Thứ Hai, 07/10/2024 23:33 CH
Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XII:
Đề xuất các giải pháp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2011
Thứ Bảy, 23/10/2010 07:30 SA

Sáng 22/10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011.

 

THỰC HIỆN MỤC TIÊU ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, KIỂM SOÁT LẠM PHÁT

 

Ý kiến của nhiều đại biểu thảo luận bày tỏ quan điểm tán thành với mục tiêu tổng quát trong năm 2011 do Chính phủ đề xuất, đó là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát; trên cơ sở đó, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2010 gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; tăng cường ổn định chính trị xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đại biểu Nguyễn Văn Sỹ (Quảng Nam) tán thành với một số giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ như triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm cải thiện cán cân thanh toán, tập trung vào đẩy mạnh xuất khẩu, quản lý tốt nhập khẩu, kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 7% trên cơ sở điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, áp dụng tỉ giá, lãi suất phù hợp theo nguyên tắc thị trường... Đồng thời, đại biểu đề nghị Chính phủ phân tích rõ một số nội dung như: nhập siêu còn cao so với điều kiện kinh tế Việt Nam… Đại biểu Nguyễn Văn Sỹ cho rằng mục tiêu quan trọng trong năm 2011 là phải ổn định kinh tế vĩ mô và tập trung kiểm soát cho được lạm phát, “Chúng ta cần chú trọng tăng trưởng theo chiều sâu hơn là chiều ngang” - đại biểu nhấn mạnh. Theo đại biểu, hiện nay tăng trưởng kinh tế của nước ta đang dựa vào lao động giá rẻ và tài nguyên đất nước, trong đó chính lao động giá rẻ làm ảnh hưởng tới chất lượng tăng trưởng. Tài nguyên của Việt Nam hầu như đều xuất thô gây lãng phí và ảnh hưởng tới môi trường sống nghiêm trọng. Đối với đề xuất của Chính phủ về bội chi ngân sách nhà nước khoảng 5,5% GDP, đại biểu Nguyễn Văn Sỹ cho rằng cần phấn đấu kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước không quá 5% GDP. Đại biểu tán thành với ý kiến của Ủy ban Kinh tế đánh giá vượt thu ngân sách năm 2010 dự kiến là 58.600 tỉ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 35.600 tỉ đồng, nếu bổ sung một phần số vượt thu ngân sách trung ương năm 2010 cho ngân sách năm 2011 để bù vào bội chi thì mức bội chi ngân sách năm 2011 sẽ ở mức không quá 5% GDP. Đại biểu đề xuất cơ cấu lại đầu tư, trong đó ở một số lĩnh vực cần huy động đầu tư nước ngoài để giảm bớt đầu tư của nhà nước; tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực. Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) tâm đắc với đề xuất của Chính phủ về việc tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung vào phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh, giảm tỉ trọng công nghiệp khai thác, tăng tỉ trọng công nghiệp chế tác có giá trị tăng cao và công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu; tiến tới chấm dứt xuất khẩu khoáng sản thô, phát triển công nghiệp hỗ trợ... Đại biểu cho rằng cần phải nghiên cứu để có cơ cấu kinh tế hợp lý tập trung vào năng suất và chất lượng; lộ trình và các bước triển khai tái cấu trúc nền kinh tế cần chuẩn bị kỹ lưỡng...

 

TIẾP TỤC BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI, CẢI THIỆN ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN

 

Bảo đảm tốt an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân là vấn đề lớn thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu. Đại biểu Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội) nhận xét có những định hướng Chính phủ đưa ra nhưng những giải pháp lại không rõ ràng để thực hiện. Đại biểu dẫn chứng: giải pháp đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn không cụ thể dẫn đến hiệu quả thấp. Đại biểu Bùi Duy Nhâm (Hà Nội) đề nghị tiếp tục đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh vùng sâu, vùng xa; các công trình quốc gia cần đầu tư tập trung vào các vùng còn nhiều khó khăn, giúp giảm khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, nông thôn với thành thị... Đại biểu đề xuất để phát triển nông nghiệp, nông thôn cần tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới theo các tiêu chí đã có.

 

Nhiều ý kiến đề xuất tiếp tục đầu tư xây dựng nguồn nhân lực, coi đây là khâu then chốt để có sự phát triển nhanh và bền vững. Bàn về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Hoa nêu thực trạng việc ồ ạt “mọc” ra các trường đại học nhưng chất lượng “không ổn” vì điểm tuyển dụng đầu vào quá thấp. Đại biểu đề nghị cần xem xét lại vấn đề này và đặt câu hỏi liệu đó có phải là lãng phí nguồn lực cho xã hội hay không?

 

Cải cách thủ tục hành chính là vấn đề được nhiều đại biểu đánh giá là khâu quan trọng để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trong năm 2011, đại biểu Nguyệt Hường khẳng định đó “là con đường ngắn nhất để phát triển”. Đại biểu Bùi Duy Nhâm đề nghị cải cách thủ tục hành chính cần được thực hiện khẩn trương và quyết liệt hơn, tạo nền hành chính công khai, minh bạch, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đại biểu đề xuất trao thêm quyền đồng thời với trách nhiệm cho người đứng đầu.

 

Theo TTXVN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek