Thứ Hai, 07/10/2024 21:28 CH
Người mẹ anh hùng làng Phú Hội
Thứ Hai, 25/10/2010 14:30 CH

Người con gái Nguyễn Thị Luận sinh ngày 18 tháng 8 năm 1926 và lớn lên ở làng Phú Hội. Mười tuổi, cha mẹ chết sớm nên phải ở với dì và phải lao động cật lực để có cơm ăn. Nhưng với nghị lực phi thường, cô bé Luận làm việc chẳng kém gì người lớn. Càng lao động nặng nhọc, Luận càng mau lớn.

 

mevnah101025.jpg

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Luận - Ảnh: Gia đình cung cấp

Với thân hình cao ráo, nước da bánh mật, khuôn mặt chữ điền, đôi mắt bồ câu, cái miệng có duyên và hay cười, tính tình nết na, thùy mị, Luận được bà con công nhận là cô gái đẹp người đẹp nết nhất làng Phú Hội. Đám thanh niên cùng thời ở trong làng nhao nhao tìm đến nhà Luận “trình diện”. Trong số đó chỉ có cậu thanh niên vừa đẹp trai, vừa thông minh là Nguyễn Phước sinh ngày 13 tháng 6 năm 1919, người cùng làng Phú Hội, là chiếm được trái tim của Luận. Đầu năm 1942, lúc Luận vừa tròn 16 tuổi thì Phước và Luận làm lễ cưới.

 

Từ đầu năm 1943, Phước tham gia tổ chức bí mật hoạt động cách mạng ở địa phương và cùng tham gia lãnh đạo khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 ở xã An Ninh thắng lợi. Ngày 16 tháng 6 năm 1946, Nguyễn Phước vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Với lòng yêu quê hương đất nước vô bờ, với nhiệt huyết cách mạng của tuổi trẻ và tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước dân của người đảng viên cộng sản, Nguyễn Phước sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của Đảng phân công. Tháng 7 năm 1954, thi hành Hiệp định Giơnevơ, Nguyễn Phước đi tập kết ra miền Bắc.

 

Sau khi lấy chồng, Nguyễn Thị Luận cố gắng làm lụng hết sức mình để nuôi gia đình bên chồng, tạo điều kiện thuận lợi để chồng thoát ly hoạt động cách mạng. Từ năm 1944 đến năm 1952, hai người đã sinh được 5 người con là: Nguyễn Thị Bích Ngọc, Nguyễn Thị Hảo, Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Việt Dũng và Nguyễn Văn Cảm. Tuy rất bận rộn việc nuôi các con nhỏ và lo phụng dưỡng cha mẹ chồng là cụ Dự và cụ Sáu, cả hai cụ đều là đảng viên cộng sản thời chín năm kháng chiến chống Pháp, nhưng Nguyễn Thị Luận vẫn tham gia công tác cách mạng; chính quyền địa phương xã An Ninh giao chị nhiệm vụ gì chị cũng đảm nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ấy. Tháng 1 năm 1948 chị Nguyễn Thị Luận được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Là đảng viên cộng sản mẹ Luận càng hăng hái công tác.

 

Bọn địch biết chị Luận có chồng là cán bộ cách mạng đã đi tập kết ra miền Bắc và các con của mẹ đã lần lượt lên núi về với các căn cứ cách mạng, chúng nó bắt giam riêng mẹ và tra tấn rất dã man. Nhưng mẹ vẫn hiên ngang như cây tùng, cây bách trước phong ba, bão táp.

 

Đầu năm 1961, sau khi có Nghị quyết số 15 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về cách mạng miền Nam, ông Nguyễn Phước tình nguyện lên đường trở về quê hương chiến đấu. Bọn địch đánh hơi được ông Phước đã về làng. Đêm nào ông Phước và các chiến sĩ giải phóng về tổ chức mít tinh, thì sáng hôm sau địch bắt ngay mẹ Luận giam giữ tại trụ sở xã.

 

Cuộc chiến đấu giữa ta và địch ngày càng căng thẳng và quyết liệt, mẹ Luận đưa các con lên vùng giải phóng xã An Lĩnh tạm trú. Mẹ liên tục động viên 5 người con, đứa trước, đứa sau lần lượt lên căn cứ cách mạng, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Ở vùng giải phóng, mẹ thường xuyên gặp được ông Phước và sinh được cậu út Cường (Nguyễn Văn Cường).

 

Tuy là vùng giải phóng, nhưng quá gian khổ và không kém phần ác liệt như vùng tạm chiếm. Địch thường xuyên càn quét với quy mô khá lớn bằng hai ba tiểu đoàn chủ lực để tìm diệt căn cứ cách mạng của ta. Ngày nào bọn địch cũng nã pháo hoặc máy bay ném bom, rải chất độc hóa học… Để nuôi dưỡng út Cường, mẹ Luận bồng con trở về thị trấn Chí Thạnh, trốn ở nhà cậu em ruột mình. Bọn giặc đánh hơi được, vây bắt mẹ cùng út Cường giam ở nhà lao quận Phú Tân hơn hai năm.

 

Trong những ngày bị giam cầm ở quận lỵ Phú Tân, mẹ Luận bàng hoàng nhận được tin người con gái thứ ba là Nguyễn Thị Hảo hy sinh ngày 20 tháng 4 năm 1967. Nguyễn Thị Hảo thoát ly tháng 1 năm 1964 lên căn cứ cách mạng, làm cán bộ ở bộ phận Tuyên huấn của huyện Tuy An. Ngày 20 tháng 4 năm 1967, bọn địch mở cuộc càn quét với quy mô lớn, hàng tiểu đoàn quân chủ lực, cùng với bọn dân vệ địa phương nhằm vây ráp căn cứ cách mạng của Huyện ủy Tuy An. Hảo được phân công ở lại cùng một số anh chị em khác tham gia chiến đấu bảo vệ cơ quan. Địch bao vây nhiều ngày, cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra rất quyết liệt. Nguyễn Thị Hảo đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.

 

Nỗi đau xé lòng chưa nguôi, thì một tin dữ khác lại bay đến, người con thứ 6 của mẹ, là đội viên du kích Nguyễn Văn Cảm, anh dũng hy sinh lúc vừa tròn 16 tuổi trong một ngày đông buồn năm 1967 – ngày 21 tháng 12 năm 1967. Để chuẩn bị cho chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968, Nguyễn Văn Cảm là Đội trưởng Thiếu niên, tham gia Đội du kích mật của xã An Ninh. Cảm được phân công tham gia cùng với một số đội viên du kích mật khác có nhiệm vụ bảo vệ cuộc họp quan trọng của lãnh đạo xã tại thôn 3 để bàn việc lãnh đạo, chỉ đạo hợp đồng chiến đấu với bộ đội địa phương huyện trong các trận đánh sắp đến. Bị điệp báo, cuộc họp bị lộ nên bọn địch kéo hơn một đại đội lính bảo an đến bao vây. Tuy còn nhỏ tuổi và nhỏ người, nhưng Nguyễn Văn Cảm đã anh dũng chiến đấu, đánh trả lại bọn địch đến viên đạn cuối cùng trong khẩu súng Các-bin và anh đã anh dũng hy sinh cùng với một số đội viên du kích khác. Trận đánh chặn địch từ vòng ngoài đó là tiếng súng kịp thời báo hiệu để các bác, các cô chú lãnh đạo xã di chuyển an toàn.

 

Chỉ mười ngày sau khi Nguyễn Văn Cảm hy sinh, cậu út Cường – người con duy nhất quẩn quanh bên mẹ lúc ở nhà cũng như lúc ngồi tù, mới 4 tuổi đầu không chịu nổi sự khắc nghiệt của lao tù Mỹ  - ngụy, đã kiệt sức bỏ mẹ ra đi.

 

Đầu xuân năm 1969, một tin buồn dội tới làm nát tim gan mẹ: Người con gái thứ 4 là Nguyễn Thị Tâm đã anh dũng hy sinh. Tháng 1 năm 1964 Nguyễn Thị Tâm thoát ly lên căn cứ làm cách mạng. Ngày 13 tháng 2 năm 1969 cơ quan An Ninh đang di chuyển địa điểm thì gặp địch. Hai bên nổ súng đánh nhau rất quyết liệt tại khu vực Trại Cháy (huyện Sơn Hòa). Trận đánh kéo dài hơn một tiếng đồng hồ, bọn địch chết khá nhiều. Bên ta Nguyễn Thị Tâm đã anh dũng hy sinh, sau khi khẩu tiểu liên AK của chị đã bắn hết đạn.

 

Chưa đầy bốn tháng sau, một tin sét đánh nữa ập đến với mẹ: Người bạn đời vô cùng yêu quý của mẹ – đồng chí Nguyễn Phước, Phó Ban binh vận của tỉnh đã anh dũng hy sinh ngày 3 tháng 6 năm 1969. Ngày 3 tháng 6 năm 1969 ông Nguyễn Phước cùng các đồng chí Hà Phùng, Hai Tín, Mười Hoan… đi công tác cơ sở từ xã An Thọ về xã An Lĩnh, đến khu vực Đá Lửa (giữa hai xã An Lĩnh và An Hiệp) thì gặp một đại đội lính bảo an của địch phục kích. Địch nổ súng loạn xạ, các anh cũng bắn trả lại quyết liệt để tìm cách thoát khỏi vòng bao vây của chúng. Nguyễn Phước làm ám hiệu bảo các anh Hà Phùng, Hai Tín, Mười Hoan hãy chạy nhanh vào rừng, còn mình sẽ ở lại chiến đấu đến cùng để vừa thu hút hỏa lực của bọn địch về phía mình. Và đồng chí Nguyễn Phước đã anh dũng hy sinh.

 

Gần cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, người con trai thứ 5 – người con trai cuối cùng, niềm hy vọng lớn lao của đời mẹ – đồng chí Nguyễn Việt Dũng, Ủy viên Thường vụ Huyện ủy Tuy An, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tuy An, đã hy sinh ngày 10/8/1974. Rừng thiêng, nước độc ở khu căn cứ cách mạng đã làm anh nhiễm bệnh hiểm nghèo. Nhiều lần được cấp trên cho ra miền Bắc để chữa bệnh và học tập, nhưng anh cương quyết xin được ở lại quê hương để cùng với đồng chí, đồng đội và đồng bào tiếp tục chiến đấu. Anh được Nhà nước công nhận là liệt sĩ, vì sự hy sinh cống hiến đến hơi thở cuối cùng của người chiến sĩ cách mạng.

 

Đi hết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mẹ Nguyễn Thị Luận 6 lần đội lên đầu vành khăn tang trắng. Mẹ Nguyễn Thị Luận được nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Mẹ còn được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhì và Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng ba.

 

Đầu xuân Bính Tý năm 1996, Chủ tịch nước Lê Đức Anh và phu nhân đã đến thăm mẹ tại nhà riêng, để tỏ lòng tri ân của đất nước về một gia đình, về một người mẹ có quá nhiều hy sinh, mất mát trong chiến tranh. Chủ tịch nước Lê Đức Anh và phu nhân đã đến thắp hương ở bàn thờ 5 liệt sĩ và thăm hỏi, an ủi mẹ Luận rất lâu.

 

Có thể nói cuộc đời Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Luận như cây phong ba trước bão táp. Mẹ vẫn đứng đó vững vàng trước mọi đau thương, thử thách. Mẹ luôn luôn tìm cách vươn lên phía trước, vượt qua muôn trùng chông gai, hiểm trở để tiếp tục sống và dành trọn cuộc sống của mình cho cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc. Người dân làng Phú Hội rất tự hào về mẹ. Ai cũng khẳng định rằng, mẹ chính là hiện thân của sự hy sinh vô bờ bến đến tột cùng, là một trong những tấm gương tiêu biểu của lòng kiên trung, bất khuất, của nghĩa nước, tình nhà thủy chung son sắt, nên Đảng bộ và nhân dân xã An Ninh anh hùng rất kính trọng và yêu quý mẹ.

 

Truyện ký của TÔ PHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek