Thứ Năm, 03/10/2024 13:32 CH
Bài học giành và giữ chính quyền cách mạng
Thứ Ba, 31/08/2010 09:00 SA

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cuộc cách mạng to lớn và triệt để nhất trong lịch sử nước nhà. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cả nước ta đã anh dũng đứng lên đấu tranh, tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa trên cả nước, lật đổ chế độ thống trị hàng nghìn năm của nhà nước phong kiến, chế độ đô hộ hàng trăm năm của thực dân Pháp, bọn phát xít Nhật, giành chính quyền về tay nhân dân, thành lập nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

 

nambo100831.jpg

Khởi nghĩa cướp chính quyền ở Sài Gòn tháng 8/1945 - Ảnh: T.LIỆU

 

Để giành chính quyền, nhân dân ta đã liên tục đứng lên đấu tranh anh dũng chống lại ách đô hộ, áp bức bóc lột của bọn thực dân và phong kiến tay sai, tiến hành nhiều cuộc khởi nghĩa: Phong trào Cần Vương năm 1885, Khởi nghĩa Yên Thế năm 1984-1903, Phong trào Đông Du năm 1905, Khởi nghĩa Yên Bái năm 1929… Mặc dù lãnh tụ các phong trào rất thương dân, có ý chí phục hưng đất nước, tuy vậy, họ lại chưa tìm ra con đường cứu nước đúng đắn nhằm phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng rộng lớn trên cả nước để giành lại chính quyền.

 

Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Đảng đã đề ra Chính cương và đường lối cách mạng đúng đắn, trong đó khẳng định rõ: Đảng là đội tiên phong của giai cấp, Đảng chủ trương tiến hành cuộc cách mạng tư sản dân quyền và thổ địa cách mạng, để đi tới xã hội cộng sản. Nhiệm vụ của cách mạng là: Đánh đổ đế quốc Pháp và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc, thành lập chính phủ công nông binh. Để hoàn thành mục tiêu chiến lược, Đảng đã thu phục được đại đa số dân cày và dựa chắc vào dân nghèo, liên hệ với tiểu tư sản, trí thức và trung nông…

 

Mặc dù bị kẻ thù kìm kẹp và đàn áp rất dã man, nhưng nhân dân Việt Nam vẫn tin Đảng, hướng về cách mạng, quyết tâm vùng lên đấu tranh giành độc lập. Mở đầu là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931, đến cuộc vận động dân chủ năm 1936-1939, nhất là Cao trào giải phóng dân tộc năm 1939-1945. Đặc biệt là cuộc Cách mạng Tháng Tám, Đảng đã đánh giá đúng tình hình trong và ngoài nước: Bên ngoài Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, chủ nghĩa phát xít bị đánh bại; trong nước Nhật - Pháp bắn nhau, chính quyền tay sai rệu rã... Nắm thời cơ, Đảng ta đã phát động cuộc Tổng khởi nghĩa vũ trang để giành chính quyền về tay nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng sức mạnh đấu tranh của quần chúng, chỉ trong vòng hai tuần lễ, từ ngày 14/8 đến 28/8/1945, nhân dân ta đã đồng loạt vùng lên đấu tranh giành chính quyền trên cả nước. Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền trên cả nước.

 

Nhà nước cộng hòa non trẻ vừa ra đời, thay vì công cuộc tái thiết đất nước, thì nhân dân ta lại phải đối phó với cả thù trong và giặc ngoài. Bên ngoài, phía Bắc 20 vạn quân Tưởng kéo vào, phía Nam là quân Anh - Ấn. Với danh nghĩa là lực lượng đồng minh vào để giải giáp quân đội Nhật, thì ngược lại chúng lại cấu kết chặt chẽ với nhau, đốc thúc lực lượng phản động trong nước nổi dậy chống phá, nhằm tiêu diệt Đảng Cộng sản, phá tan Việt Minh, hòng xâm lược nước ta một lần nữa. Bên trong, lực lượng Việt quốc và Việt cách được lực lượng bên ngoài hậu thuẫn đẩy mạnh hoạt động chống phá, đánh chiếm một số địa bàn quan trọng ở Yên Bái, Vĩnh Yên, Móng Cái... Sự ủng hộ và giúp đỡ quốc tế với cách mạng nước ta chưa nhiều, kinh tế nghèo, kho bạc trống rỗng, sản xuất ngưng trệ, hạn hán kéo dài, hơn hai triệu dân vừa bị chết đói. Tệ nạn do chế độ cũ để lại hoành hành, hơn 90% dân số bị mù chữ… Tình hình đất nước đứng trước muôn vàn khó khăn, chính quyền cách mạng đứng trước tình thế ngàn cân treo sợi tóc.

 

Thực hiện đường lối, chiến lược và sách lược đấu tranh cách mạng do Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội tháng 8/1945 đề ra, ngày 25/11/1945, Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị “kháng chiến, kiến quốc”, phương châm hành động của nhân dân ta lúc này là: Dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết. Nhiệm vụ của cách mạng là: Củng cố chính quyền, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân. Trong đó, nhiệm vụ bảo vệ và củng cố chính quyền cách mạng là nhiệm vụ bao trùm. Đúng như Chủ tịch Hồ Chi Minh nói: Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền lại càng khó hơn. Để bảo vệ chính quyền cách mạng, chủ trương của Đảng là: Mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng nền dân chủ cộng hòa và hệ thống chính quyền nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang, đẩy mạnh sản xuất, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, khôi phục nền văn hóa và giáo dục, đấu tranh làm thất bại âm mưu xâm lược và phá hoại của kẻ thù. Sách lược đấu tranh lúc này cần mềm dẻo và khôn khéo, theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; với quyết tâm chiến lược “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.         

 

 Có đường lối, chủ trương và phương hướng đấu tranh cách mạng đúng đắn của Đảng, quyết tâm kháng chiến kiến quốc và đoàn kết một lòng của toàn dân, lại được vận dụng sáng tạo vào thực tiễn đấu tranh cách mạng, nhân dân ta đã vượt qua khó khăn, xây dựng và bảo vệ thành công chính quyền cách mạng trên cả nước. Đây là nhân tố quyết định để ta tiến hành thành công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

 

Ngày nay, Tổ quốc ta hòa bình, cả nước đang đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, mở rộng quan hệ và hợp tác quốc tế để xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Nhưng các thế lực thù địch lại đang đẩy mạnh chống phá nước ta trên nhiều lĩnh vực, nhất là âm mưu diễn biến hòa bình và bạo loạn lật đổ. Kẻ thù triệt để tận dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, các vấn đề do lịch sử để lại, mức sống chênh lệch giữa các giai tầng, vùng miền, thiếu sót trong thực hiện chủ trương và chính sách của Đảng… kích động, lôi kéo, mua chuộc cán bộ, quần chúng, tập hợp lực lượng, dựng ngọn cờ, đẩy mạnh chống phá. Mục đích của chúng là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Bên cạnh đó, nhân dân ta còn đang ra sức khôi phục sản xuất do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lo đối phó với thảm họa do thiên nhiên và môi trường gây ra… 

 

Bài học thành công trong xây dựng và bảo vệ chính quyền thời kỳ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 rất cần được nghiên cứu vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở thời kỳ mới. Trước hết, chúng ta cần nghiên cứu, thảo luận và nhận thức rõ cương lĩnh, đường lối, chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng. Trong đó, phải giữ vững, tăng cường và nâng cao hiệu lực lãnh đạo của các tổ chức đảng, nhất là năng lực hoạch định đường lối, chủ trương, phương hướng, chiến lược xây dựng địa phương và đất nước, giữ vững ngọn cờ độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Củng cố ngày càng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân, nhất là đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo, vùng miền trên lãnh thổ Tổ quốc, đồng bào ta ở nước ngoài. Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế đa phương hóa đa dạng hóa, theo quan điểm Việt Nam là bạn là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế. Đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nền kinh tế tri thức, cơ cấu lại sản xuất, phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện phát triển nhanh và bền vững. Phát triển văn hóa, giáo dục phải lấy phát triển con người là trung tâm, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Cùng với phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội, chúng ta cần gắn chặt với tăng cường sức mạnh quốc phòng và an ninh, trong đó cần nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố ngày càng vững chắc nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Đây là cơ sở để ta xây dựng và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, chế độ và Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.  

 

(QĐND)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek