Chủ Nhật, 06/10/2024 05:45 SA
Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII:
Nhiều ý kiến khác nhau về dự án Luật Lưu trữ, hoạt động kiểm toán
Thứ Bảy, 20/11/2010 07:31 SA

Sáng 19/11, Quốc hội làm việc tại hội trường thảo luận về dự án Luật Lưu trữ. Đa số đại biểu Quốc hội tán thành việc cần thiết phải ban hành luật để góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy định của Pháp lệnh lưu trữ quốc gia hiện hành sau 9 năm thực hiện.

 

Những quan hệ mới phát sinh trong hoạt động lưu trữ, bổ sung quy định phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với tập quán và thông lệ quốc tế. Các đại biểu cho rằng việc ban hành Luật sẽ giải quyết những bất cập về mặt pháp lý và thực tiễn, góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội đối với công tác lưu trữ; tiếp tục khẳng định tài liệu lưu trữ là tài sản quý báu của quốc gia, phải được quản lý thống nhất để khai thác, sử dụng lâu dài và phát huy giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Nên có kế hoạch thống nhất Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam và Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam và gọi tên chung là Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam. Như vậy, vừa tập trung thống nhất bộ máy quản lý, tránh phân tán, vừa tận dụng được đội ngũ cán bộ công chức vào thu thập và bảo quản các tư liệu lưu trữ, tạo điều kiện cho công tác khai thác tư liệu thuận lợi. Đồng thời, để thống nhất quản lý nhà nước về lưu trữ, cần có các quy định thống nhất về nghiệp vụ lưu trữ, bao gồm các quy định về thu thập, quản lý, khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ giữa các phông lưu trữ hoặc thống nhất được các nguyên tắc cơ bản trong quản lý chuyên môn, nghiệp vụ lưu trữ.

 

Về lưu trữ lịch sử, các đại biểu tán thành với dự thảo Luật, chỉ tổ chức lưu trữ lịch sử tại Trung ương và cấp tỉnh để phù hợp với thực tế quản lý tài liệu lưu trữ quốc gia; đồng thời đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy, giảm cấp trung gian, góp phần thực hiện cải cách hành chính; có điều kiện tập trung nguồn lực, con người cũng như cơ sở vật chất, hiện đại hóa kho tàng, trang thiết bị làm việc, bảo quản, bảo đảm khai thác và sử dụng có hiệu quả tài liệu lưu trữ. Song, nhiều đại biểu cũng băn khoăn về thực trạng tổ chức lưu trữ lịch sử cấp huyện kể cả Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam cũng như Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam để có hướng xử lý đối với lưu trữ lịch sử cấp huyện ở những nơi đã được thành lập. Thực tế thời gian qua, nước ta vẫn thực hiện lưu trữ cấp huyện, nhưng dự thảo Luật lần này lại không quy định tổ chức lưu trữ lịch sử ở cấp huyện thì chuyển lưu trữ lên cấp tỉnh như thế nào. Các đại biểu cũng đề nghị quy định rõ hơn những lĩnh vực hoạt động dịch vụ lưu trữ nào được xã hội hóa, nhất là điều kiện để tổ chức, cá nhân được tiến hành hoạt động dịch vụ lưu trữ để bảo đảm cho tài liệu lưu trữ được bảo quản, bảo vệ an toàn, tránh thất thoát. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn đánh giá cao các ý kiến đóng góp của đại biểu, khẳng định sẽ xem xét, nghiêm túc tiếp thu để phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chỉnh sửa dự án Luật trước khi trình Quốc hội trong kỳ họp tới.

 

Buổi chiều các đại biểu thảo luận về Luật Kiểm toán độc lập, đa số ý kiến của các đại biểu tán thành với sự cần thiết phải ban hành Dự luật này. Kiểm toán độc lập là hoạt động không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường với vai trò làm tăng độ tin cậy cho thông tin tài chính, là cơ sở cho các bên tiến hành các giao dịch kinh tế. Việc ban hành Luật Kiểm toán độc lập sẽ tạo ra khung pháp lý cao nhất về kiểm toán độc lập, tạo điều kiện cho dịch vụ kiểm toán phát triển; đồng thời nâng cao vai trò của cơ quan quản lý nhà nước thông qua việc cấp giấy phép thành lập và hoạt động doanh nghiệp kiểm toán, cấp chứng chỉ kiểm toán viên và các biện pháp nhằm nâng cao năng lực giám sát, cưỡng chế thực thi, xử lý vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán. Thảo luận về Luật Kiểm toán độc lập, một số đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần đề cao hơn nữa vai trò của tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán theo hướng tăng cường xã hội hóa hoạt động nghề nghiệp đặc thù này. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, năng lực, điều kiện của tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán ở nước ta hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu vì vậy, trách nhiệm quản lý Nhà nước về lĩnh vực này nên giao cho Bộ Tài chính. Các đại biểu nêu ý kiến, kiểm toán độc lập là loại hình kinh doanh có điều kiện và còn mới mẻ ở nước ta nên cần được kiểm soát chặt chẽ. Bởi vậy, việc giao cho Bộ Tài chính thẩm quyền cấp, đổi chứng chỉ kiểm toán như trong dự thảo Luật là hợp lý vì hiện nay tổ chức Hội nghề nghiệp kiểm toán ở Việt Nam chưa đáp ứng đủ năng lực và điều kiện đảm nhận công việc này.

 

Về đối tượng kiểm toán bắt buộc, một số đại biểu đề nghị bổ sung thêm thành phần các doanh nghiệp nhỏ và vừa cho phù hợp với mục tiêu tăng cường đối tượng kiểm toán theo luật định đồng thời tăng thêm thị trường cho các doanh nghiệp kiểm toán. Liên quan đến các quy định về đạo đức nghề nghiệp kiểm toán viên, các đại biểu cho rằng các quy định về vấn đề này trong dự thảo Luật chưa cụ thể; chưa quy định rõ cơ quan tổ chức nào xác nhận tiêu chuẩn, điều kiện này. Đề nghị dự thảo Luật cần quy định chế tài bồi thường thiệt hại trong trường hợp kết quả kiểm toán sai chứ không nên chỉ quy định phạt về hành chính. Ngoài ra dự thảo luật cần bổ sung hoạt động thanh tra, hậu kiểm đối với hoạt động của các cơ quan kiểm toán độc lập để đảm bảo chất lượng của công tác kiểm toán.

 

NGUYỄN QUANG

(tổng hợp từ TTXVN)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek