Thứ Hai, 07/10/2024 21:22 CH
Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XII:
Cho ý kiến vào dự thảo Luật Tố tụng hành chính
Chủ Nhật, 24/10/2010 07:24 SA

Sáng 23/10, Quốc hội làm việc tại Hội trường dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, cho ý kiến vào một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tố tụng hành chính.

 

Dự thảo Luật Tố tụng hành chính trình Quốc hội xem xét thông qua gồm 17 chương, 264 điều, tăng hơn so với dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ bảy là 4 chương, 101 điều bao gồm: Chương VI về chứng minh và chứng cứ; Chương VII về cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng; Chương XIV về thủ tục tái thẩm và Chương XVI về khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính và quy định cụ thể về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính ở các chương khác.

 

Đa số đại biểu đồng tình với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tố tụng hành chính của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng Ủy ban đã tiếp thu nghiêm túc các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp trước. Các đại biểu cũng bày tỏ nhất trí đối với quy định tại Điều 104 của dự thảo Luật về khởi kiện vụ án hành chính. Theo đó, cá nhân, cơ quan, tổ chức nếu không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính ra Tòa án, không đặt ra điều kiện phải khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu rồi mới có quyền khởi kiện. Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TP Hồ Chí Minh), Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) và một số đại biểu cho rằng quy định như dự thảo Luật là phù hợp và được coi là bước đổi mới căn bản về điều kiện, cơ chế giải quyết khiếu kiện hành chính ở nước ta theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Việc quy định như vậy cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức, cá nhân được quyền tự do lựa chọn khiếu kiện với cơ quan hành chính hay khởi kiện vụ án tại Tòa án mà không bắt buộc phải qua thủ tục khiếu nại trước khi khởi kiện, giảm bớt áp lực cho cơ quan quản lý Nhà nước.

 

Về phát biểu của Kiểm sát viên, điều 161 dự thảo Luật quy định: Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án. Đa số đại biểu đồng ý với quy định trong dự thảo Luật và quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bởi theo quy định của pháp luật, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tham gia các phiên tòa, phiên họp của Tòa án là cần thiết để thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án.Đối với việc kiểm sát các bản án, quyết định của Tòa án, Viện Kiểm sát chỉ có thể thực hiện được sau khi Hội đồng xét xử đã tuyên bản án, quyết định.

 

Về xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định tại các điều 228, 229, 237 và 238 dự thảo Luật, nhiều đại biểu nhất trí với quy định của dự thảo Luật cho phép Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được xem xét lại quyết định của mình khi có kiến nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoặc của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Theo đó, Khoản 3 Điều 228 quy định kiến nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải được ít nhất 2/3 tổng số thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đồng ý thì quyết định giám đốc thẩm mới được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại. Điều 229 quy định khi kiến nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoặc Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quyết định xem xét lại thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm tổ chức việc nghiên cứu hồ sơ vụ án, xác minh thu thập tài liệu, chứng cứ, hoàn thiện tờ trình báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày có quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Phiên họp của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có sự tham dự của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Trong trường hợp xét thấy cần thiết, Tòa án nhân dân tối cao có thể mời cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đến tham dự phiên họp. Quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải được ít nhất 3/4 tổng số thành viên của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao biểu quyết tán thành. Các đại biểu cho rằng, thực tế thời gian qua có trường hợp quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có sai lầm nghiêm trọng nhưng không có cơ chế để giải quyết lại, đương sự và dư luận xã hội rất bức xúc, khiếu nại gay gắt, kéo dài bởi theo quy định của pháp luật hiện hành, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất theo thủ tục giám đốc thẩm nên không ai có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm quyết định của Hội đồng Thẩm phán.  

     

Theo TTXVN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek