Thứ Hai, 07/10/2024 19:35 CH
Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XII:
Thảo luận hai dự thảo Luật Viên chức và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm
Thứ Tư, 27/10/2010 07:15 SA

Sáng 26/10, tại hội trường, các đại biểu dự kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XII thảo luận dự thảo Luật Viên chức. Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

 

Thảo luận về các điều, khoản của dự thảo Luật Viên chức, các đại biểu tập trung vào phạm vi điều chỉnh; về khái niệm viên chức; về đơn vị sự nghiệp công lập và cơ cấu tổ chức, quản lý hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; việc quy định công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia dự tuyển làm viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập…

 

Bàn về khoản 2, Điều 31 của dự thảo luật quy định “Căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ được xác định trong hợp đồng làm việc, viên chức được người có thẩm quyền bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp tương ứng”, có ý kiến cho rằng, quy trình này chưa hợp lý bởi theo quy định của dự thảo Luật, việc ký hợp đồng được thực hiện trước, trong đó đã xác định rõ vị trí việc làm, tiền lương, thưởng và các chế độ đãi ngộ khác. Còn việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp được thực hiện sau và căn cứ trên hợp đồng làm việc. Từ đó, các đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần chỉnh sửa quy trình tuyển dụng viên chức cho hợp lý hơn, theo đó, việc bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp phải được thực hiện trước, rồi mới ký hợp đồng làm việc. Tiền lương phải căn cứ vào chức danh nghề nghiệp, còn vị trí việc làm sẽ được hưởng các khoản đãi ngộ khác tùy theo khả năng của các đơn vị sự nghiệp công lập. Có như vậy mới bảo đảm sự công bằng về quyền, nghĩa vụ giữa các viên chức.

 

Có ý kiến cho rằng, việc Ban soạn thảo dự kiến luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2012. Tuy nhiên, trong 1 năm nữa, rất khó có thể chuyển đổi tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn sang đơn vị công lập được giao quyền tự chủ hoàn toàn. Bởi việc chuyển đổi này không phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí chủ quan của cơ quan quản lý, mà phải căn cứ vào điều kiện thực tế, lĩnh vực hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập đó.

 

Về việc thành lập Hội đồng quản lý tại các đơn vị sự nghiệp công lập, nhiều đại biểu đồng tình với quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cần thành lập hội đồng này. Đồng thời đề nghị trong dự thảo luật cần quy định rõ cơ cấu, thành phần của hội đồng. Dù vậy, có ý kiến cho rằng, không nên “đẻ” thêm bộ máy nữa, để rồi đến lúc nào đó chúng ta lại nói rằng không có hiệu quả. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc lại một số quy định trong dự thảo luật, như tại Điều 19 có quy định viên chức không được tham gia đình công. Theo đại biểu, có nên tước họ quyền đó không, bởi viên chức, công nhân không còn quyền gì ngoài cách phản ứng tiêu cực là đình công để ép người quản lý phải đảm bảo quyền lợi cho họ. Theo đại biểu, công chức thì có thể không được phép đình công, còn đối với viên chức thì phải xem xét lại quy định này.

 

Cho ý kiến vào dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, các đại biểu tập trung vào các nội dung như trích lập quỹ bảo vệ quyền lợi người được bảo hiểm, quy định về hình thức doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới…

 

Nhiều đại biểu cho rằng việc sửa đổi, bổ sung luật là cần thiết để phù hợp với cam kết Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm, thúc đẩy phát triển thị trường bảo hiểm ổn định và bền vững. Các đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu đưa ra quy định nhằm khuyến khích phát triển thị trường bảo hiểm trong nước và cho phép mở rộng hơn nữa các loại hình bảo hiểm.

 

Cho ý kiến vào nội dung trích lập quỹ bảo vệ quyền lợi người được bảo hiểm, các đại biểu bày tỏ sự đồng tình và cho rằng việc trích lập quỹ là cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm bởi thực tế hiện nay, người tham gia bảo hiểm chưa được bảo vệ thỏa đáng. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít ý kiến phản đối việc thành lập quỹ vì cho rằng không cần thiết và không thực tế.

 

Góp ý vào vấn đề sửa đổi quy định về hình thức doanh nghiệp quy định tại Điều 59 dự thảo luật, các đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định về loại hình kinh doanh bảo hiểm cho phù hợp với Luật Doanh nghiệp hiện hành.

 

Vấn đề cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình của các đại biểu, nhưng cũng bày tỏ lo ngại khi mở cửa thị trường bảo hiểm, thông qua cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới, khiến doanh nghiệp trong nước bị “lép vế” trước doanh nghiệp nước ngoài.

 

KHƯƠNG NGUYÊN

(Tổng hợp từ VOV và TTXVN)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek