Thứ Ba, 01/10/2024 04:28 SA
Hồi ức về Bác Tôn
Chủ Nhật, 20/08/2006 19:00 CH

LTS: Nữ bác sĩ Lê Trinh, một người con của Phú Yên, đã vinh dự có thời gian chăm sóc sức khỏe cho Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Nhân kỷ niệm 118 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8-1888 – 20-8-2006), Báo Phú Yên xin trân trọng giới thiệu bài viết của nữ bác sĩ Lê Trinh về Bác Tôn.

 

060819-Ton-Duc-Thang.jpg

Bác Tôn với đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh: Tư Liệu

Tôi được may mắn phục vụ Bác Tôn từ năm 1960, tính đến nay đã được hơn 40 năm.

 

Tôi nhớ, lần đầu tôi cùng đi với bác sĩ Trần Kim Ảnh và bác sĩ Như Thế Bảo đến thăm sức khỏe Bác Tôn. Lúc ấy bác và gia đình ở tại trụ sở Mặt trận Tổ quốc Trung ương, sau đó về đường Trần Phú.

 

Khi chưa gặp bác, tôi vừa lo vừa sợ. Tôi cứ tự hỏi mình: Mình nhỏ bé thế này, trình độ chuyên môn chưa đâu đến đâu, không biết có làm nổi nhiệm vụ lớn lao này không?

 

Điều làm tôi ngạc nhiên vô cùng là nhà bác rất đơn giản, bàn ghế đồ đạc cũng bình thường như các cán bộ ta. Hôm đó là một ngày hè, bác mặc chiếc áo sơ mi ngắn tay và chiếc quần vải rộng. Bác vỗ vai tôi cười và hỏi:

 

- Cháu là người Phú Yên hả? Tiếng đồn con gái Phú Yên, Bình Định giỏi võ lắm đấy! Gia đình cháu có gần đây không?

 

Thấy bác giản dị, nhân hậu, tôi yên tâm hơn nhiều. Tiếp đó bác gái ở trong nhà bước ra cũng vui vẻ hỏi:

 

- Bác nghe cháu học ở Đức về, chắc cháu giỏi lắm hả? Khi đi học thì mấy đứa nhỏ cháu nhờ ai nuôi?

 

Hai bác rất quan tâm tới gia đình tôi và bảo tôi khi nào rảnh việc cứ đưa con tới chơi, không phải ngại ngùng gì cả.

 

Rồi có một dịp tết, lúc đó khoảng 8-9 giờ sáng, đồng chí bảo vệ đến nhà tôi gọi cửa nói nhỏ: “Chị Trinh này, Bác Tôn đến thăm gia đình ta đấy, chị chuẩn bị nhanh lên nhé”.

 

Tôi vừa mừng vừa lo vì quá đột ngột.

 

Nhà tôi lúc ấy ở số 2 Âu Triệu chỉ có nửa buồng, đồ đạc chỉ có một cái giường, một cái bàn học và hai cái  ghế. Căn phòng chỉ khoảng mười hai thước vuông. Tôi sắp sửa thật nhanh cho gọn gàng. Cho hai cháu mặc quần áo đẹp vừa xong thì thấy bác đã leo lên thang gác rồi.

 

Tôi mời bác ngồi, còn mình đứng với hai cháu. Bác cho gia đình một ít quà tết. Bác âu yếm nhìn hai cháu nói:

 

- Tết bác đến thăm gia đình con, bác chúc con và gia đình sức khỏe!

 

Rồi bác đứng dậy, vỗ vai tôi: “Thôi bác về nhá”

 

Từ ngày đó tôi cảm thấy bác quan tâm tới tôi nhiều hơn.

 

Thường buổi chiều, tôi đến thăm sức khỏe cho bác xong thì được bác bảo ở lại ăn cơm cùng với gia đình. Lúc về bác gái còn gói quà cho tôi và thức ăn cho các cháu. Tôi nghĩ bụng: “Có lẽ cụ đến nhà, thấy mình nghèo quá nên thương”.

 

Một thời gian sau, bác gái bị chứng tai biến mạch máu não, tay phải rết yếu, đi lại khó khăn. Ngày nào tôi cũng đến tập cho bác gái. Tôi nhớ một hôm hướng dẫn bác tập tay bằng cách cầm đá ném, bác gái cười bảo:

 

- Hồi trẻ mình ném đá đuổi gà, bây giờ già rồi cô Trinh lại bắt làm những động tác như hồi trẻ!

Bác gái rất vui vẻ, chịu khó tập.

 

Có một buổi sáng, tôi đến thăm bệnh cho Bác Tôn thì thấy Bác có vẻ hơi bực. Tôi chưa kịp hỏi thì bác đã nói: “Sáng nay khi đi xe đạp dọc đường Thanh Niên cho mát, đi sớm vắng người, đạp xe thoải mái, thế mà cậu bảo vệ cứ đi xe kèm mình sát vô đường. Cả cuộc đời bác tù tội, bây giờ đi hóng mát một chút cũng không được tự do”.

 

Ngày bác gái mất, tôi bị sốt nặng nằm ở nhà. Nhớ đến bác, thương bác tôi đã khóc. Tập vai, tập bàn tay đau lắm chứ, ấy thế mà bác vẫn chịu khó tập luyện. Bác Tôn thường bảo: “Bà già khó tính lắm, chỉ có cô Trinh là bà ấy chịu nghe thôi!”

 

Có hai vật kỷ niệm nhỏ Bác Tôn cho tôi mà tôi vẫn còn giữ mãi đến bây giờ, đó là hai chiếc khăn thêu lót bình hoa. Hai chiếc khăn này là của bà con dân tộc thiểu số thêu. Bác dặn tôi: “Con lót cái khăn này dưới bình bông để làm việc cho đẹp”. Vừa rồi chị Hoa Xinh, Giám đốc Viện Bảo tàng Tôn Đức Thắng (Tp Hồ Chí Minh) có đến thăm. Tôi đã gửi biếu Viện Bảo tàng, coi như đây là lưu niệm nhỏ của bác. Tôi còn gửi thêm một cái ảnh của Bác Tôn mà bác cho tôi hồi nhà còn ở Trần Phú. Khi ấy, bác hỏi tôi: “Con muốn bác ghi sao?”. Tôi trả lời: “Bác ghi coi như con là cháu bác”. Thế là bác ghi: “Cho cháu Trinh”.

 

Chiếc ảnh tôi được chụp chung với bác khá thân mật trong sinh hoạt gia đình, tôi kính gửi biếu Viện Bảo tàng – ghi lại một kỷ niệm nhỏ với bác làm kỷ niệm.

 

LÊ TRINH

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek