Thứ Năm, 28/11/2024 03:27 SA
Mấy ý kiến trao đổi về việc tổ chức “học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng”
Thứ Sáu, 25/08/2006 08:30 SA

Để hình thành một nghị quyết như Nghị quyết Đại hội Đảng, chúng ta phải đầu tư nhiều trí tuệ, công sức để chuẩn bị tài liệu, soạn thảo nội dung, thảo luận góp ý từ cơ sở lên rồi tổng hợp, chỉnh sửa trước khi đưa ra Đại hội thảo luận một lần nữa mới biểu quyết thông qua. Có khi biểu quyết thông qua ở Đại hội chủ yếu về tinh thần, còn nội dung nghị quyết tiếp tục chỉnh sửa nữa (mà ở đại hội do thời gian có hạn chưa chỉnh sửa hết). Nói như vậy để thấy rằng, cho ra đời một nghị quyết là hết sức công phu. Bởi nghị quyết là chủ trương, đường lối, phương hướng hành động của cả một nhiệm kỳ, thành bại đôi khi từ nghị quyết mà ra. Nghị quyết đúng, hợp quy luật, sát thực tiễn, hợp với lòng dân thì có tác dụng làm xoay chuyển tình hình, tạo bước đột phá thúc đẩy sự phát triển, ngược lại, nghị quyết chuẩn bị sơ sài, thiếu chất trí tuệ, không nắm vững quy luật, xa rời thực tế, không đề ra được những cái mới thì sẽ làm chậm bước phát triển của đất nước.

 

Nhưng có một điều muốn trao đổi thêm là khi có nghị quyết đúng rồi, nhưng việc triển khai học tập, quán triệt không thấu đáo, đảng viên, quần chúng không nắm được, thì việc tổ chức thực hiện rất khó thành công. Bấy lâu nay, nhiều cán bộ, đảng viên thường phàn nàn là việc tổ chức quán triệt nghị quyết của Đảng nhiều nơi, nhiều lúc làm chưa thấu đáo, qua loa xong chuyện, người nghe như “vịt nghe sấm”… Lại có người đi dự quán triệt nghị quyết lại chỉ muốn đến nghe “chuyện hậu trường” của Đại hội thì nhiều, còn nội dung nghị quyết thì bảo nghe đài, xem báo rồi (nhưng thực ra họ chưa đọc một dòng nào nghị quyết đăng trên báo vì có báo đâu mà đọc, hay có báo thì chỉ xem an ninh, thể thao, thời trang, chuyện tham  nhũng…)

 

Vậy tổ chức quán triệt nghị quyết của Đảng sao cho có hiệu quả?

 

Xin trao đổi một số ý để nâng cao hiệu quả việc tổ chức học tập quán triệt nghị quyết của Đảng. Theo tôi, có 3 cấp độ hình thức:

 

Thứ nhất là: Phổ biến nghị quyết. Hình thức này chủ yếu là truyền đạt lại tinh thần nội dung nghị quyết. Nghị quyết sao nói vậy, không phân tích thêm, không có “chương trình hành động” gì hết. Cử tọa chỉ nghe để biết. Hình thức này thụ động, thường áp dụng trong những trường hợp khẩn cấp, “nghe về mà làm”, không thắc mắc, bàn luận gì hoặc nghe để biết (đối với các đối tượng không trực tiếp thực hiện nghị quyết).

 

Thứ hai là:  “quán triệt nghị quyết”. Ngoài phổ biến nội dung nghị quyết, người tổ chức phải phân tích thêm, nhấn mạnh thêm những nội dung chính, cốt lõi của nghị quyết, phương thức hành động ra sao. Người tổ chức phải nghiên cứu kỹ nghị quyết cùng với hướng dẫn của cấp trên, truyền đạt cho sâu, cho kỹ những vấn đề nêu trong nghị quyết để cử tọa thấm nhuần (không như “vịt nghe sấm”, “nước đổ lá khoai”). Cần có thời gian cho người học thảo luận nâng cao nhận thức về Nghị quyết. Để đánh giá hiệu quả việc tổ chức quán triệt nghị quyết, nên có viết thu hoạch để đánh giá xem cử tọa thấu hiểu nghị quyết đến đâu. Và để đánh giá đúng thực chất, nên viết thu hoạch tại nơi quán triệt nghị quyết, không nên để về nhà đem nghị quyết ra chép lại cho có. Cách tổ chức này buộc cử tọa phải động não, tập trung chú ý nghe quán triệt nội dung nghị quyết, có như vậy mới thấm nhuần được tinh thần nội dung nghị quyết.

 

Thứ ba là: Học tập nghị quyết. Cấp độ nâng cao hơn cấp độ trên. Đã nói học tập thì có nghe truyền đạt, có thảo luận, có kiểm tra, đánh giá kết quả học tập. Thời gian tổ chức học tập nghị quyết tất nhiên nhiều hơn. Việc truyền đạt tương tự như tổ chức quán triệt nghị quyết, nhưng xen vào truyền đạt có tổ chức thảo luận, trao đổi những nội dung trọng tâm của nghị quyết, đặc biệt là phần phương hướng. Có người nói trước khi nghị quyết ban hành đã có thảo luận tại đại hội rồi, thảo luận chi nữa. Ở đây cần hiểu, là ở đại hội, trước đại hội chỉ thảo luận dự thảo nghị quyết, có nhiều nội dung phải qua đại hội mới “chốt” lại thành tiếng nói chung, thành “kim chỉ nam”. Mặt khác, thảo luận khi học tập nghị quyết chủ yếu là thảo luận bàn biện pháp thực hiện (trong đại hội chủ yếu là bàn phương hướng). Việc tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả học tập tương tự như ở tổ chức viết thu hoạch khi quán triệt nghị quyết; nhưng ở đây, cử tọa có quyền được nêu lên các chính kiến, các giải pháp “phương thức hành động của cá nhân, đơn vị mình” để thực hiện nghị quyết.

 

Từ những “cấp độ” hình thức đó, các cấp ủy xem xét các hình thức phù hợp đối với từng đối tượng để việc “đưa nghị quyết vào cuộc sống” đạt hiệu quả cao.

 

TRẦN HỮU THỌ

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek