Thứ Bảy, 05/10/2024 20:23 CH
Quân, dân xã Hòa Hiệp đóng góp công sức vào chiến công của tàu Không số khi vào bến Vũng Rô
Thứ Bảy, 27/11/2010 07:30 SA

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân ta đã lập nên những kỳ tích oai hùng sáng ngời trong lịch sử dân tộc.

 

tau-con-so101127.jpg

Tàu Không số trên đường vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam. - Ảnh: TƯ LIỆU

 

Trong những kỳ tích ấy phải kể đến chiến công vĩ đại vận chuyển hàng, vũ khí và phương tiện chiến tranh… mà trong đó việc vận chuyển hàng trăm ngàn tấn vũ khí trang bị bằng đường biển có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các chiến trường xa như Nam bộ và Nam Trung Bộ. Chính vì vậy mà mọi người gọi đường biển vận chuyển vũ khí với cái tên rất trân trọng tự hào “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Đường chiến lược thứ hai chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ.

 

Trong nhiệm vụ đó, quân và dân xã Hòa Hiệp đóng góp công sức vào việc xây dựng bến Vũng Rô tiếp nhận vận chuyển hàng, đánh địch khi chúng đánh phá bến bãi, bảo vệ kho tàng và tàu cập bến. Hòa Hiệp là một xã có truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng. Trước năm 1945, khi phong trào cách mạng ở Phú Yên còn trong bóng đêm, trên mảnh đất Hòa Hiệp đã xuất hiện những mầm mống đầu tiên của phong trào cách mạng vô sản, từ đó không ngừng phát triển, đủ sức lãnh đạo nhân dân Hòa Hiệp thực hiện thành công cuộc khởi nghĩa tháng 8/1945, góp phần cùng nhân dân trong tỉnh và cả nước lật đổ chế độ phong kiến thối nát, đập tan ách thống trị tàn bạo của thực dân Pháp và Phát xít Nhật. 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, 21 năm kháng chiến chống Mỹ, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, nhân dân Hòa Hiệp phát huy cao độ truyền chống yêu nước và đấu tranh cách mạng anh hùng. Mặc dù lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân trong xã luôn bị kẻ thù đàn áp, khủng bố đẫm máu, nhiều thôn xóm bị tàn phá, triệt hạ, hàng nghìn dân vô tội bị bắt bỏ tù đày, bị bắn giết nhưng nhân dân Hòa Hiệp trong hai cuộc kháng chiến mãi mãi đi vào lịch sử quê hương với những trang chói lọi, hào hùng nhất. Với khoảng hơn 1 vạn dân, qua ba thập kỷ chống xâm lược (1945-1975) xã đã có gần 1.000 liệt sĩ, 49 bà mẹ Việt  Nam anh hùng, 4 anh hùng lực lượng vũ trang, hàng trăm dũng sĩ diệt Mỹ, diệt máy bay, diệt xe tăng địch, hàng nghìn thương, bệnh binh, hàng nghìn gia đình có công với nước. Đặc biệt nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân Hòa Hiệp được nhà nước hai lần phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

 

Hòa Hiệp khi đó thuộc huyện Tuy Hòa - Phú Yên, đông giáp biển Đông, tây giáp Hòa Vinh, nam giáp sông Bàn Thạch, bắc giáp sân bay Đông Tác (Tuy Hòa) diện tích 51 km², chiều dài 17km theo hướng bắc nam, chiều rộng 3km theo hướng đông tây. Số dân trong những năm kháng chiến khoảng 10.000 người. Xã có 9 thôn: Thạnh Lâm, Phú Nhuận, Uất Lâm, Mỹ Hòa, Phước Lâm, Phú Hiệp, Thọ Lâm, Đa Ngư, Phú Lạc (trong đó thôn Phú Hiệp chia làm hai: Phú Hiệp A, Phú Hiệp B) để dễ quản lý theo tình hình phát triển của cách mạng.

 

1/ BƯỚC ĐẦU XÂY DỰNG “CĂN CỨ LÕM” LÀM SẠCH ĐỊA BÀN BẢO ĐẢM CHO VIỆC TIẾP NHẬN VŨ KHÍ, HÀNG HÓA TẠI BẾN VŨNG RÔ:

 

Sau đồng khởi Hòa Thịnh 22/12/1960, đồng chí Võ Đình Dung (Năm Đẹt - Chủ tịch, Phó Bí thư chi bộ xã đã bắt mối liên lạc đưa đồng chí Nguyễn Duy Luân (Chín Cao) từ Hòa Thịnh xuống miền đông xã Hòa Hiệp để truyền đạt Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tuy Hòa lần thứ nhất. Thực hiện Nghị quyết “Ra sức xây dựng lực lượng vũ trang để hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng”.

 

Lúc bấy giờ có phong trào thanh niên “bỏ làng” vào căn cứ, chỉ riêng tháng 12/1960 có tới 300 thanh niên tham gia cách mạng. Đầu năm 1961, chi bộ quyết định thành lập đội vũ trang công tác của xã có 4 đồng chí do đồng chí Trần Ngọc làm đội trưởng. Đội vũ trang đã lấy núi Lạc Long làm nơi đóng quân để tiến hành nhiệm vụ vũ trang tuyên truyền vận động cách mạng, gây dựng cơ sở bí mật, vận động thanh niên thoát ly.

 

Để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng lớn của phong trào cách mạng nên huyện Tuy Hòa thành lập trạm xá Miền Đông do đồng chí Mạnh Thị Mẹo (xã Hòa Hiệp) phụ trách. Trạm xá, ngoài đội ngũ y tá còn có y sĩ Quốc Hai, bác sĩ Vũ Đình Phong trưởng ban y tế huyện thường về chỉ đạo. Trạm xá đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc cứu chữa cho cán bộ, chiến sĩ và đồng bào trong chiến đấu và sinh hoạt ở khu căn cứ, đặc biệt phục vụ tốt cho lực lượng làm nhiệm vụ bến Vũng Rô tàu không số trong việc bốc dỡ, vận chuyển và tác chiến bảo vệ tàu, bảo vệ bến và hàng.

 

Ý định chuyển tải vũ khí trang bị bằng đường biển của Trung ương, Bộ Quốc phòng, quân chủng Hải quân đã hình thành rất sớm nên năm 1961, dưới sự chỉ đạo của tỉnh và huyện ủy Tuy Hòa, Hòa Hiệp đã cử 6 đồng chí đảng viên lên đường ra Bắc học tập công tác ở ngành Hàng hải, sau đó làm cán bộ chiến sĩ trên những con tàu không số của Hải quân Việt Nam vận chuyển hàng quân sự vào bến Vũng Rô Phú Yên. Trong số đó có đồng chí Lê Kim Tự, Nguyễn Thanh Xuấn, Trần Kim Hiền, Ngô Dần…

 

Tháng 11/1964, chuyến hàng đầu tiên từ miền Bắc mang đến cho Nam Trung Bộ ruột thịt hơn 60 tấn vũ khí trang bị để đánh Mỹ cập bến Vũng Rô - Phú Yên. Trước đó UBMT Dân tộc giải phóng xã được thành lập, đồng chí Nguyễn Bách (thôn Phú Lạc) được cử làm chủ tịch. Các đoàn thể quần chúng lần lượt ra đời, Phụ lão, Nông dân, Phụ nữ, Thanh niên đều cử ra ban chấp hành và có người chuyên trách.

 

Trước tình hình hoạt động tích cực và sôi nổi của ta, bọn địch vô cùng hoang mang dao động. Ban đêm bọn tề ngụy ác ôn không dám ngủ ở nhà, chúng trốn hết lên quận, đến sáng mới dám mò về. Nắm được quá trình đi lại của chúng, lực lượng vũ trang xã quyết định trừng trị chúng để mở rộng địa bàn, gây uy thế cách mạng, ổn định tinh thần nhân dân để chuẩn bị cho công tác xây dựng bến bãi và đón tàu. Được lực lượng vũ trang huyện hỗ trợ, du kích và đội công tác xã Hòa Hiệp bố trí phục kích tại ngã tư Phú Hiệp, bắt sống 8 tên đại diện, cảnh sát và dân vệ, thu 12 súng các loại.

 

Trong đấu tranh thử thách, nhiều quần chúng ưu trú giác ngộ cách mạng đã được kết nạp vào Đảng, cuối năm 1963 số đảng viên của chi bộ lên tới 80 đồng chí do đồng chí Nguyễn Đình Thọ làm bí thư. Đến đầu năm 1964, huyện chủ trương chia xã Hòa Hiệp thành 2 xã: Hòa Hiệp Nam và Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam gồm các thôn: Phú Lạc, Đa Ngư, Thọ Lâm, Vũng Tàu, Phú Hòa, các thôn đều được giải phóng. Mỗi xã có một chi bộ, chi bộ Hòa Hiệp Nam do đồng chí Nguyễn Đình Thọ làm bí thư, đồng chí Trần Ngọc làm phó bí thư. Lực lượng vũ trang có 1 trung đội dân quân trên 30 đồng chí được trang bị vũ khí đủ, có cả trung liên. Xã Hòa Hiệp Bắc có 6 thôn còn lại do đồng chí Võ Tân Tiến (Hai Phở) làm bí thư, đồng chí Lê Văn Hòa làm phó bí thư, lực lượng dân quân có 2 tiểu đội, lúc bấy giờ mới giải phóng được thôn Phú Thọ (Lò Ba). Địch cố đánh bật ta ra, ta kiên quyết bám giữ nên chiến sự diễn ra ác liệt và liên tục. Cùng với lực lượng vũ trang, lực lượng đấu tranh chính trị của quần chúng nhân dân cũng phát triển. Tiêu biểu về phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng là ngày 5/10/1964, hơn 1.000 người đã xuống đường đấu tranh, phần lớn là phụ nữ do chị Mai Thi Ràng và chị Nguyễn Thị Hoa phụ trách.

 

Đây là cuộc đấu tranh thứ 5 kể từ năm 1963 đến nay. Hình thức đấu tranh, ngoài biểu ngữ, đoàn biểu tình còn rải truyền đơn và hô khẩu hiệu. Đoàn biểu tình đi đến ngã tư ga Phú Hiệp và một mũi đi đến vòi đường sắt Phú Hiệp B bị địch đàn áp dữ dội nhưng lực lượng biểu tình tiếp tục xông lên, chúng xả súng bắn vào đội hình làm chị Quê, chị Hát, chị Xẻo và em Trần Thị Nhạn thôn Phú Lạc, chị Trần Thị Nghiêm, chị Ngô Thị Chuốc, em Đinh… thôn Đa Ngư, Thọ Lâm bị thương. Không chùn bước trước sự đàn áp khủng bố của kẻ thù, đoàn người đi đấu tranh khiêng người bị thương vượt qua bọn dân vệ chặn đường, có cả xe bọc thép, giằng co với địch trong nhiều giờ. Chúng còn dùng hắc ín bôi lên nón, lên áo của các chị để giải tán, nhưng chị em vứt nón để tiếp tục tiến lên, một bộ phận đấu tranh đã lọt vào quận đường gặp quận trưởng Châu để đưa yêu sách. Sau cuộc đấu tranh này, chị em phụ nữ xã Hòa Hiệp được tuyên dương thành tích trong hội nghị toàn huyện.

 

Cuối tháng 4/1964, hàng rào ấp chiến lược ở các thôn bị phá sạch, xã Hòa Hiệp nhập lại thành một xã như cũ, nhân dân vùng giải phóng phấn khởi tin tưởng nô nức đi bầu Ủy ban tự quản của xã. Đây là lần đầu tiên nhân dân tự chọn bầu ra chính quyền của mình. Đồng chí Võ Tân Tiến (Hai Phở) được trúng cử làm chủ tịch, đồng chí Võ Thị Náo làm phó chủ tịch.

 

2/ XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG, CHUẨN BỊ MỌI MẶT CHO CÔNG TÁC TIẾP NHẬN BẢO VỆ, VẬN CHUYỂN HÀNG Ở VŨNG RÔ:

 

Khi Vũng Rô được chính thức chọn làm bến tiếp nhận vũ khí trang bị từ miền Bắc chuyển vào bằng đường biển, đồng chí Trần Suyền, Ủy viên Liên Tỉnh ủy – 3, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên về xã Hòa Hiệp trực tiếp giao nhiệm vụ tổ chức lực lượng chỉ đạo mọi mặt chuẩn bị cho việc tiếp nhận hàng. Đồng chí Võ Tân Tiến, chủ tịch; đồng chí Phạm Khắc Minh – bí thư xã nhận nhiệm vụ và báo cáo: Hòa Hiệp có 2/3 số thôn trong xã được hoàn toàn giải phóng, số thôn còn lại đêm ta, ngày địch nhưng lòng dân luôn hướng về cách mạng, sẵn sàng làm việc cho cách mạng, được sinh hoạt trong các tổ chức quần chúng chính trị, nhất là nhân dân thôn Phú Lạc, Đa Ngư, Thọ Lâm, Lò Ba. Lực lượng thanh niên, trung niên dồi dào, có thuyền, có nguồn lương thực chuẩn bị theo hướng đường bộ xã Hòa Vinh, Hòa Hiệp và đường sông Bàn Thạch từ Hòa Xuân về, có lương thực thực phẩm dồi dào: mắm, muối, cá… Lực lượng vũ trang dân quân du kích của xã được tổ chức theo cấp trung đội do đồng chí Phạm Văn Quá xã đội trưởng, đồng chí Trương Châu làm chính trị viên chỉ huy.

 

Tổ chức cấp tiểu đội ở các thôn, ngoài ra còn có số du kích mật, được trang bị vũ khí khi cần có thể phát triển lên cấp trung đội, đại đội được. Lực lượng này có kinh nghiệm diệt ác phá kìm và từng phục kích đánh địch nhiều trận giữa ban ngày trên địa bàn địch tạm thời kiểm soát.

 

Thế trận lòng dân, làng chiến đấu được xây dựng, có đường hào giao thông, có điểm chốt trên các điểm cao quanh làng như thôn Thọ Lâm, Phú Lạc. Đặc biệt thôn Phú Lạc có địa đạo núi Quéo và có nhiều gộp đá tạo thế chống càn, ngăn bước tiến của địch khi chúng tấn công vào hậu cứ miền Đông - nơi bố trí các kho tàng bến bãi của ta.

 

Việc chọn lựa, huy động vài trăm dân công phục vụ bến vận chuyển hàng hóa một đợt xã làm được, song do không phải lực lượng chuyên bốc dỡ hàng nên sẽ lúng túng khó khăn. Đường vận chuyển đến các kho xa, qua núi cao, qua đường sắt, quốc lộ 1, xuyên qua vùng địch kiểm soát, nhất là khu vực quốc lộ 1 đoạn  qua Hòa Xuân gặp nhiều khó khăn. Dùng trung chuyển bằng thuyền nhỏ lên bãi Xếp, hóc Chỗ nhanh, tiện lợi, song các đội hải thuyền địch đóng ở Nha Trang, Tuy Hòa thường tuần tra kiểm soát trên biển. Mặt khác, số lượng tàu thuyền ngư dân đánh bắt trên biển cũng khá đông, việc cảnh giác giữ bí mật phải đề cao thận trọng, chỉ được vận chuyển ban đêm. Tận dụng ưu thế Vũng Rô nước sâu, êm sóng, có nhiều hang gộp để làm nơi cất dấu vũ khí ban đầu để chuyển về căn cứ đặc biệt ở khu bãi Chính, bãi Chùa được dãy núi Mũi La che chắn về phía đông mặt biển. Nơi đây có được yếu tố bí mật bất ngờ cao nên ta đột phá một cách mạo hiểm thì giải quyết chuyến hàng từ tàu xuống bến đưa vào núi nhanh để chuyển tiếp theo đường bộ về sau và trung chuyển bằng thuyền theo đường biển lên bãi Xếp… đưa vào cứ miền Đông khá thuận lợi.

 

(Còn nữa)

 

ĐẶNG PHI THƯỞNG

Nguyên chiến sĩ K60 bảo vệ bến tàu không số Vũng Rô

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek