Thứ Hai, 07/10/2024 07:22 SA
Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội: Làm rõ trách nhiệm về vụ Vinashin
Thứ Hai, 01/11/2010 15:35 CH

Không ngoài dự đoán, “con tàu” Vinashin một lần nữa lại gây sóng gió trên nghị trường Quốc hội ngay trong phiên thảo luận đầu tiên về tình hình kinh tế xã hội năm 2010 và kế hoạch cho năm 2011.

 

QH-101101.jpg
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết. - Ảnh: SGGP

 

Trân trọng ghi nhận những thành tựu đạt được trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, song đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) nói, ông vô cùng lo lắng vì tình trạng quản lý yếu kém đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Ông xót xa vì gần 100.000 tỉ đồng đã trôi theo cùng sự sụp đổ của Vinashin.

 

“Nhưng ngoài lãnh đạo Vinashin, còn những ai phải chịu trách nhiệm? Trước đây, vì “nuông chiều” công ty của bà Lã Thị Kim Oanh để thất thoát 100 tỉ đồng mà một Bộ trưởng đang rất được lòng dân  phải từ chức, 2 Thứ trưởng phải ra trước vành móng ngựa. Vinashin là một kiểu công ty như của Lã Thị Kim Oanh, phóng đại lên 1.000 lần. Tôi trân trọng đề nghị Quốc hội thành lập ủy ban lâm thời để điều tra trách nhiệm của những thành viên Chính phủ trong vụ việc này”, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết nêu rõ quan điểm.

 

Quan điểm của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết được nhiều đại biểu phát biểu sau ông bày tỏ sự đồng tình cao. Đại biểu Lê Văn Cuông bình luận: “Có đồng chí thành viên Chính phủ nói, tiền đã cấp cho người ta (Tập đoàn Vinashin – PV) rồi, người ta làm gì tùy họ; tôi không tán thành. Chính phủ đứng ra bảo lãnh cho Vinashin vay hàng tỉ đô la. Vinashin đi mua tàu, đi đầu tư khắp nơi trong nhiều lĩnh vực mà không ngăn chặn được, không kiểm tra, kiểm soát kịp thời. Tôi cũng đề nghị thành lập một Ủy ban lâm thời điều tra, xác minh để xử lý nghiêm, không chỉ Vinashin mà cả các tập đoàn nhà nước khác”.

 

Tiếp tục vấn đề này, đại biểu Phạm Thị Loan (HN) đặt câu hỏi: Ai sẽ là người chịu trách nhiệm cuối cùng về những sai phạm của Vinashin, vì một mình họ không thể tự tung tự tác làm sai luật được. Ai đã cho phép Vinashin phát hành trái phiếu? Ai đã cho phép Vinashin vay nợ lớn đến như vậy... Từ năm 2009 Quốc hội đã đề nghị giám sát, nhưng Chính phủ lại đề nghị hoãn lại; Kiểm toán Nhà nước đến nay cũng chưa vào làm việc được. Trong vụ việc này, những người làm sai phải có lời xin lỗi trước nhân dân và có lẽ cũng nên nghĩ tới văn hóa từ chức. Về việc quản lý các tập đoàn nhà nước nói chung, đại biểu Phạm Thị Loan cho rằng nguyên tắc tách biệt giữa quản nhà nước với việc điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh chưa được tôn trọng.

 

Coi vụ việc Vinashin như một biến cố quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của các tập đoàn kinh tế nhà nước, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) nêu thêm: “Cử tri cũng rất quan tâm tình hình hậu Vinashin và tân Vinashin. Các lỗ hổng trong quản lý sẽ được trám lại như thế nào? Các cá nhân, tập thể liên quan cần được xử lý thế nào? Quốc hội cần có nghị quyết chuyên đề về vấn đề này”. Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng cũng yêu cầu EVN trực tiếp báo cáo về tình hình thiếu điện kéo dài trước Quốc hội.

 

Bên cạnh đó, đại biểu Lê Như Tiến nhận xét, quy hoạch những năm qua bất cập, thiếu liên kết, kém bền vững, gây lãng phí lớn. “Trong 12 năm qua, Bộ Xây dựng 4 lần điều chỉnh ngành xi măng do cung – cầu phá vỡ quy hoạch. Ông dẫn chứng: Ngành thép cũng thế, do nhiều địa phương xé rào quy hoạch. Một tỉnh miền Đông Nam bộ có 14 dự án, trong đó 9 dự án ngoài quy hoạch, xài hết 60% sản lượng điện của toàn tỉnh. Tỉnh này trở thành thiếu điện, thừa ô nhiễm”.

 

Theo đại biểu Lê Như Tiến, vẫn còn khá nhiều ví dụ khác về các “quy hoạch thiểu năng” như vậy, mà một lý do quan trọng là ngành nào biết việc của ngành nấy, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, hài hòa với nhau. Đơn cử, quy hoạch điện 6 có nguy cơ bị phá vỡ vì thiếu than. Hiện nay ngành than đang hối hả xuất khẩu để đảm bảo tăng trưởng, trong khi 31 nhà máy nhiệt điện đang đói than từng ngày, ngành thủ công mỹ nghệ thì ăn đong than từng giờ. Quy hoạch các KCN, KCX cũng không sáng sủa. Nhiều khu lay lắt không thể lấp đầy, có quy hoạch thành “treo” xuyên thế kỷ...

 

Đại biểu Lê Như Tiến đề nghị Chính phủ xây dựng “quy hoạch nhân lực”, đảm bảo nguồn nhân lực có chất lượng để phục vụ công tác quy hoạch. Đồng thời, phải thành lập hội đồng thẩm duyệt công tâm, đủ năng lực; đặt hàng viện nghiên cứu tham vấn, phản biện quy hoạch và kiên quyết chấm dứt hiệu lực đối với những quy hoạch yếu kém, bất cập.

 

Theo SGGP

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek