Thứ Ba, 08/10/2024 21:46 CH
Phó Trưởng ban thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Lê Thanh Lam:
Nhân rộng các điển hình “Dân vận khéo”, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng
Thứ Ba, 12/10/2010 13:30 CH

Hai năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được triển khai sâu rộng trong toàn tỉnh. Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2010), đồng chí Lê Thanh Lam, Phó Trưởng ban thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy trả lời phỏng vấn Báo Phú Yên về hiệu quả của phong trào này. Đồng chí Lê Thanh Lam cho biết:

 

lam101012.jpg

Đồng chí Lê Thanh Lam.

- Được phát động từ đầu quý II/2009 đến quý III/2010, phong trào thi đua “Dân vận khéo” chia làm 2 đợt. Đợt 1 từ đầu quý II/2009 đến ngày 15/10/2009 và đợt 2 từ ngày 15/10/2009 đến ngày 15/10/2010. Qua sơ kết đợt 1 phong trào thi đua “Dân vận khéo” năm 2009, đã có 453 tập thể và 737 cá nhân đăng ký xây dựng mô hình “Dân vận khéo” ở 9 huyện, thị xã, thành phố và 5 Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy. Trong đợt hoạt động kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 -15/10/2009), các huyện, thị xã, thành phố và các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã rà soát và đề nghị biểu dương 76 điển hình tập thể và cá nhân “Dân vận khéo”. Trong đó, có 38 điển hình tập thể và cá nhân tiêu biểu được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng bằng khen. Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong đợt 1 năm 2009, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đợt 2/2010 có 751 tập thể và 1.185 cá nhân tiếp tục đăng ký xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực. Kết quả, toàn tỉnh có 42 điển hình tập thể và cá nhân tiêu biểu được Ban Thường vụ Tỉnh ủy xét tặng bằng khen. Trong đó, 1 cá nhân và 2 tập thể điển hình tiêu biểu được tỉnh chọn đi dự hội nghị biểu dương điển hình “Dân vận khéo” toàn quốc.

 

Nhìn chung, mỗi tập thể, mỗi điển hình xuất sắc trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” đều có cách làm hay, sáng tạo, đem lại hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, hoạt động nhân đạo, từ thiện, giải quyết các vấn đề xã hội. Trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, củng cố và xây dựng hệ thống chính trị các cấp, nhất là ở cơ sở ngày càng vững mạnh. Những tấm gương và điển hình trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” vừa qua, có thể nói là hết sức sinh động và thuyết phục, có tác dụng thúc đẩy, cổ vũ cho các phong trào thi đua yêu nước, hành động cách mạng trong quần chúng. Đặc biệt, nó càng có ý nghĩa lớn lao khi cả nước đã và đang tích cực đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Trong quá trình tổ chức thực hiện, các điển hình “Dân vận khéo” đã góp phần huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, gắn triển khai công tác dân vận với hoạt động quản lý điều hành của chính quyền, cụ thể hóa chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, tìm ra những biện pháp hiệu quả để giải quyết kịp thời các nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, bảo đảm hài hòa lợi ích công dân; phát huy dân chủ, giữ vững được kỷ cương, huy động được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo ra hướng phát triển tích cực ở mỗi địa phương, đơn vị. 

 

* Thưa đồng chí, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã có tác động như thế nào đến công tác dân vận của cả hệ thống chính trị?

 

- Kể từ khi phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo”, công tác dân vận của hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu về kinh tế - xã hội, các chủ trương, nghị quyết của cấp ủy Đảng cũng như việc thể chế hóa các cơ chế, chính sách, sự điều hành của chính quyền, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đồng thời, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; gắn phát triển kinh tế với giải quyết công bằng xã hội, giải quyết thành công những vấn đề bức xúc nảy sinh trong thực tiễn. Nhờ vậy, đã tạo được niềm tin trong quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý và điều hành của chính quyền, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

 

* Trong thời gian tới, cần tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản nào để phong trào thi đua “Dân vận khéo” đạt nhiều kết quả sâu rộng và bền vững hơn, thưa đồng chí? 

 

- Cần tiếp tục tổ chức học tập, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận; vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới; gắn Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Tăng cường nhân rộng các điển hình “Dân vận khéo” trong các lĩnh vực gắn với việc tiếp tục xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trong bối cảnh mới; góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2010, chào mừng thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

 

Coi trọng khả năng dự báo, phát hiện những vấn đề mới, chủ động trong chỉ đạo, lãnh đạo; coi trọng công tác vận động, thuyết phục, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, công khai, công bằng, minh bạch, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Ban Dân vận các huyện, thị, thành ủy cần cụ thể hóa các nội dung, tiêu chí, biện pháp tổ chức, thực hiện phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương, đơn vị. Trên cơ sở đó, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc phong trào, đồng thời tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, công chức làm công tác dân vận, nâng cao kỹ năng “khéo” trong công tác vận động quần chúng.

 

Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền nhằm cổ vũ, phổ biến, nhân rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo”. Chú trọng, nghiên cứu tổng kết những kinh nghiệm, cách làm hay ở các điển hình; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, khen thưởng kịp thời các mô hình tiêu biểu; xây dựng nội dung, biện pháp để tiếp tục tổ chức thực hiện tốt hơn nữa phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong thời gian tới. 

 

Xin cảm ơn đồng chí!

 

THẠCH BÍCH (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek