Chủ Nhật, 06/10/2024 13:25 CH
Gắn kết công tác đối ngoại nhân dân với đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước
Thứ Ba, 16/11/2010 08:00 SA

Đối ngoại nhân dân (ĐNND) của Việt Nam hiện nay có cội nguồn từ những năm 20 của thế kỷ XX, thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh đang ở Pháp. Lúc đó, vận động quốc tế để ủng hộ sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, thực chất là hoạt động ĐNND. Chính Người đã nhận thức đúng đắn vai trò, vị trí của công tác quan trọng này và nâng tầm ĐNND thành một binh chủng hợp thành đội quân làm công tác đối ngoại nói chung.

 

bchLH101116.jpg

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và BCH Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 2010-2015. - Ảnh: V.P.L

 

ĐNND về bản chất là công tác dân vận, vận động các đối tượng quần chúng nhân dân trong và ngoài nước để đồng tình, ủng hộ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta. Công tác ĐNND là một bộ phận hợp thành của công tác đối ngoại chung, phối hợp chặt chẽ và phục vụ cho công tác đối ngoại của Đảng và ngoại giao Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, đường lối và chính sách đối ngoại của Đảng. Lợi thế của công tác ĐNND là có phương thức hoạt động phong phú, đa dạng, linh hoạt, vừa có thể là chính thức, vừa có thể phi chính thức và có thể tiến hành các hoạt động đối ngoại trên một số vấn đề và ở những nước, khu vực trong những hoàn cảnh cụ thể mà các mặt trận đối ngoại khác triển khai chưa thuận lợi bằng. Mục tiêu của ĐNND là tăng cường hiểu biết giữa bạn và ta, tạo dựng mạng lưới bạn bè và những người có cảm tình với Việt Nam ở mọi nước trên thế giới, gầy dựng quan hệ giữa dân với dân làm nền tảng cho đối ngoại của Đảng và ngoại giao của Nhà nước để góp phần thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta và đóng góp vào sự nghiệp chung vì hòa bình, hợp tác và hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới.

 

Ngay từ sau Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo thành lập các tổ chức hòa bình, hữu nghị và đoàn kết với nhân dân các nước nhằm góp phần tập hợp sự đoàn kết của nhân dân thế giới ủng hộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đảng ta đã hình thành cơ chế tập hợp các lực lượng rộng rãi và bộ phận chuyên trách làm nòng cốt cho các hoạt động này là Ban Quốc tế nhân dân và sau đó là Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị (nay là Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam) thuộc Ban Đối ngoại Trung ương Đảng. Công tác đối ngoại nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng đã góp phần tạo nên mặt trận đoàn kết rộng rãi chưa từng có của nhân dân thế giới ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, đóng góp to lớn vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp giải phóng dân tộc của chúng ta. Chúng ta có thể khẳng định rằng trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc vì độc lập tự do cho Tổ quốc mình, chưa có một nước nào trên thế giới với hoàn cảnh tương tự như nước ta lại có khả năng vận động và tập hợp lực lượng của toàn thể nhân loại tiến bộ để đoàn kết, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của mình như dân tộc Việt Nam ta.

 

Nhờ có tư tưởng và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh và sự chỉ đạo của Đảng trong ngoại giao nhân dân, một mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết ủng hộ Việt Nam chưa từng có trong thế kỷ XX đã hình thành và phát huy tối đa hiệu quả, góp phần đưa đến những chiến thắng vĩ đại của tổ quốc, dân tộc ta.

 

Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, mở cửa, để chuẩn bị cho quá trình hội nhập quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại, Đảng ta với tư duy đổi mới đã đổi mới chính sách đối ngoại và thực sự tạo ra đột phá và sức sống mới cho các lực lượng làm công tác đối ngoại. Lần đầu tiên, Đảng ta ghi rõ trong văn kiện Nghị quyết TW 3 (khóa VII) về đối ngoại là: “ Mở rộng và đổi mới hoạt động đối ngoại nhân dân nhằm giữ vững hòa bình, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội theo tinh thần “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Chỉ thị 44-CT/TW ngày 20/9/1994 của Ban Bí thư TW khóa VII cũng chỉ rõ “công tác đối ngoại nhân dân là một bộ phận cấu thành của công tác đối ngoại chung của nước ta”. Nghị quyết Đại hội IX của Đảng nhấn mạnh “Mở rộng hơn nữa công tác đối ngoại nhân dân, tăng cường quan hệ đa phương và song phương với các tổ chức phi chính phủ quốc gia và quốc tế góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân ta với nhân dân các nước trong khu vực và trên thế giới”. Nghị quyết cũng chỉ ra cần “phối hợp chặt chẽ hoạt động ngoại giao nhà nước, hoạt động đối ngoại Đảng và hoạt động đối ngoại nhân dân”. Nghị quyết Đại hội X đề ra nhiệm vụ “phát triển công tác đối ngoại nhân dân theo phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả”. Tích cực tham gia các diễn đàn và hoạt động của nhân dân thế giới. Tăng cường vận động viện trợ và nâng cao hiệu quả hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để phát triển kinh tế-xã hội”. (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X-NXB Chính trị quốc gia năm 2006, tr.113).

 

Với sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả của các lực lượng làm công tác đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước, cho đến nay công tác ĐNND đã có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần tích cực vào việc giữ gìn hòa bình, phá thế bao vây, cấm vận để cải thiện và nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Công tác ĐNND tiếp tục được đổi mới, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với nhân dân các nước láng giềng, các nước trong khu vực và trên thế giới. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, ĐNND trước hết là thực hiện chủ trương “thêm bạn, bớt thù”, đoàn kết nhân dân trong nước gắn liền với đoàn kết nhân dân thế giới vì lợi ích chân chính của nhân dân ta và nhân dân thế giới.

 

Trong xu thế hội nhập sâu, rộng như hiện nay, hàng năm các tổ chức nhân dân của Việt Nam, trong đó có Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tổ chức đón hàng ngàn đoàn từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các hội hữu nghị và các tổ chức đối tác khác vào khảo sát, đánh giá, thực hiện các dự án viện trợ nhân đạo, phát triển cũng như tham gia các hoạt động giao lưu, hữu nghị, tham gia các hội nghị và hội thảo khác nhau. Đồng thời chúng ta cũng đã tổ chức nhiều đoàn thăm, làm việc với các đối tác nước ngoài, tham gia các diễn đàn, hội nghị, hội thảo có liên quan đến những vấn đề chúng ta quan tâm và vận động các khoản viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Các hoạt động này đã góp phần tích cực vào việc nâng cao sự hiểu biết, tình đoàn kết và hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới.

 

Công tác phi chính phủ nước ngoài, một bộ phận của công tác đối ngoại nhân dân, do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam làm đầu mối đã đóng góp hiệu quả vào công tác xóa đói giảm nghèo; giới thiệu những mô hình, phương pháp tiếp cận, cách làm ăn mới để góp phần hỗ trợ cho người dân thoát khỏi cảnh đói, nghèo và làm quen với nền kinh tế thị trường. Hiện nay chúng ta có quan hệ, hợp tác với khoảng 800 tổ chức phi chính phủ nước ngoài, đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong 10 năm qua, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã giải ngân trên 1,3 tỉ USD cho hàng chục ngàn chương trình, dự án giúp Việt Nam. Đây là con số biết nói về những nỗ lực to lớn của công tác đối ngoại nhân dân của chúng ta, góp phần có hiệu quả vào các chương trình xóa đói, giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe  cộng đồng, phòng trừ dịch bệnh, bảo vệ môi trường, giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng năng lực cho các đối tác của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

 

Từ kinh nghiệm thành công của công tác đối ngoại nhân dân trong cách mạng dân chủ và trong sự nghiệp đổi mới, đặc biệt là yêu cầu gắn kết chính trị, kinh tế, an ninh và quốc phòng, quan hệ đối ngoại trong quá trình chủ động hội nhập quốc tế hiện nay, công tác đối ngoại nhân dân là công tác có ý nghĩa chiến lược, nằm trong đường lối và chính sách đối ngoại của Đảng, ngày càng phát triển và củng cố, được quan tâm nâng cao về chất lượng, nhất là tình hình thế giới trong những năm đầu của thế kỷ XXI đang có những biến động phức tạp nhanh chóng, khó lường. Tình hình đó đòi hỏi công tác đối ngoại nhân dân phải vận dụng sáng tạo các bài học kinh nghiệm của quá khứ và tư duy mới, nội dung hình thức hoạt động mới, phong cách tiếp cận mới để thực sự là một chân kiềng vững chắc trong ba chân kiềng là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và ĐNND.

 

Thư gửi Hội nghị Hòa bình ở Việt Nam

 

Kính gửi: - Hội nghị hòa bình,

               - Thưa các đại biểu 

 

Nhân dân Việt Nam ta cũng như nhân dân các nước trên thế giới đều yêu chuộng hòa bình, để xây dựng một xã hội dân chủ tốt đẹp. Nhưng đế quốc chủ nghĩa là nguồn gốc chiến tranh. Đế quốc chủ nghĩa do Mỹ, Pháp, Anh cầm đầu một mặt thì đang thực hành chiến tranh xâm lược ở Đông Nam Á châu, một mặt đang chuẩn bị chiến tranh thế giới.

 

Vậy, muốn giữ hòa bình một cách thiết thực thì phải ra sức chống đế  quốc chủ nghĩa.

 

Mấy năm nay, Việt Nam đang ra sức kháng chiến, quân và dân ta đang ra sức đánh bọn đế quốc Pháp và bọn can thiệp Mỹ. Thế là chúng ta đang chặt cái gốc chiến tranh đế quốc, đang giúp sức bảo vệ hòa bình, đang góp một phần lực lượng với hơn 500 triệu chiến sĩ hòa bình ở Liên Xô, Trung Quốc và các nước khác để  bảo vệ hòa bình thế giới.

 

Vậy nhiệm vụ của chúng ta là đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ toàn dân  Việt Nam, để kháng chiến lâu dài, để đánh tan bọn thực dân Pháp và  bọn can thiệp Mỹ.

 

Tôi chắc rằng Hội nghị hòa bình sẽ gắng làm trọn nhiệm vụ cao cả  ấy. 

 

Tôi xin chúc Hội nghị thành công và kính gửi Hội nghị lời chào thân ái và quyết thắng. 

 

Ngày 17 tháng 11 năm 1950

HỒ CHÍ MINH 

(Báo Sự thật, số 152, ngày 4/12/1950)

-----------------------------

* (1) Thư gửi Hội nghị thành lập Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, họp ngày 19/11/1950

 

VŨ XUÂN HỒNG

Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Ủy viên thường trực Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek