Thứ Năm, 03/10/2024 11:38 SA
Người đảng viên trước tình hình mới, nhiệm vụ mới
Thứ Ba, 31/08/2010 13:29 CH

Người đảng viên trong giai đoạn hiện nay không thể như trước, mà ngoài những phẩm chất chung, cần có sự phát triển phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng.

 

anhp52100831.jpg

Các đại biểu đảng viên phường 5 (TP Tuy Hòa) bầu cử Ban chấp hành Đảng bộ phường nhiệm kỳ 2010-2015- Ảnh: H.CHƯƠNG

 

Trong giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam hiện nay, người đảng viên đứng trước những đòi hỏi mới và nhiệm vụ mới. Đó là nhiệm vụ tiếp tục sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; là yêu cầu giữ vững, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong điều kiện đổi mới hệ thống chính trị, dân chủ hóa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; là nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trong điều kiện mở cửa, hội nhập quốc tế và khu vực.

 

Tình hình, nhiệm vụ đó đòi hỏi người đảng viên không thể như trước mà ngoài những phẩm chất chung, cần có sự phát triển phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng.

 

VỀ LẬP TRƯỜNG GIAI CẤP, BẢN LĨNH CHÍNH TRỊ

 

Đảng viên phải kiên định lập trường cách mạng của giai cấp công nhân, trung thành với lý tưởng cộng sản, đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, vững vàng, không dao động trước bất kỳ khó khăn, thử thách nào. Cùng với việc thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu, người đảng viên lúc này cần ủng hộ nhân tố mới, tích cực tham gia đấu tranh chống tham nhũng, chống các tiêu cực xã hội và tệ nạn xã hội, phê phán những biểu hiện mơ hồ, cực đoan hay tư tưởng sai lệch.

 

Lập trường giai cấp và bản lĩnh chính trị của đảng viên lúc này được thể hiện là sự kiên định những vấn đề về quan điểm có tính nguyên tắc mà Đảng ta đã đề ra. Đó là: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng ta, dân tộc ta; Chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng; Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, không chấp nhận “đa nguyên, đa đảng”; Nhà nước Việt Nam là nhà nước của dân, do dân và vì dân, thể hiện khối đại đoàn kết toàn dân trên nền tảng liên minh của giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng; tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức, sinh hoạt và hoạt động của Đảng; kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế trong sáng của giai cấp công nhân.

 

Là tiêu chuẩn hàng đầu của người đảng viên, lập trường giai cấp và bản lĩnh chính trị được hình thành qua giáo dục và rèn luyện trong tổ chức của Đảng và đồng thời cũng là kết quả của quá trình tích lũy vốn sống thực tiễn mà người đảng viên trải qua. Vốn sống ấy chứa đựng cả tri thức và cả kinh nghiệm, bao quát những lĩnh vực hoạt động và những quan hệ xã hội. Khi đã có vốn sống thực tiễn phong phú, kinh nghiệm dày dặn, cần có thêm tri thức để phân tích, chắt lọc, khái quát thành giá trị, để có thể tổng kết những vấn đề thực tiễn, phát triển lý luận, để không rơi vào chủ nghĩa kinh nghiệm cũng như tình trạng tách rời giữa lý luận và thực tiễn.

 

Xét về sự phát triển nhân cách của người đảng viên, mối quan hệ giữa vốn sống thực tiễn và học vấn; giữa kinh nghiệm và lý luận, giữa lý thuyết và thực hành, nếu được xử lý đúng đắn sẽ tạo nên cơ sở cho sự phát triển tính tích cực và sáng tạo của mỗi người. Người đảng viên trong công cuộc đổi mới và con người mới được đào luyện trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội là con người có học thức, có tư duy khoa học, có tính tư tưởng cao; đồng thời, cũng là con người thiết thực trong hành động. Phải tránh rơi vào những cực đối lập sau đây làm cho con người không có sự phát triển lành mạnh về nhân cách: hoặc thô thiển, thực dụng (sống và hành động tùy tiện, buông thả, chạy theo lợi ích vật chất); hoặc lý thuyết suông, không phải con người hành động (do tách rời lý thuyết với kinh nghiệm trong thực tiễn).

 

VỀ NHẬN THỨC, KIẾN THỨC, NĂNG LỰC TOÀN DIỆN THỰC HIỆN CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI

 

Đổi mới là một cuộc vận động cách mạng toàn diện và sâu sắc, diễn ra trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế đến cơ chế quản lý, từ chế độ kinh tế đến hệ thống chính trị… Đó là một quá trình khó khăn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chưa có mô hình định sẵn. Đổi mới đụng chạm đến rất nhiều vấn đề, phá vỡ nhiều cái cũ, trong khi có những cái cũ đã tồn tại quá lâu, ăn sâu vào nếp nghĩ, cách làm, đã thành thói quen, thành cơ chế chính sách rất khó sửa. Mặt khác, thế giới cũng đang có nhiều chuyển biến mạnh mẽ với nhiều biến cố, nhiều cái cũ bị đảo lộn, nhiều vấn đề phức tạp mới được nảy sinh; trên một số vấn đề, dường như rất khó phân biệt, khó kết luận đâu là phải trái, đâu là trắng đen để có thể xử lý. Thời đại chúng ta là thời đại cách mạng khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, thời đại tin học đạt nhiều thành tựu kỳ diệu, hằng ngày lượng thông tin ồ ạt dồn đến rất nhanh và rất nhiều, đòi hỏi phải có trình độ thu nhận, phân tích và xử lý đúng đắn.

 

Rõ ràng, trong tình hình đó, nếu cán bộ đảng viên không có kiến thức, không có trình độ nhất định về các mặt văn hóa, khoa học kỹ thuật, quản lý kinh tế, pháp luật… thì không thể có đủ năng lực để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, thậm chí còn phạm những sai lầm. Vừa qua, không ít trường hợp đảng viên không phát huy được tác dụng, rơi vào tình trạng “trung bình”, mất uy tín trước quần chúng, là do thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức. Đã qua rồi cái thời hễ cứ là đảng viên, là cán bộ thì dường như có thể làm được mọi việc. Ngày nay, mỗi người cộng sản chỉ có thể khẳng định vai trò lãnh đạo và uy tín của mình trong quần chúng bằng sự kiên định, trí thông minh, sự hiểu biết và năng lực hoàn thành nhiệm vụ.

 

Để đạt tới năng lực trí tuệ và sáng tạo không thể không trau dồi học vấn và coi học tập là trách nhiệm chính trị, nghĩa vụ đạo đức của người đảng viên. Trong Đảng ta hiện nay, trình độ học vấn của một bộ phận đảng viên còn rất thấp. Có không ít đảng viên, kể cả cán bộ Đảng, còn thấp hơn quần chúng về học vấn, văn hóa. Đó là lực cản nội tại làm cho Đảng gặp khó khăn trong công tác lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo giới trí thức và công tác khoa học kỹ thuật.

 

Năng lực là một khái niệm đa nghĩa và nhiều cấp độ. Người đảng viên không chỉ là con người hành động một cách chủ động, mà còn phải có năng lực làm việc, năng lực tổ chức quản lý, năng lực giáo dục quần chúng, năng lực tổng kết thực tiễn, năng lực giao tiếp, đối thoại, tranh luận một cách dân chủ và có văn hóa. Những năng lực đó không có sẵn, không hình thành tự động, ngẫu nhiên mà là kết quả của rèn luyện, học hỏi, tích lũy. Xuyên suốt tất cả những năng lực đó là năng lực phê phán, tự phê phán, sự nhạy cảm, khả năng điều chỉnh và thích ứng để thường xuyên tự đổi mới theo đúng quy luật. Yêu cầu này cần thiết cho mọi đảng viên. Nó càng đặc biệt cần thiết đối với các đảng viên ở các cương vị lãnh đạo, nhất là lãnh đạo cao cấp. Năng lực của người đảng viên ở cương vị này là năng lực chiến lược, chung đúc trong đó cả tri thức, kinh nghiệm, bản lĩnh chính trị, tài tổ chức và thuyết phục. Đáp ứng đầy đủ những yêu cầu về năng lực đó đối với các đảng viên và toàn Đảng là một yêu cầu đặc biệt đối với Đảng lúc này.

 

VỀ PHẨM CHẤT ĐẠO ĐỨC, LỐI SỐNG, PHONG CÁCH

 

Để thúc đẩy công cuộc đổi mới tới những bước tiến và kết quả cụ thể theo quan điểm thực tiễn, cần phải tổ chức việc giáo dục đạo đức trong Đảng và trong xã hội sao cho mỗi người thấm nhuần sâu sắc rằng, đạo đức mới của những người tham gia đổi mới xã hội là đạo đức hành động, đạo đức trong lao động, trong công việc, trong quan hệ với con người, trong đấu tranh khắc phục mọi tệ nạn tha hóa để hướng tới sự cao đẹp, hướng tới việc lành mạnh hóa các quan hệ xã hội.

 

Đối với người đảng viên, chí phấn đấu cho cá nhân trở nên lương thiện, giữ gìn phẩm chất cá nhân cho trong sạch là chưa đủ và chưa thể hiện tính tiên phong gương mẫu. Người đảng viên không thể là người đứng ngoài cuộc đấu tranh loại trừ cái ác, thờ ơ và lảng tránh trước sự hoành hành của cái ác trong đời sống. Đạo đức hành động đòi hỏi ở họ dũng khí trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, độc đoán, chuyên quyền, ức hiếp quần chúng; bảo vệ sự thật, chân lý, lẽ công bằng và các giá trị dân chủ xã hội vì lợi ích công dân và vì lợi ích chung của xã hội. Dũng khí đó phải biểu hiện trong đấu tranh bảo vệ sự trong sạch, vững vàng của Đảng, uy tín của Đảng đối với xã hội; đồng thời, còn biểu hiện trong đời sống chính trị - xã hội, gắn liền mật thiết với các sinh hoạt của nhân dân, của xã hội, tích cực bảo vệ pháp luật, kỷ cương, an ninh trật tự, luân lý đạo đức, văn hóa tinh thần và lối sống lành mạnh của từng gia đình, từng tập thể đến toàn xã hội.

 

Không thể được coi là người có đạo đức, là người xứng đáng với danh hiệu đảng viên nếu người đó chỉ làm tròn nhiệm vụ, bổn phận của mình trong cơ quan, trong tập thể chi bộ, đảng bộ ở nơi làm việc, nhưng lại thờ ơ với các sinh hoạt công dân ở địa phương, trước hết ở nơi cư trú. Càng chưa thể có đạo đức, nếu như mỗi đảng viên không góp phần vào việc hình thành dư luận xã hội tích cực, phê phán cái tiêu cực, cái ác, cái xấu đang diễn ra hằng ngày trong đời sống xã hội. Trong thực tế, có thể xảy ra những trường hợp và tình huống sau đây: Đảng viên không vi phạm pháp luật, nhưng không bộc lộ thái độ, quan điểm mang tính phê phán đối với những hiện tượng phạm pháp hay lợi dụng kẽ hở trong quản lý của nhà nước để làm điều sai trái; đảng viên không phạm pháp nhưng không hành động, không đấu tranh với các hành vi phạm pháp, giữ an toàn cho riêng mình, nhưng để mặc nhiên diễn ra sự tổn hại cho công dân khác, cho xã hội; đảng viên sống lương thiện, nhưng không đủ dũng khí đấu tranh với mọi sự bất lương. Những biểu hiện đó, tuy là giữ được mình nhưng lại thiếu tính chiến đấu cách mạng, có thể gọi là tình trạng bạc nhược về chính trị và đạo đức, ích kỷ trong nhân cách.

 

Ở mức độ nặng hơn, lại có những cán bộ, đảng viên, thậm chí cả tổ chức đảng đứng ra bao che cho những hành vi tội lỗi, không ngăn cản mà còn tham gia vào những hành động tự phát, manh động, vô chính phủ của quần chúng do bị kích động hoặc kém giác ngộ. Lại có những trường hợp đảng viên hoặc tổ chức cơ sở đảng tê liệt, mất ý chí chiến đấu, phó mặc cho hoàn cảnh điều khiển khi những phần tử xấu xuyên tạc, công kích, bôi nhọ Đảng và chế độ. Thái độ dung túng, bao che hoặc đồng lõa, cũng như thái độ im lặng, bất động như vậy là vô tình hoặc cố ý đồng lõa với tình trạng suy thoái đạo đức, tinh thần.

 

Tình hình đó cho thấy, để hình thành những lớp đảng viên có đạo đức tương xứng với yêu cầu đổi mới, phải tiến hành hết sức công phu, tỉ mỉ việc giáo dục đạo đức và rèn luyện các tính cách đạo đức thông qua việc làm, hành động; mà việc kiểm tra, đánh giá những hoạt động đó không chỉ bằng các phương pháp và nguyên tắc của tổ chức Đảng mà bằng cả sự giám sát của toàn dân.

 

VỀ QUAN HỆ VỚI QUẦN CHÚNG NHÂN DÂN LAO ĐỘNG

 

Đảng ta đã xác định chế độ chính trị của nước ta là chế độ làm chủ của nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng; sức mạnh vô địch của Đảng là mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng nhân dân. Đảng chủ trương phát huy dân chủ, coi dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc đổi mới. Mỗi đảng viên, trước hết đảng viên là cán bộ lãnh đạo, có chức có quyền, phải tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của dân, chăm lo đời sống hằng ngày của quần chúng, tìm hiểu nguyện vọng và lắng nghe ý kiến của quần chúng, giúp đỡ quần chúng khi gặp khó khăn, kiên quyết đấu tranh chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh, gia trưởng, độc đoán, đặc quyền đặc lợi, trù dập ức hiếp quần chúng và mọi hành vi vi phạm quyền làm chủ của dân. Đây là một vấn đề hết sức quan trọng, một yêu cầu rất cần thiết đối với người đảng viên trong điều kiện Đảng lãnh đạo chính quyền. Nó quyết định sự tín nhiệm của nhân dân đối với đảng viên. Không phải ngẫu nhiên khi còn sống, Bác Hồ luôn luôn quan tâm đến vấn đề này, nói nhiều về vấn đề này. Người thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, trau dồi quan điểm và thái độ đúng đắn đối với quần chúng, coi việc tôn trọng quần chúng, học hỏi quần chúng, có quan hệ mật thiết với quần chúng là một vấn đề thuộc về phẩm chất, tư cách, đạo đức của đảng viên.

 

Đương nhiên, trong quá trình phát huy dân chủ, phải chống thái độ theo đuôi quần chúng, mị dân, dân chủ hình thức, dân chủ cực đoan. Dân chủ phải đi đôi với kỷ luật và pháp luật. Dân chủ không có nghĩa là tự do vô tổ chức, vô chính phủ.

 

Những vấn đề chủ yếu nêu trên không phải chỉ là biểu hiện hợp thời cuộc trong tiêu chuẩn của đảng viên, là yêu cầu đặc biệt về năng lực hoạt động chính trị - thực tiễn của người đảng viên, mà còn là sự khẳng định về bản lĩnh chính trị, về ý thức đạo đức, về năng lực vận động quần chúng, về phương pháp và phong cách công tác của người đảng viên trong điều kiện mới và tình hình mới.            

 

Giáo sư - tiến sĩ VŨ VĂN HIỀN - (VOV)

Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek