Thứ Ba, 08/10/2024 23:51 CH
Nghĩa tình quá, Phú Yên ơi!
Thứ Sáu, 08/10/2010 13:30 CH

“Đây là một cuộc gặp gỡ thắm đượm nghĩa tình và quá xúc động!”. Rất nhiều đại biểu đã thốt lên như vậy khi đến tham dự buổi gặp mặt cán bộ, chiến sĩ, thân nhân liệt sĩ tham gia công tác, chiến đấu tại Phú Yên, hiện đang ở tại Hà Nội, được tổ chức chiều 6/10.

 

gap2-101008.jpg

Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh và một người bạn cũ - Ảnh:  Q.KHƯƠNG

 

Chiều đầu tháng 10. Hà Nội nắng nhẹ, không khí mát lành. Khắp mọi con phố của thủ đô đều lộng lẫy, rực rỡ và rộn ràng sống trong những ngày Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Không khí đó dường như làm cho hội trường rộng rãi của khách sạn quốc tế ASEAN trên con phố Chùa Bộc - nơi Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Yên tổ chức buổi gặp mặt - trở nên ấm cúng, thân thiết và thắm tình hơn.

 

“THUỘC LÒNG” PHÚ YÊN

 

Bí thư Tỉnh ủy Đào Tấn Lộc: Phú Yên luôn biết ơn 

“… Tôi xin gởi lời chào kính trọng, lòng biết ơn sâu sắc đến Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc vì đã gởi những cán bộ, chiến sĩ ưu tú của mình đến Phú Yên tham gia chiến đấu, công tác trong những năm tháng ác liệt của hai cuộc chiến tranh vệ quốc. Cho phép tôi thay mặt lãnh đạo tỉnh Phú Yên gởi lời thăm hỏi thân thiết và lòng biết ơn chân thành đến các gia đình cán bộ, chiến sĩ và gia đình liệt sĩ các thời kỳ đã đưa những người thân thiết nhất của mình chiến đấu và công tác tại chiến trường Phú Yên (…) Chiến tranh tuy đã lùi xa, nhưng tôi tin rằng trái tim của những người Hà Nội từng chiến đấu, công tác ở Phú Yên vẫn mãi mãi gần gũi và ấm áp với vùng đất, con người Phú Yên. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Phú Yên luôn biết ơn và dành tình cảm nồng ấm đối với các đồng chí”. 

(Trích phát biểu tại buổi gặp mặt)

Theo thư mời, đến 14g30 buổi gặp mặt mới diễn ra, nhưng mới 13g đã có khách đến. Họ, trẻ thì cũng quá trung niên, còn già thì đi phải dìu, nhưng đều có điểm chung là sự háo hức, vui mừng hiện rõ trên từng gương mặt. Không vội vào hội trường, trên sảnh rộng của khách sạn, người mặc quân phục, người mặc “xơ-vin”, người đeo lon tướng, người vấn khăn mỏ quạ… gặp nhau, tay bắt mặt mừng, chuyện trò rôm rả.

 

Dù cùng ở Hà Nội, nhưng đã khá lâu, đại tá Đỗ Việt Hùng, hiện đang công tác tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, mới gặp lại hai người bạn cùng chung chiến hào năm xưa trên chiến trường Phú Yên là Vũ Duy Hải và Nguyễn Minh Chuân. Ba người ôm chầm lấy nhau, hỏi han đủ điều, niềm hạnh phúc ngời trên nét mặt. Đại tá Hùng cho biết: “Tôi và hai anh Chuân, Hải cùng quê ở huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, cùng vào Phú Yên từ tháng 7/1973 và chiến đấu, sống tại Phú Yên nhiều năm liền. Cả ba anh em cùng ở tiểu đoàn 13 Tỉnh đội Phú Yên, nhiều lần cùng chung một mũi chiến đấu và đều là thương binh”. Câu chuyện của họ xoay quanh những ngày ăn lá sắn, cắn trái sung, uống nước suối, sống giữa rừng thiêng nước độc Phú Yên nhưng vẫn chiến đấu kiên cường chống Mỹ - ngụy. Địa danh của những trận chiến ác liệt như Xuân Phước, Gò Thì Thùng, Hòn Đình, Cầu Cháy…; những làng quê thân thương An Chấn, An Thạch, Long Thủy, Hòa Quang, Hòa Trị, Hòa Thắng…; những má Sáu, má Mười… được nhắc đi, nhắc lại trong câu chuyện của ba người. “Tuy chỉ ở Phú Yên trong khoảng 4-5 năm, nhưng ai trong ba chúng tôi cũng đều “thuộc lòng” Phú Yên, từng ngọn núi, con sông, con ngõ, xóm làng còn hơn cả nơi chôn nhau cắt rốn của mình” -  đại tá Đỗ Việt Hùng bộc bạch.

 

Ông Vũ Duy Hải thổ lộ: “Tôi được tin má Mười ở Long Thủy có mặt trong số những bà mẹ Việt Nam anh hùng đến Hà Nội mừng Đại lễ 1.000 năm. Tôi chờ đợi giây phút gặp lại má, dự định đưa má về Hưng Yên quê hương tôi cho biết”. Ông Hải kể, má Mười là một trong những người mẹ Phú Yên độc đáo. “Khi chúng tôi từ vùng căn cứ ở Sơn Hòa về Tuy An để gùi gạo, má Mười và những bà má khác ở Tuy An thường cho chúng tôi ăn cơm nóng, ăn bánh tráng cuốn với cá nục… Lính trên rừng đói, được các má thương, cho ăn ngon đến mức bụng không còn chỗ nào để chứa nữa mới cho gùi gạo đi”.

 

Từ chuyện chiến đấu, chuyện những địa danh, những người mẹ thân thương, họ chuyển sang nhớ con cá giếc đen to bằng lòng bàn tay, đến con sò huyết thơm ngon ở đầm Ô Loan mà họ được ăn trong những ngày “nếm mật nằm gai” chiến đấu chống kẻ thù trên chiến trường Phú Yên anh dũng…

 

Và cuộc gặp ngày hôm ấy có rất nhiều nhóm người như ba người lính trên đây. Họ nhớ lại, kể lại, nhắc lại, ôn lại những tên đất, tên làng, tên người… ở Phú Yên mến thương mà họ và đồng đội đã trải qua thời thanh xuân, đổ bao nhiêu mồ hôi, máu và nước mắt để giành lại hòa bình, góp phần cho mảnh đất này nở hoa…

 

BẤT NGỜ, BỒI HỒI, XÚC ĐỘNG

 

Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam là một trong số ba vị tướng có mặt tại cuộc gặp này. Ông là một trong những người từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Phú Yên thời kháng chiến chống Pháp. Tuổi cao, sức yếu nhưng thượng tướng vẫn đến với cuộc gặp mặt này. Ông tâm sự: “Tôi rất bất ngờ khi nhận được giấy mời dự cuộc gặp gỡ đầy giá trị và thú vị này. Tôi cứ đọc đi đọc mãi cái giấy mời. Tỉnh Phú Yên đã làm được một việc thật ý nghĩa khi cho chúng tôi cơ hội được gặp gỡ nhiều anh em, đồng đội thân mến ngày nào. Tôi tự hào vì từng chiến đấu tại Phú Yên – vùng đất kiên trung luôn đi đầu trong kháng chiến, là hậu cứ và hậu phương quan trọng của khu 5. Tôi chúc Phú Yên tiếp tục trở thành tỉnh đi đầu trong xây dựng quê hương đất nước”.

 

gap1-101008.jpg

Dù sức yếu, vẫn đến dự gặp mặt - Ảnh: Q.KHƯƠNG

 

Ngồi chung một bàn, câu chuyện giữa ba người nguyên là ủy viên Trung ương Đảng: thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; tiến sĩ Thái Phụng Nê, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, nguyên Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và nhà báo - nhà chính trị Hà Đăng, nguyên Trợ lý Tổng bí thư diễn ra hầu như bất tận. Biết tôi từ Phú Yên ra, bác Hà Đăng nói chân tình: “Tôi thực sự bất ngờ vì lãnh đạo tỉnh Phú Yên có sáng kiến rất hay là tổ chức cuộc gặp mặt ý nghĩa này nhân Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tôi  mới nói vui với anh Thái Phụng Nê là chắc Phú Yên là tỉnh duy nhất cả nước bày tỏ tình cảm với người thủ đô từng chiến đấu, công tác tại tỉnh. Một nghĩa cử cao đẹp là tỉnh nhớ đến những thân nhân của các chiến sĩ đã hy sinh, để mời họ cùng về đây gặp mặt. Tôi sinh ra tại Phú Yên, lớn lên ở Phú Yên, bắt đầu sự nghiệp ở Phú Yên và giờ đây sống ở Hà Nội, rất vinh dự khi được dự cuộc gặp mặt này”.

 

Ông Bùi Xuân Hùng, em trai liệt sĩ Bùi Xuân Bảng - chiến sĩ đã hy sinh ở Phú Yên năm 1972 - thổ lộ: “Anh tôi đã ngã xuống trên mảnh đất Phú Yên kiên trung. Máu anh đã thấm vào đất ấy và chúng tôi cũng coi Phú Yên như là đất mẹ. Sống giữa thủ đô, khi biết tỉnh tổ chức cuộc gặp mặt này, chúng tôi vô cùng cảm động”. Còn ông Nguyễn Cao Cường, Phó trưởng Ban Liên lạc đồng đội mặt trận Phú Yên giai đoạn 1964-1975 đang sinh hoạt tại Hà Nội: “Phú Yên là quê hương thứ hai của chúng tôi. Suy nghĩ ấy, tình cảm ấy không bao giờ phai nhạt”.

  

Ghi chép của NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek