Để chuẩn bị cho kỳ họp lần thứ 19 HĐND tỉnh khóa V, các đại biểu HĐND tỉnh đã tổ chức 57 điểm tiếp xúc cử tri, thu hút 287 lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp. Phần lớn ý kiến, kiến nghị tập trung vào các lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thủy lợi, quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ bản, giải phóng mặt bằng...
Do mưa lũ nên quốc lộ 1A qua huyện Tuy An bị hư hỏng nặng. – Ảnh: V.TÀI
SỚM HỖ TRỢ ĐỂ ỔN ĐỊNH SẢN XUẤT
Cử tri trong tỉnh đề nghị ngành NN-PTNT nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, thời vụ sản xuất cho phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, thời tiết hiện nay để đảm bảo sản xuất nông nghiệp có hiệu quả. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của mưa lũ đã làm hư hỏng lúa giống, do vậy, kiến nghị tỉnh có biện pháp hỗ trợ các loại giống lúa, hoa màu cho nông dân kịp thời sản xuất vụ lúa đông xuân.
Liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp, cử tri xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) và xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa) phản ánh tình trạng phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản, cây cảnh trên địa bàn có chiều hướng tăng, nhưng hiện vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn kịp thời, hiệu quả. Song song đó là tình trạng phá rừng phòng hộ đầu nguồn sông Ba làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
Về thủy lợi, nhiều cử tri kiến nghị rằng theo Quyết định số 1007/QĐ-UB quy định mức thu thủy lợi phí 939.000 đồng/ha và 400.000 đồng/ha chưa bù đắp chi phí đối với các hợp tác xã có trạm bơm chạy bằng dầu, cũng như không đủ để kiên cố hóa kênh mương nội đồng, gây ảnh hưởng đến việc trồng trọt của người dân. Cũng liên quan đến vấn đề thủy lợi, người dân đề nghị tỉnh cần quan tâm, bố trí vốn xây dựng bờ kè dọc bờ biển các xã An Chấn, An Phú, An Hòa (huyện Tuy An) để ngăn triều cường xâm thực. Có kế hoạch khảo sát, đầu tư xây dựng kè phía nam bờ sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa), kè bờ sông Kỳ Lộ đoạn phía bắc và nam cầu La Hai (huyện Đồng Xuân), kè chống xói lở bờ sông Ba thuộc xã Hòa Định Tây (huyện Phú Hòa). Cử tri ở xã Hòa Hiệp
Trong việc xả lũ vừa qua, cử tri kiến nghị theo thiết kế cao trình tích nước của lòng hồ thủy điện Sông Ba Hạ là 105m, nhưng thực tế khi tích nước độ cao dâng 105m đã gây ngập úng một số diện tích đất sản xuất và nhà ở của nhân dân song chưa được tính toán đền bù. Việc điều tiết xả lũ của hồ này cũng không tuân thủ đúng quy trình và quy chế xả lũ liên hồ theo quy định đã góp phần nâng cao nước lũ hạ du, gây thiệt hại to lớn về kinh tế, đời sống của người dân nên yêu cầu đơn vị này xem xét bồi thường thiệt hại cho dân vùng ngập úng.
GIAO THÔNG HƯ HỎNG NẶNG
Do ảnh hưởng của mưa lũ trong tháng 11/2010 nên giao thông ở các địa phương trong tỉnh bị hư hỏng rất nặng, gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Trong khi đó, ngân sách ở các địa phương không thể khắc phục. Vì vậy, cử tri kiến nghị tỉnh cần tăng mức hỗ trợ kinh phí khắc phục để người dân thuận lợi trong đi lại và vận chuyển nông sản. Mưa lũ cũng đã làm cho tuyến ĐT645 qua huyện Tây Hòa và Sông Hinh, ĐT646 đoạn Sơn Hội - Phước Tân (huyện Sơn Hòa), ĐT643 qua các xã Sơn Long, Sơn Xuân (huyện Sơn Hòa), ĐT642 từ cầu Sắt - La Hai (huyện Đồng Xuân) và ĐT644… hư hỏng nặng, thường ách tắc giao thông vào mùa mưa. Đề nghị các ngành chức năng có biện pháp khắc phục.
Liên quan đến vấn đề này, cử tri ở huyện Tuy An kiến nghị đoạn quốc lộ 1A đi qua địa phận huyện Tuy An nhiều đoạn sạt lở, hư hỏng nặng, gây mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, vì vậy, cần có biện pháp kiểm tra, xử lý.
Để giảm thiểu tai nạn, cử tri ở TP Tuy Hòa phản ánh hệ thống thoát nước ở đoạn đường Nguyễn Văn Linh hiện đang xuống cấp, đất cát bồi lấp, nước thoát không được. Trong khi đó, tuyến đường từ ngã ba Bưu điện Tuy Hòa cũ đi qua phường Phú Đông chật hẹp, phương tiện tham gia giao thông ngày càng nhiều, vì vậy, cần mở rộng và có kế hoạch sửa chữa…
CHẤN CHỈNH VIỆC GIAO ĐẤT, XỬ LÝ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
Cử tri ở xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) phản ánh việc thu hồi đất nông nghiệp của người dân để giao đất cho Công ty VRG trồng cây cao su nhưng thực tế đơn vị chỉ trồng cây keo, cây bạch đàn nên yêu cầu các ngành hữu quan kiểm tra, xử lý. Liên quan đến đất đai, cử tri ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) bức xúc việc UBND tỉnh cấp đất cho Công ty TNHH Quang Sơn chồng lấn lên diện tích đất UBND tỉnh cấp cho xã Hòa Quang Bắc quy hoạch khu dân cư. Do vậy, sớm kiểm tra và thu hồi để khỏi ảnh hưởng đến việc an cư của người dân.
Một số cử tri ở thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân) và một số phường thuộc TP Tuy Hòa phản ánh thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn rườm rà, kéo dài thời gian. Nhiều trường hợp làm thủ tục nhiều năm nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ngược lại có trường hợp đến làm thủ tục chỉ trong vài ngày là được cấp, gây bất bình cho người dân.
Liên quan đến ô nhiễm môi trường, cử tri ở các huyện Tây Hòa, Sông Hinh và Sơn Hòa yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra và có giải pháp khắc phục trình trạng ô nhiễm ở Nhà máy Chế biến tinh bột sắn FOCOCEV, Nhà máy Sản xuất cồn Vạn Phát và Nhà máy Đường Tuy Hòa xả nước thải chưa qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường dọc hạ lưu sông Ba, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân.
Liên quan đến vấn đề nước sạch, cử tri xã Xuân Lâm (TX Sông Cầu) phản ánh công trình nước tự chảy thôn Cao Phong đường ống dẫn nước bị hư hỏng nặng; hệ thống dẫn nước, bể chứa nước xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh) bị hư hỏng nặng không đủ nước sinh hoạt cho dân… Cũng vấn đề nước sạch, cử tri thôn Cần Lương, xã An Dân (huyện Tuy An) phản ánh tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Do vậy, các ngành chức năng nghiên cứu giải quyết nước sinh hoạt cho dân ở đây bằng biện pháp hỗ trợ đào giếng phân tán trong khu vực dân cư để vừa tiện quản lý, vừa khai thác hợp lý nguồn nước hiện có ở địa phương. Còn cử tri xã Suối Bạc (huyện Sơn Hòa) đề nghị Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Phú Yên cần kiểm tra, giải quyết tình hình người dân chỉ dùng một mét khối nước sinh hoạt/tháng/hộ, nhưng khi thanh toán phải trả tiền theo hợp đồng là bốn khối/tháng/hộ.
XÂY DỰNG CƠ BẢN, GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG CÒN CHẬM Cử tri ở thôn Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam (huyện Đông Hòa) nêu, các hộ dân trong vùng dự án xây dựng nhà máy lọc dầu đã hơn 3 năm chờ đợi nhưng khu tái định cư để di dời dân chưa hoàn thiện. Vì vậy các cơ quan chức năng cần có giải pháp sớm di dời để người dân “an cư, lạc nghiệp”. Nhân dân ở xã An Lĩnh (huyện Tuy An) phản ánh, mùa mưa năm 2010 đã gây sạt lở đất nghiêm trọng. Vì vậy, tỉnh xem xét quy hoạch tại mỗi thôn ở xã một khu tái định cư để kịp thời giải quyết nhà ở một cách chủ động, vì An Lĩnh là địa bàn rộng, giao thông chia cách không thể tập trung về khu định cư tại trung tâm xã. Cử tri TP Tuy Hòa kiến nghị: Việc đền bù giải phóng mặt bằng dự án Nam TP Tuy Hòa vì sao không thực hiện đúng Nghị định 69/CP và không giao hết tiền cho dân mà Ban quản lý giải phóng mặt bằng giữ lại 15%, cần giải trình cho cử tri rõ. Bên cạnh đó, dự án Kè chống xói lở Nam hạ lưu sông Đà Rằng hiện tiến độ đầu tư rất chậm, đề nghị các ngành sớm có giải pháp chấn chỉnh, không gây thất thoát, lãng phí kinh phí của Nhà nước. Cử tri ở xã An Chấn (huyện Tuy An) đề xuất, nếu tỉnh cấp đất cho các dự án làm du lịch ở địa phương thì cần xem xét dành một phần diện tích để quy hoạch đường giao thông cho nhân dân đi lại và bãi neo đậu tàu thuyền.
VĂN TÀI (tổng hợp)