Trước Cách mạng Tháng Tám ở xã Xuân Sơn đã có Đoàn thanh niên nghĩa dũng đoàn, một tổ chức yêu nước và tiến bộ, do đồng chí Nguyễn Tô Sâm lãnh đạo.
Lúc đầu tổ chức của Đoàn thanh niên nghĩa dũng có khoảng 50 đoàn viên, hoạt động ở Phú Vang, sau phát triển rộng khắp trong toàn xã. Đoàn thanh niên nghĩa dũng đã vận động quần chúng học chữ quốc ngữ ban đêm, vừa xóa nạn mù chữ, vừa tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho nhân dân trong xã. Chỉ riêng ở Phú Vang, Đoàn thanh niên nghĩa dũng đã tổ chức được 6 lớp học, thu hút hầu hết nam nữ thanh niên theo học.
Ở Xuân Sơn còn có tổ chức thanh niên Phan Anh. Ta đã chuyển tổ chức này thành nơi tập hợp những thanh niên yêu nước và tiến bộ, chống lại thuyết “Đại Đông Á” và những chính sách khác của bọn phát xít Nhật. Người đứng ra lãnh đạo tổ chức này là đồng chí Nguyễn Ngọc Cầu, một đảng viên của Chi bộ Xuân Long, hoạt động trong thời kỳ 1930-1931, bị đứt liên lạc với tổ chức Đảng từ sau đợt khủng bố trắng của thực dân Pháp vì bị tù, nhưng với tinh thần dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm của một đảng viên trước Đảng, đồng chí đã chủ động thực hiện thắng lợi những chủ trương, chính sách của Đảng ở một địa bàn mà những đảng viên chưa nhận được sự lãnh đạo của tổ chức Đảng cấp trên.
Đầu tháng 4/1945, đồng chí Hoàng Văn Phúc (Xuân) sau khi vượt ngục từ nhà tù Buôn Ma Thuột, được cấp trên phân công về phụ trách khu vực Đồng Xuân, bắt liên lạc với hai tổ chức thanh niên của đồng chí Nguyễn Tô Sâm và Nguyễn Ngọc Cầu.
Để phù hợp với yêu cầu cách mạng, đồng thời để có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, về mặt tổ chức, đồng chí phái viên của Tỉnh ủy chọn những thanh niên tích cực của hai tổ chức thanh niên yêu nước thành lập Đoàn Thanh niên cứu quốc. Đây không đơn thuần là sự thay đổi tên gọi của một tổ chức mà thật sự là một sự đổi mới cả hình thức lẫn nội dung của một tổ chức đoàn thể cách mạng. Trước khi có sự cải tổ này, các đồng chí Hoàng Văn Phúc, Nguyễn Ngọc Cầu, Nguyễn Tô Sâm đã tuyên truyền, phổ biến Điều lệ Việt Minh đến từng thanh niên yêu nước. Tiếp theo việc thành lập Đoàn Thanh niên cứu quốc, Đội dân quân tự vệ cũng được xây dựng. Đầu năm 1945, Xuân Sơn đã có Đội quân tự vệ, tuy còn bé nhỏ nhưng là lực lượng nòng cốt trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trên địa bàn xã mấy tháng sau đó.
Phong trào cách mạng ở Phú Yên ngày càng phát triển mạnh mẽ. Ngày 20/8/1945, quần chúng cách mạng biểu tình vũ trang thị uy tại tỉnh lỵ Sông Cầu và ngày 21/8/1945 tổ chức biểu tình tại huyện lỵ Đồng Xuân. Hoảng sợ trước phong trào cách mạng của quần chúng, tri huyện Đồng Xuân Mai Đắc Kỷ đã xin gặp đại diện của Việt Minh là Nguyễn Hoằng, hứa hẹn ủng hộ cách mạng.
Ngày 23/8/1945, Tỉnh ủy lâm thời và Ủy ban Việt Minh tỉnh nhận được lệnh tổng khởi nghĩa của Trung ương. Sau khi họp nhận định tình hình, thảo luận kế hoạch và bầu ra Ủy ban Khởi nghĩa, Tỉnh ủy lâm thời và Ủy ban Việt Minh tỉnh phát lệnh khởi nghĩa ngay trong đêm 23/8/1945.
Lệnh khởi nghĩa vừa phát ra, khắp nơi trong tỉnh nhiệt liệt hưởng ứng. Tại Xuân Sơn, các đồng chí Nguyễn Tô Sâm, Nguyễn Ngọc Cầu đã tập hợp lực lượng Đoàn Thanh niên cứu quốc và Đội dân quân tự vệ, chuẩn bị phối hợp với Đoàn Thanh niên cứu quốc La Hai, kéo về cướp chính quyền ở tỉnh lỵ Sông Cầu.
Ngày 24/8/1945, khi đoàn biểu tình vừa đến Dốc Găng thì nghe tin lực lượng tại chỗ cùng với các vùng nông thôn phụ cận của tỉnh lỵ đã khởi nghĩa và giành được thắng lợi. Bọn phát xít Nhật trong khi tháo chạy đã bắn vào đoàn biểu tình, làm bị thương anh Nguyễn Nhì. Tuy nhiên đoàn biểu tình vẫn tiếp tục tiến về tỉnh lỵ tham dự mít tinh, nghe Ủy ban Mặt trận Việt Minh và Ủy ban Khởi nghĩa phổ biến chính sách của cách mạng.
Sau cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh, đồng chí Nguyễn Ngọc Cầu nhận nhiệm vụ Thư ký, đồng chí Nguyễn Tô Sâm là Ủy viên Ủy ban Việt Minh tổng Xuân Đài (tức Xuân Sơn) trực tiếp lãnh đạo công việc giành chính quyền trong toàn tổng.
PHAN THANH