Thứ Ba, 26/11/2024 18:38 CH
Hòa Đa - nơi đứng chân của Tỉnh ủy Phú Yên trong Cách mạng Tháng Tám
Thứ Hai, 16/08/2010 07:26 SA

Đầu năm 1945, phong trào Việt Minh ở Tuy Hòa phát triển khá mạnh. Đồng chí Nguyễn Thái (quê ở Quảng Ngãi), hoạt động trong tổ chức Việt Minh, xây dựng một hiệu làm đồ gỗ tại đầu cầu Ông Chừ, Tuy Hòa, lấy tên hiệu “Thái Hoa”, được đồng chí Trần Hoa, quê ở Hòa Đa, xã An Mỹ giúp vốn chuyên đóng tủ, đóng bàn ghế và các tiện nghi sinh hoạt. Đồng chí Nguyễn Thái bí mật tuyên truyền cách mạng trong thanh niên.

 

Đồng chí Nguyễn Thái móc nối với đồng chí Trần Xứng (quê ở Hòa Đa, xã An Mỹ) dựng trại thợ mộc ở chợ Bầu Súng, lấy tên là trại thợ mộc Thái Hoa. Nhân dân quanh vùng thường gọi đồng chí Nguyễn Thái là thợ Sáu. Tại đây, đồng chí móc nối với những anh em trí thức, thợ thủ công, nông dân tiếp tục hoạt động cách mạng. Về Hòa Đa, đồng chí Nguyễn Thái tổ chức một Chi đoàn thanh niên cứu quốc gồm có: Trần Hoa, Lê Duy Hinh và đồng chí Tâm do đồng chí Trần Hoa làm Thư ký.

 

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Dưới chiêu bài mị dân: “cùng nòi giống da vàng”, bọn Nhật đã thả tù chính trị ở các nhà lao: Trà Kê, Ban Ma Thuột… Được sự chỉ đạo của ban lãnh đạo nhà tù, các đồng chí Trương Kiểm (An), Lê Cấp (Mẫn), Hoàng Văn Phúc (Xuân); Đoàn Viết Sơ (Sửu) về Phú Yên hoạt động, gây dựng lại phong trào cách mạng. Ở An Mỹ còn có đồng chí Nguyễn Trung Mai ở nhà tù Trà Kê về hoạt động. Sau khi về Phú Yên, đồng chí Trương Kiểm liên lạc với đồng chí Nguyễn Thái. Nhờ quần chúng ở thôn Hòa Đa xã An Mỹ giúp đỡ các đồng chí Trương Kiểm, Nguyễn Thái nhanh chóng xây dựng lại phong trào, tuyên truyền giác ngộ lý tưởng cách mạng cho các thanh niên yêu nước ở An Mỹ như Lê Duy Hinh, Lê Duy Tường, Phạm Tú, Nguyễn Tân, Trần Hoa, Trần Xứng, Nguyễn Thạch Sơn, bí mật vận động thanh niên trong các thôn tham gia tổ chức Việt Minh, chuẩn bị cho ngày tổng khởi nghĩa.

 

Đồng chí Nguyễn Thái bàn bạc với đồng chí Trần Xứng tìm mua máy đánh chữ để tại nhà đồng chí Trần Hoa, dạy đồng chí Nguyễn Nặc (Tân) và Trương Kim Sanh đánh máy chữ, in đông sương các tài liệu tuyên truyền của Việt Minh. Việc in ấn, đánh máy lúc này kỹ thuật còn hết sức thô sơ nên chưa thể đáp ứng đầy đủ được yêu cầu phân phát tài liệu cho các tổng trong phủ Tuy An. Đồng chí Nguyễn Thái vận động đồng chí Lê Duy Tường viết tay các điều lệ Việt Minh và sơ đồ tổ chức Việt Minh. Các đồng chí tích cực tổ chức gây dựng phong trào Việt Minh trong các thôn xóm, tuyên truyền và vận động những thanh niên tiến bộ vào Mặt trận Việt Minh, xây dựng các tổ Việt Minh ở các làng Phú Long, Hòa Đa, Giai Sơn, Phú Hòa v.v…

 

Tháng 6/1945, để mở rộng phong trào Việt Minh ra các làng phía Bắc phủ Tuy An, đồng chí Trương Kiểm cùng đồng chí Lê Duy Tường ra Ngân Sơn gặp các bạn thân như Nguyễn Bảo, Nguyễn Thức, Nguyễn Ân… của đồng chí Lê Duy Tường để vận động họ vào Mặt trận Việt Minh.

Giữa tháng 7/1945 đồng chí Trương Kiểm lãnh đạo nhân dân trong các làng thuộc tổng An Vinh kéo về sân vận động Hòa Đa để biểu tình thị uy, biểu dương lực lượng. Tại các cuộc biểu tình thị uy này, đồng chí Trương Kiểm, Nguyễn Thái, Lê Duy Hinh đứng lên diễn thuyết, lên án sự áp bức bóc lột của thực dân Pháp; âm mưu cướp nước ta của bọn Nhật; vai trò của Việt Minh trong việc đánh Pháp, đuổi Nhật, giành độc lập.

 

Để kịp thời lãnh đạo nhân dân, đánh đổ ách thống trị của phong kiến thực dân, đầu tháng 7/1945, tại nhà ông Cộng Tiếu, làng Hòa Đa, tổng An Vinh, phủ Tuy An, các đồng chí Trương Kiểm, Nguyễn Thái, Hoàng Văn Phúc, Đoàn Viết Sơ, Lê Cấp thành lập Tỉnh ủy lâm thời. Đồng chí Trương Kiểm được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

 

Tỉnh ủy chủ trương

 

- Tập trung tuyên truyền giác ngộ quần chúng đứng lên đánh Pháp, đuổi Nhật.

 

- Tổ chức rộng khắp mạng lưới Việt Minh trong các thôn xóm.

 

- Vận động nhân dân tiến hành các cuộc biểu tình vũ trang thị uy nhằm nâng cao ý chí cách mạng cho quần chúng, chuẩn bị tinh thần đấu tranh, khi có thời cơ đứng lên giành chính quyền.

 

Cơ quan Tỉnh ủy lâm thời đóng tại Hòa Đa. Được sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Thái, các đồng chí Trần Hoa, Trần Xứng, Lê Duy Hinh, Lê Duy Tường, Phan Hưng gấp rút chuẩn bị công tác khởi nghĩa giành chính quyền. Các đồng chí về từng làng thuộc tổng An Vinh vận động anh em, bè bạn, những người thân có tư tưởng tiến bộ tham gia Mặt trận Việt Minh. Các tài liệu như thư hiệu triệu đồng bào cả nước đứng lên giành độc lập tự do của Bác Hồ, các chỉ thị của Mặt trận Việt Minh… được gấp rút in đông sương tại nhà đồng chí Trần Đã gởi cho các làng trong phủ Tuy An.

 

Ngày 18/8/1945 và các ngày sau đó dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, nhân dân phía nam phủ Tuy An gồm các làng thuộc tổng An Vinh rầm rộ kéo về sân vận động Hòa Đa biểu tình thị uy giành chính quyền. Tại sân vận động Hòa Đa, mọi người lắng nghe đồng chí Nguyễn Thái, Huỳnh Lưu, Lê Duy Hinh diễn thuyết: “Trải qua một thời gian dài, suốt 80 năm, đồng bào ta đã cực khổ vì sự bóc lột dã man của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Đồng bào ta phải sống trong cảnh một cổ hai tròng, chịu sự lừa bịp trắng trợn của bọn Nhật với thuyết “Đại Đông Á”, “Giống da vàng”. Đó chỉ là những âm mưu thâm độc của bọn chúng. Mặt trận Việt Minh ra đời và lãnh đạo nhân dân ta đứng lên giành chính quyền từ thực dân Pháp và phát xít Nhật, tổ chức đó thực sự đại diện cho quyền lợi của đồng bào ta. Đồng bào hãy một lòng, một dạ ủng hộ Mặt trận Việt Minh.

 

Các đại biểu vừa nói dứt lời, tiếng hô khẩu hiệu vang dậy:

 

- Đả đảo phát xít Nhật, đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim!

 

- Việt Nam độc lập muôn năm!

 

- Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!

 

- Nhiệt liệt ủng hộ Chính phủ Cách mạng lâm thời Hồ Chí Minh!... v.v….

 

Đoàn biểu tình tiến về từng làng để biểu dương lực lượng, vừa đi vừa hô vang các khẩu hiệu. Trước khí thế của nhân dân, bọn chánh tổng, phó tổng hết sức run sợ, nhiều tên vội vàng mang sắc phong, đồng triện đến giao nộp cho chính quyền cách mạng. Giành được chính quyền tại tổng An Vinh, đồng chí Trương Kiểm (tức An) tiếp tục lãnh đạo đồng bào phía Bắc phủ Tuy An giành chính quyền. Đồng chí Nguyễn Thái được phân công đến ngục Trà Kê chỉ huy phá trại giam. Đội tự vệ của tổng An Vinh được thành lập với quân số trên 200 người, trang bị vũ khí thô sơ như dao, gậy, lưỡi lê tiến vào TX Tuy Hòa chi viện cho nhân dân thị xã giành chính quyền.

 

Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời ở các làng được thành lập, làng Hòa Đa do đồng chí Phan Hưng làm Chủ tịch, làng Phú Hòa do đồng chí Lê Duy Tường làm Chủ tịch. Đồng chí Lê Duy Hinh làm Chủ tịch tổng An Vinh, đồng chí Trần Xứng làm Phó chủ tịch tổng, đồng chí Nguyễn Nặc (tức Tân) làm Thư ký tổng An Vinh.

 

PHAN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek