Thứ Bảy, 05/10/2024 20:25 CH
Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XII:
Thảo luận Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi
Thứ Sáu, 26/11/2010 07:30 SA

* Nhiều ý kiến khác nhau về dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

 

Sáng 25/11, các đại biểu dự kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XII tiếp tục thảo luận về Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi. Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu thảo luận về dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

 

VIỆN KIỂM SÁT THAM GIA TẤT CẢ CÁC VỤ ÁN DÂN SỰ?

 

Tiếp tục thảo luận về Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, các đại biểu Quốc hội tranh luận thẳng thắn về quy định nên hay không nên có sự tham gia của đại diện Viện Kiểm sát trong các phiên tòa dân sự.

 

Một số đại biểu không đồng tình với việc tăng cường sự tham gia của đại diện Viện Kiểm sát trong các phiên tòa xét xử các vụ việc dân sự, bởi theo các đại biểu, quá trình giải quyết vụ kiện dân sự trên tinh thần thỏa thuận, hai bên đương sự có quyền chấm dứt vụ kiện bất kỳ lúc nào. Có đại biểu ý kiến rằng, nếu quy định để đại diện Viện Kiểm sát tham gia giải quyết vụ án dân sự, tham dự các phiên tòa xét xử các vụ kiện dân sự thì những phát biểu quan điểm của Viện Kiểm sát có thể sẽ tác động ít nhiều đến đương sự và hội đồng xét xử. Điều này khó đảm bảo khách quan cho tiến trình giải quyết vụ việc.

 

Một số đại biểu cho rằng, chỉ nên quy định đại diện Viện Kiểm sát tham gia vào các vụ việc dân sự một cách chừng mực, bởi sự có mặt của Viện Kiểm sát có thể dẫn đến tình trạng tòa án thu thập chứng cứ, Viện Kiểm sát đánh giá chứng cứ, phát biểu quan điểm, như vậy là làm biến dạng quan hệ dân sự, không đúng với bản chất “việc dân sự, cốt ở hai bên” trong quan hệ pháp luật dân sự. Có đại biểu đề xuất Viện Kiểm sát chỉ nên tham gia vào các phiên tòa dân sự với mục đích kiểm sát việc tuân thủ pháp luật chứ không nên phát biểu về các vấn đề liên quan đến nội dung vụ án. Đại biểu lập luận, về nguyên tắc, trách nhiệm của Viện Kiểm sát chỉ đại diện và bảo vệ cho quyền lợi, tài sản của Nhà nước bị xâm hại. Trong khi đó, đối với vụ việc dân sự thì quyền lợi của đương sự cần phải được bảo vệ, việc này thuộc về trách nhiệm của luật sư.

 

Trái với luồng ý kiến này, một số đại biểu khác đặt vấn đề, chức năng của Viện Kiểm sát là ở đâu có xét xử, ở đó phải có vai trò của Viện Kiểm sát để giám sát hoạt động xét xử của tòa án. Các đại biểu này đồng tình với quan điểm tăng cường sự có mặt của Viện Kiểm sát để giám sát quá trình xét xử vụ việc dân sự. Các đại biểu phân tích, trên thực tế có rất nhiều trường hợp đương sự không am hiểu pháp luật nên rất khó để tự bảo vệ quyền lợi của mình mà cũng không có tiền để thuê luật sư. Không phải trường hợp nào đương sự cũng phát hiện sự thiếu khách quan của thẩm phán trong quá trình thu thập, đánh giá chứng cứ… Việc này dẫn đến tình trạng quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự không được đảm bảo. Đó cũng là nguyên nhân của số lượng lớn các kháng cáo, kháng nghị. Các  đại biểu khẳng định, việc sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự theo hướng tăng cường sự có mặt của Viện Kiểm sát trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự là cần thiết.

 

Các đại biểu cũng đề nghị sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự theo hướng chỉ nên duy trì cơ chế hai cấp xét xử; giao cơ quan định giá độc lập để định giá tài sản, đảm bảo tính khách quan; trong trường hợp không ký hợp đồng với cơ quan định giá được thì mới giao cho TAND nhưng chủ tịch hội đồng định giá phải là người của cơ quan tài chính. Các đại biểu cũng cho rằng, bộ luật nên quy định về nghĩa vụ chứng minh và xuất trình chứng cứ nên sửa đổi theo hướng khuyến khích các bên thu thập xuất trình chứng cứ nhưng nghĩa vụ thu thập chứng cứ thuộc về cơ quan tòa án, bởi trong thực tế, rất nhiều người dân còn có thói quen mua bán trao tay, không giấy tờ, dẫn đến những khó khăn trong việc xuất trình chứng cứ.

 

NHIỀU Ý KIẾN VỀ DỰ LUẬT HỢP TÁC XÃ (SỬA ĐỔI)

 

Chiều 25/11, cho ý kiến vào dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), các đại biểu khẳng định sự cần thiết ban hành dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) nhằm bảo đảm thực hiện quản lý nhà nước về hợp tác xã có hiệu quả; hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế hợp tác xã phát triển lành mạnh, tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến góp ý nhằm hoàn thiện hơn nữa dự thảo luật, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay.

 

Đối với quy định về quyền của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, dự thảo luật quy định: “Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có quyền cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho thị trường bên ngoài cộng đồng thành viên trên cơ sở bảo đảm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên. Việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho thị trường bên ngoài cộng đồng thành viên do điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quy định, nhưng tối đa không quá 40% tổng giá trị sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Trong trường hợp hợp tác xã được thành lập nhằm mục đích tạo việc làm cho thành viên, hợp tác xã có quyền thu hút lao động không phải là thành viên hợp tác xã làm việc cho hợp tác xã trên cơ sở bảo đảm việc làm cho các thành viên và chiếm tỉ lệ tối đa 40% tổng số việc làm trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã”. Một số ý kiến cho rằng việc quy định như vậy sẽ gây rối trong thiết kế luật và sẽ ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của các hợp tác xã sau này.

 

Đối với việc quy định phân phối lần lượt và tài sản chung không chia, các đại biểu cho rằng việc quy định cá nhân khi ra khỏi hợp tác xã chỉ được rút vốn danh nghĩa phù hợp với phần vốn góp điều lệ lúc ban đầu. Toàn bộ tài sản được tích lũy trong quá trình hoạt động của hợp tác xã sẽ được đưa vào tài sản chung không chia và tài sản này sẽ được chuyển giao cho chính quyền hoặc tổ chức khác khi giải thể sẽ làm cho không ai muốn tham gia hợp tác xã nữa…

 

Có đại biểu đề nghị sửa đổi luật cần xác định giúp các hợp tác xã khắc phục hạn chế, yếu kém để các hợp tác xã tiếp tục phát triển đi lên theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, phải tạo điều kiện để các hợp tác xã từ quy mô nhỏ hướng đến các hợp tác xã có quy mô lớn hơn… Nhiều đại biểu đề nghị tiếp tục nghiên cứu sửa đổi để ban hành Luật, cần làm rõ bản chất kinh tế hợp tác để xây dựng luật, góp phần tạo điều kiện cho kinh tế hợp tác xã ngày càng phát triển.

 

KHƯƠNG NGUYÊN

(tổng hợp từ TTXVN)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek