Thứ Hai, 07/10/2024 21:26 CH
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tố tụng hành chính:
Có thể xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao
Thứ Bảy, 23/10/2010 15:30 CH

Sáng 23/10, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Tố tụng hành chính. Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự Luật do Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba trình bày.

 

Theo báo cáo giải trình, bức xúc nhiều năm nay trong hoạt động tố tụng là việc xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao. Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, thực tiễn xét xử giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thời gian qua về lĩnh vực hình sự và dân sự cho thấy có trường hợp quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có sai lầm nghiêm trọng nhưng không có cơ chế để giải quyết lại, khiến cho đương sự và dư luận xã hội rất bức xúc, khiếu nại gay gắt, kéo dài.

 

Theo quy định của pháp luật hiện hành, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất theo thủ tục giám đốc thẩm nên không ai có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm quyết định của Hội đồng Thẩm phán. Để khắc phục vướng mắc nêu trên, Luật này cần quy định một thủ tục đặc biệt để Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được tự mình xem xét lại quyết định giám đốc thẩm có sai lầm nghiêm trọng.

 

Vì lý do đó, dự thảo Luật đã quy định cho phép Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao được xem xét lại Quyết định của mình khi có kiến nghị của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao hoặc của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao với những thủ tục rất chặt chẽ.

 

Kiến nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao phải được ít nhất 2/3 tổng số thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao đồng ý thì quyết định giám đốc thẩm mới được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại.

 

Khi kiến nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quyết định xem xét lại, thì Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao có trách nhiệm tổ chức việc nghiên cứu hồ sơ vụ án, xác minh thu thập tài liệu, chứng cứ; hoàn thiện tờ trình báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày có quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Phiên họp của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có sự tham dự của Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

 

Trong trường hợp xét thấy cần thiết, Tòa án Nhân dân tối cao có thể mời cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đến tham dự phiên họp. Quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải được ít nhất 3/4 tổng số thành viên của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao biểu quyết tán thành.

 

Tán thành cao với quy định tại dự thảo Luật về vấn đề này, ĐB Vũ Hồng Anh (Hà Nội) đề nghị thêm, không chỉ Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao mà Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng có quyền kiến nghị ngay khi phát hiện bản án có sai lầm nghiêm trọng. "Bộ trưởng Tư pháp là người có sự theo dõi, hiểu biết về vụ án, có trách nhiệm và quyền hạn trong lĩnh vực tư pháp,  quy định như vậy sẽ giúp người dân có thêm một địa chỉ gửi đơn thư, trình bày bức xúc của họ”, ĐB giải thích.

 

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, trong lĩnh vực tố tụng hành chính rất ít có trường hợp này. ĐB đề nghị cân nhắc rất kỹ quy định đối với lĩnh vực tố tụng hành chính, song lại tán thành về sự cần thiết có quy định xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao trong lĩnh vực hình sự và dân sự.

 

Về sự tham gia, phát biểu của KSV tại phiên tòa sơ thẩm, các ĐB Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) và một số ĐB khác cho rằng, nếu KSV đã dự và phát biểu thì cần phải thể hiện cả quan điểm của mình về nội dung bản án, chứ nếu chỉ phát biểu về việc tuân thủ pháp luật trong quá trình xét xử thì không thật sự cần thiết. Tuy nhiên, ĐB Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) lại tán thành quy định như dự thảo luật (KSV chỉ phát biểu về việc tuân thủ pháp luật trong quá trình xét xử, không phát biểu về nội dung bản án), vì nếu phát hiện thấy bản án có sai sót, Viện Kiểm sát vẫn có quyền kháng nghị.

 

Theo SGGP

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek