Thứ Bảy, 05/10/2024 20:16 CH
Bến tàu không số Vũng Rô:
Niềm tự hào của Đảng bộ, quân và dân Phú Yên
Thứ Sáu, 26/11/2010 11:00 SA

Cách đây 46 năm, ngày 28/11/1964, chuyến tàu Không số chở vũ khí, thuốc men... từ miền Bắc vào miền Nam lần đầu tiên đã cập bến Vũng Rô an toàn. Ngày này đã được chọn làm Ngày Truyền thống bến tàu Không số Vũng Rô.

 

o-so-1101126.jpg

Đồng chí Đào Tấn Lộc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, gắn Kỷ niệm chương Đường Hồ Chí Minh trên biển của Quân chủng Hải quân cho các đồng chí có công mở bến và bảo vệ bến Vũng Rô  - Ảnh: X.HIẾU

 

MỞ BẾN

 

Đã 46 năm trôi qua, nhưng mỗi khi nhắc lại, nhiều người vẫn nhớ như in sự kiện lịch sử này. Đại tá Đặng Phi Thưởng, Trưởng ban liên lạc bến tàu Không số Vũng Rô, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên, nguyên chiến sĩ bến tàu Không số Vũng Rô, cho biết: Để thực hiện công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, cùng với mở đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, ngay từ năm 1961 Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã quyết định mở đường Hồ Chí Minh trên biển để vận tải vũ khí, đạn dược, thuốc men… chi viện trực tiếp cho chiến trường miền Nam. Phú Yên là một trong những địa phương được Trung ương chọn mở bến để đón những chuyến tàu Không số từ miền Bắc vào. Sau nhiều lần bàn bạc, cân nhắc, lãnh đạo tỉnh và Quân khu 5 đã quyết định chọn Vũng Rô.

 

Vũng Rô được chọn làm bến đón tàu Không số vì là vịnh nước sâu, núi cao che chắn kín. Qua phân tích chọn lọc kết quả khảo sát nhiều vùng, như Bãi Bàng, Bãi Lau, Bãi Chính, Bãi Ngà, Bãi Chùa… Ban chỉ huy bến quyết định chọn Bãi Chính để tàu cập bến, điểm đậu của tàu về phía tây, địa hình kín đáo, địa bàn rộng, tiếp nhận cơ động, vận chuyển hàng tiện lợi… Lực lượng, bảo vệ bến và hành lang an toàn vận chuyển gồm Trung đội bộ binh K64, Trung đội bộ binh C377, Trung đội tập trung xã Hòa Hiệp, các tiểu đội dân quân Hòa Hiệp, Hòa Xuân, trong đó có một phần lực lượng cùng cán bộ thôn Phú Lạc, thôn Đa Ngư, xã Hòa Hiệp. Lực lượng này chuẩn bị cây gỗ, thiết bị cầu cảng và ghe để chở hàng, đồng thời làm ám tín hiệu liên lạc để dẫn đường cho tàu vào bến. Lực lượng chuyển hàng đưa vào gộp, vào kho là cán bộ đảng viên, đoàn viên được chọn lựa từ các thôn Phú Lạc, Đa Ngư, Thọ Lâm, Lò Ba (xã Hòa Hiệp), xóm Mới (thôn Phước Giang, xã Hòa Xuân - nay là Hòa Tâm) với hơn 200 người.

 

BA CHUYẾN ĐẦU

 

Sau khi mọi công tác chuẩn bị hoàn tất, vào lúc 23g30 ngày 28/11/1964, bến Vũng Rô đón tàu Không số (số hiệu 41) đầu tiên do thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh, chính trị viên Trần Hoàng Chiếu cùng 19 thuyền viên chở 63 tấn vũ khí từ miền Bắc vào cập bến an toàn. Lần đầu tiên “bến” và “tàu” gặp nhau, hai bên tay bắt mặt mừng ôm nhau khóc vì xúc động… Ngay trong đêm, toàn bộ số hàng được đưa vào kho cất giấu an toàn, sau đó, chờ đêm xuống tàu tức tốc rời bến…

 

Chuyến tàu Không số thứ hai tiếp tục cập bến Vũng Rô vào 23g ngày 25/12/1964. Kinh nghiệm chỉ đạo điều hành bến, cũng như thực hiện bốc dỡ vận chuyển hàng của chuyến đầu tiên đã có nên lần này việc tổ chức đón tiếp bốc dỡ hàng chặt chẽ, nhanh gọn; đưa tàu vào nơi trú ẩn, ngụy trang an toàn.

 

Cùng với việc chuyển hàng đi Đắk Lắk, Khánh Hòa, để bảo đảm công tác bảo vệ bến và tiếp nhận các chuyến tàu sau, mở rộng trạm, kho  tháng 12/1964, Ban chỉ huy bến tổ chức tuyển trên 120 thanh niên từ các thôn Phú Lạc, Đa Ngư, Thọ Lâm, Lò Ba (xã Hòa Hiệp) lập thành đại đội K60 do đồng chí Hồ Thanh Bình làm đại đội trưởng, đồng chí Phạm Ân làm chính trị viên…

 

Cũng như hai chuyến trước đó, lúc 23g50 rạng sáng 1/2/1965 chuyến tàu Không số thứ ba cập bến Vũng Rô an toàn. Đặc biệt, tàu đến đúng vào đêm giao thừa Ất Tỵ nên niềm vui được nhân đôi. Trong lòng mỗi người tràn ngập niềm tin, rồi đây hoa xuân sẽ nở rộ bằng những chiến công, thắng lợi dồn dập của quân và dân miền Nam nhờ được tiếp thêm sức mạnh từ miền Bắc ruột thịt. Hàng tiếp tục được chuyển vào kho. Ngoài mang vác bộ, lực lượng bến còn dùng cả ghe nhỏ trọng tải 1-2 tấn, chuyển lên kho bãi Xép, bãi Tiên…

 

0-so-2101126.jpg

Thả vòng hoa tưởng niệm các đồng chí đã hy sinh bảo vệ bến tàu Không số Vũng Rô - Ảnh: X.HIẾU

 

…VÀ CHUYẾN THỨ TƯ

 

Bước sang năm 1965, tình hình phát triển khẩn trương và biến động nhanh, theo lệnh của “Cậu Vũ” (cấp trên), bến Vũng Rô chuẩn bị nhận chuyến hàng thứ tư trong khi hàng của chuyến thứ ba còn chưa chuyển đi hết. Tuy nhiệm vụ đột xuất, thời gian rất gấp nhưng với tinh thần tấn công địch, hàng càng nhiều càng tốt cho chiến trường thắng lớn, Ban chỉ huy bến đã ra quyết tâm, vận động cán bộ, chiến sĩ khắc phục khó khăn vì miền Nam chiến thắng, nỗ lực làm công tác chuẩn bị sẵn sàng nhận hàng. Bên cạnh đó, các cơ sở quanh vùng động viên, tuyển thêm dân công, quân số lên tới hàng nghìn người trên các cung trạm vận chuyển… Đêm 15/2/1965, chuyến tàu thứ tư cập bến lúc 23g. Bến khẩn trương đưa lực lượng bốc dỡ hàng, gồm du kích Hòa Hiệp, Hòa Xuân, K60, K64 và một bộ phận của Tiểu đoàn 83 hỗ trợ cùng dân công các thôn giải phóng quanh vùng. Đến 3g sáng hôm sau (16/2), hàng được bốc dỡ hết, thuyền trưởng quyết định cho tàu quay ra. Nhưng do tời neo hỏng, đến 5g30 mới chữa xong, nên thuyền trưởng quyết định dời tàu đến Bãi Chùa khẩn trương ngụy trang bằng nhiều cành cây và cho tàu ép sát vào vách núi, như một mỏm đá nhô ra biển, chờ đêm tối sẽ tiếp tục cuộc hải trình.

 

Khoảng 10g sáng hôm ấy (17/2), chiếc UH1B của Mỹ chở thương binh từ Quy Nhơn vào Nha Trang, khi bay qua đèo Cả - Vũng Rô, viên phi công tình cờ nhìn thấy “một mỏm núi lạ nhô ra trên vách núi phía tây Vũng Rô” (theo tài liệu của địch để lại), liền báo về Bộ chỉ huy Quân đoàn 2 ngụy đóng ở Nha Trang. 11g cùng ngày, một máy bay trinh sát được điều đến khu vực có “mỏm núi lạ”, lượn nhiều vòng chụp ảnh, do thám. Từ những bức ảnh chụp được, cơ quan tham mưu của Mỹ dễ dàng nhận ra “mỏm đá lạ” là tàu của ta được ngụy trang. Từ Nha Trang máy bay trinh sát tiếp tục tăng cường bay về phía Vũng Rô. Đến 13g, máy bay trinh sát ném mù chỉ điểm, sau đó hai chiếc AD6 lao tới ném xuống loạt bom xăng làm cho phần ngụy trang tàu bốc cháy. Tàu hoàn toàn bị lộ. Từ đó đến tối, nhiều tốp máy bay liên tục ném bom khu vực Vũng Rô. Thuyền trưởng Lê Văn Thêm bị một mảnh bom phạt mất một bên mông.

 

Không thể để tàu rơi vào tay địch, thuyền trưởng và Ban chỉ huy bến quyết định xóa dấu vết tàu. 16g, hai đồng chí được lệnh ra tàu sử dụng 500kg TNT đã bố trí sẵn trong khoan máy cho nổ tung tàu. Nhưng vì tàu nghiêng hẳn về một bên do bị địch đánh bom, nên dù cố gắng hết mức, hai đồng chí cũng không sao vào được khoang máy, đành phải bơi vào bờ. Đại tá Đặng Phi Thưởng nhớ lại: “Đêm đó, máy bay địch thả pháo sáng suốt đêm nên ta cũng không thể ra tàu. Sáng hôm sau, máy bay địch tiếp tục ném bom. Buổi chiều, địch cho chiếc tàu LSM 405 được hai chiếc PC04 và DCE2 yểm trợ từ biển tiến vào và cho trực thăng đổ hai tiểu đoàn bộ binh xuống chiếm các điểm cao. Ý định của địch là bắt sống cả người và thu giữ tàu của ta. Lực lượng hai bên hết sức chênh lệch. Ta chỉ có khoảng một đại đội, gồm Trung đội du kích, Tiểu đội công binh Hòa Hiệp, các tiểu đội bộ đội địa phương, Trung đội K64, K60 và 18 thủy thủ. Tuy vậy, nhiều lần địch từ núi cao đánh xuống đều bị ta đánh bật lùi trở lại. Tối 17/2, một tiểu đội công binh cùng thủy thủ tàu và cán bộ chiến sĩ K60 chuyển bộc phá trên bờ đưa xuống tàu nổ phá. Nhưng lần này, bộc phá trong buồng máy kích không nổ, tàu vỡ đôi chìm xuống nước… Hai ngày 18 và 19/2, địch đổ bộ lên bờ, anh em du kích cùng bộ đội và thủy thủ tàu phân nhau từng tổ chặn mọi lối ra vào bến, đánh diệt nhiều tên không cho chúng tiến sát. Sau nhiều ngày giao chiến ác liệt, sáng 24/2, địch đổ thêm quân triển khai từ quốc lộ 1A và các điểm cao ở các hướng với sự chi viện hỏa lực tàu biển, đồng loạt tấn công siết chặt vòng vây. Cán bộ chiến sĩ ta vẫn kiên cường chặn đánh và đã có ba đồng chí bộ đội hy sinh, 10 đồng chí bị thương. Do lực lượng của ta so với địch quá chênh lệch nên đêm 24/2, Ban chỉ huy bến quyết định cho phá vòng vây lui về phía sau. Trước khi đi, ta tổ chức lực lượng đặt mìn phá một số hàng mới đưa vào bờ chưa kịp chuyển đến nơi an toàn…

 

Sau bốn lần đón tàu Không số, trong đó có ba chuyến thành công hoàn toàn, bến Vũng Rô đã tiếp nhận và vận chuyển hơn 200 tấn vũ khí, thuốc men… từ miền Bắc vào cung cấp cho các chiến trường Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Phú Yên, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc. Chiến công hiển hách của cán bộ chiến sĩ tàu Không số Quân chủng Hải quân và lực lượng mở bến, bảo vệ bến Vũng Rô đã được ghi vào sử sách gắn với huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển. Bến tàu Không số Vũng Rô Phú Yên đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia và là một trong bốn bến tàu Không số ở miền Nam được Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân quyết định xây bia di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển. Biểu tượng lịch sử này mãi mãi là niềm tự hào của Đảng bộ, quân và dân Phú Yên.

 

Tháng 8/2010, UBND tỉnh Phú Yên đã giao cho Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch làm chủ đầu tư khởi công xây dựng khu di tích Tàu Không số Vũng Rô trên diện tích 10.000m2 tại Bãi Chùa, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa. Khu di tích gồm các hạng mục chính: tượng đài cao 13,7m, đường dẫn ra vị trí tàu đắm, phòng truyền thống..., với tổng vốn đầu tư gần 12 tỉ đồng. Theo kế hoạch, công trình sẽ hoàn thành vào cuối tháng 2/2011, nhân dịp kỷ niệm 46 năm Ngày chuyến tàu Không số cuối cùng vào bến Vũng Rô nhằm phục vụ đại lễ 400 năm Phú Yên hình thành - phát triển và Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011.

 

XUÂN HIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek