các nội dung trong các báo cáo chính trị được trình tại Đại hội XI; khẳng định những thành tựu to lớn về mọi mặt trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội trong 10 năm qua (2001 – 2010) với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt con số ấn tượng (đạt tốc độ bình quân 7,2%/năm); đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên, các chính sách về an sinh xã hội được đảm bảo.

 

Theo ý kiến của nhiều đại biểu, trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011 – 2020, cần phải đầy mạnh hơn nữa việc kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ xã hội; đi đôi với đó là việc củng cố quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chiến lược là vừa xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

 

Góp ý cho Dự thảo Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), đại biểu Nguyễn Văn Thuận - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (Đoàn đại biểu Khối cơ quan Trung ương) tán thành Cương lĩnh đã đặt ra 8 phương hướng cơ bản, cụ thể để toàn Đảng, toàn dân quán triệt và triển khai thực hiện.

 

Đồng thời Chiến lược phát triển KT-XH (2011-2020) cũng đã xác định 3 khâu đột phá. Đại biểu Nguyễn Văn Thuận cho rằng, ở khâu đột phá thứ hai là phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ cần xác định rõ hơn bởi phát triển nhanh nguồn nhân lực gắn với yếu tố phát triển con người không chỉ trong thời gian ngắn mà cần phải xác định lâu dài hơn.

 

Về khâu đột phá thứ ba, đại biểu Nguyễn Văn Thuận đề cập đến việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nên có định hướng cụ thể hơn, tập trung vào hệ thống giao thông đường bộ Bắc - Nam, ngoài ra, hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM nên có đường sắt trên cao, tàu điện ngầm để giải bài toán ùn tắc giao thông hiện nay.

 

Liên quan đến vấn đề củng cố và phát triển quốc phòng, đại biểu Phí Quốc Tuấn, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô (Đoàn Quân đội) mong muốn trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm tới cần tiếp tục xây dựng lực lượng quân đội ngày càng chính quy, tinh nhuệ và hiện đại.

 

Đi đôi với đó là đẩy mạnh hoạt động giáo dục về quốc phòng; coi hoạt động giáo dục quốc phòng là một bộ phận không thể thiếu của nền giáo dục quốc gia; đồng thời cần có các chính sách khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ trong lực lượng vũ trang.

 

Theo đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội (Đoàn Hà Nội), mặc dù đạt được những kết quả rất lớn trong công tác giáo dục – đào tạo, song nền giáo dục nước ta vẫn cần được đổi mới theo hướng quyết liệt hơn, đổi mới cả về cách dạy và học, đổi mới trong quản lý; gắn kết một cách chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ…; đảm bảo cho chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao hơn.

 

Nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, nguồn nhân lực có chất lượng cao, sẽ góp phần rất lớn cho sự nghiệp xây dựng và đổi mới và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong giai đoạn tới, đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc nói.

 

Các đại biểu Bùi Đức Hạnh, Hà Văn Hùng (Đoàn đại biểu tỉnh Hà Tĩnh) đề nghị cần quan tâm tới việc bảo đảm phát triển hài hoà các vùng, miền, về lâu dài cần quan tâm tới chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động, coi trọng chuyển dịch cơ cấu đầu tư cho phù hợp…

 

Theo chinhphu.vn

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek