Thứ Bảy, 05/10/2024 00:16 SA
Giáo sư Trần Văn Giàu về cõi trường sinh
Thứ Bảy, 18/12/2010 19:00 CH

Nhà cách mạng lỗi lạc, nhà khoa học, nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động, Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - giáo sư Trần Văn Giàu vừa vĩnh biệt tất cả chúng ta ở tuổi bách tuế về cõi trường sinh lúc 17g20’ ngày 16/12/2010 tại Bệnh viện Thống Nhất.

 

giau101218.jpg

Giáo sư Trần Văn Giàu

Đất nước Việt Nam vừa mất đi một người con ưu tú, một anh hùng, một nhà khoa học lỗi lạc của dân tộc, một người thầy của bao thế hệ.

 

Giáo sư Trần Văn Giàu sinh ngày 6/9/1911 tại xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Cuộc đời hoạt động cách mạng, dạy học và nghiên cứu khoa học của Giáo sư là một tấm gương sáng về ý chí và bản lĩnh, về sự quả cảm và đức hy sinh, về tài năng xuất chúng và nhân cách cao cả.       

 

Năm 1928, Trần Văn Giàu tốt nghiệp Trường trung học Chasseloop Lanbat tại Sài Gòn và du học tại Đại học Toulouse (Pháp) với khát vọng đậu hai bằng tiến sĩ rồi trở về nước viết báo và mở văn phòng luật sư giúp đỡ đồng bào. Tại Toulouse, dưới sự hướng dẫn và giúp đỡ của các đảng viên Đảng cộng sản Pháp, tháng 3/1929, ông gia nhập Đảng Cộng sản Pháp. Khi khởi nghĩa Yên Bái (2/1930) thất bại, đảng viên Cộng sản Trần Văn Giàu được anh em du học sinh và thợ thuyền Việt Nam ở TP Toulouse cử làm đại diện lên Paris tham dự cuộc biểu tình đòi nhà cầm quyền Pháp xóa án tử hình cho 13 thủ lĩnh Quốc dân Đảng bị thực dân Pháp bắt trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Ông bị nhà cầm quyền Pháp bắt giam và bị trục xuất về nước tháng 6/1930 cùng 18 người bạn đồng chí hướng trong cuộc đấu tranh này.

 

Về nước, ông tham gia dạy học tại Trường tư thục Huỳnh Công Phát, bí mật tham gia hoạt động cách mạng ở Sài Gòn – Chợ Lớn và gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông được Đảng phân công cùng Hải Triều phụ trách Ban Học sinh và Ban Phản đế của Xứ ủy Nam Kỳ. Giữa năm 1931, ông được cử sang Liên Xô học Trường Đại học Đông Phương. Cùng học với ông có những người sau này trở thành Tổng Bí thư của Đảng như Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập.

 

Năm 1933, ông bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp “Vấn đề ruộng đất ở Đông Dương” và bí mật trở về nước hoạt động, tham gia tổ chức lại Xứ ủy Nam Kỳ, xuất bản Báo Cờ Đỏ. Ông bị thực dân Pháp truy bắt và giam giữ 7 năm tại các nhà tù Côn Đảo, Tà Lài. Trong tù, ông giảng bài và biên soạn tài liệu để tuyên truyền về chủ nghĩa cộng sản, là “Thầy giáo đỏ” cho các chiến sĩ cộng sản bị giam cầm. Năm 1941, ông lãnh đạo anh em tù chính trị tổ chức vượt ngục Tà Lài (Đồng Nai) thành công.

 

anh101218.jpg

Lời chúc mừng năm mới 2001 dành cho Phú Yên của Giáo sư Trần Văn Giàu Giáo sư Trần Văn Giàu - Ảnh: CHINHPHU.VN

 

Năm 1943, Trần Văn Giàu được cử làm bí thư Xứ ủy Nam Kỳ. Ông tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại Sài Gòn và ngày 25/8/1945 được cử làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ. Năm 1946, ông được điều động về Trung ương và sau đó giữ chức vụ Giám đốc Nha thông tin. Năm 1951, ông được cử vào vùng tự do Thanh Hóa xây dựng Trường Dự bị Đại học. Ông cùng với các trí thức lớn như Nguyễn Thúc Hào, Nguyễn Đức Chính, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Cao Xuân Huy… đào tạo một thế hệ sinh viên dự bị đại học mà hầu hết đều trưởng thành xuất sắc, trở thành các nhà lãnh đạo quản lý, nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia lớn của đất nước về khoa học và giáo dục.

 

Năm 1954, ông là bí thư Đảng ủy Trường Đại học Sư phạm kiêm giảng dạy các môn khoa học chính trị, triết học, lịch sử cận hiện đại thế giới và lịch sử cận đại Việt Nam. Năm 1956, khi Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thành lập, ông làm bí thư Đảng ủy kiêm chủ nhiệm sáng lập Khoa Lịch sử.

 

Ông có công rất lớn cùng các giáo sư Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh… dày công đào tạo những thế hệ các nhà sử học đầu tiên cho đất nước, trong số đó có nhiều học trò trở thành những tên tuổi lớn của sử học Việt Nam như các giáo sư Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng…   

 

Khi bước vào tuổi 90 (năm 2001) Giáo sư Trần Văn Giàu quyết định bán căn nhà của mình và hiến tặng 1.000 lượng vàng cho Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam dùng làm quỹ giải thưởng cho những công trình sử học nghiên cứu về Nam Bộ. Đây là giải thưởng duy nhất mang tên danh nhân khi còn sống.

 

anh1101218.jpg

Giáo sư Trần Văn Giàu xem các ấn phẩm của Báo Phú Yên  - Ảnh: T.LIỆU

 

Ông ra đi, để lại những công trình đồ sộ về triết học và lịch sử như: bộ sách về triết học gồm 3 quyển “Biện chứng pháp”, “Vũ trụ quan”, “Duy vật lịch sử”; “Chống xâm lăng” (3 tập); “Lịch sử giai cấp công nhân Việt Nam” (4 tập); “Lịch sử Việt Nam” (chủ biên, 8 tập); “Miền Nam giữ vững thành đồng” (5 tập); “Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám (3 tập); “Địa chí văn hóa TP Hồ Chí Minh” (chủ biên, 4 tập); “Giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam”; “Sự khủng hoảng của chế độ Nhà Nguyễn trước 1858”, “Lịch sử cận đại Việt Nam”…

 

Sinh thời, ông rất quan tâm đến lịch sử vùng đất Phú Yên và dành nhiều tình cảm cho Đảng bộ và nhân dân Phú Yên. Ông đã viết Lời tựa cho công trình nghiên cứu “Địa bạ Phú Yên” của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu. Với tư cách chủ tịch Hội đồng khoa học xã hội TP Hồ Chí Minh, ông chỉ đạo biên soạn công trình nghiên cứu “Lịch sử Phú Yên thế kỷ XVII, XVIII” chào mừng 400 năm Phú Yên. Xuân 2001, bước vào thế kỷ mới và thiên niên kỷ mới, ông đã dành tâm huyết khái quát những nét đặc sắc của lịch sử Phú Yên và chúc Đảng bộ, nhân dân Phú Yên “Yên định trong Phú cường”.

 

Những gợi mở của ông vô cùng sâu sắc và thú vị cho hậu thế nghiên cứu về lịch sử Phú Yên nói riêng và cả nước nói chung.

 

Kính cẩn nghiêng mình tiễn ông vào cõi trường sinh.

 

Thạc sĩ PHAN THANH BÌNH

(Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Phú Yên)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek