Trong hai ngày (16 - 17/8), tại TP Tuy Hòa, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội tổ chức Hội thảo Đánh giá việc chấp hành Luật Ngân sách Nhà nước giai đoạn 2004-2010 định hướng sửa đổi, bổ sung hoàn thiện.
Tham dự hội thảo có các đồng chí Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, Giám đốc dự án Tăng cường năng lực quyết định và giám sát ngân sách của các cơ quan dân cử Việt Nam; Trịnh Huy Quách, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội; và Marcia Monge, Cố vấn các dự án của Quốc hội. Phía tỉnh Phú Yên có các đồng chí: Phạm Đình Cự, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Thị Nga, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Thanh Tra, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa.
Hội thảo tập trung chín chuyên đề xoay quanh việc đánh giá tình hình thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước giai đoạn 2004-2010. Những vấn đề đặt ra và đề xuất kiến nghị sửa đổi. Đánh giá tình hình thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước giai đoạn 2004-2010, trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo và lĩnh vực y tế… Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Phạm Đình Cự, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đánh giá cao việc Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức hội thảo này tại Phú Yên.
Đây là diễn đàn để các cơ quan của Trung ương và địa phương có dịp trao đổi, phân tích, đánh giá kết quả thực hiện, những vướng mắc phát sinh và tham gia ý kiến cùng với cơ quan soạn thảo sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Ngân sách Nhà nước.
Theo đồng chí Trịnh Huy Quách, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội: Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002 đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 16/12/2002, có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2004. Đây là đạo luật quan trọng trong hệ thống pháp luật về tài chính của nước ta. Trong quá trình thực hiện, Luật Ngân sách Nhà nước đã phát huy tích cực, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách, nâng cao tính minh bạch, công khai; tính chủ động và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân…
Tuy nhiên, qua 6 năm thực hiện, trước yêu cầu của sự phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, một số điều, khoản của Luật Ngân sách Nhà nước đã không còn phù hợp. Quá trình đổi mới, hội nhập với nền kinh tế thế giới đang ngày càng sâu rộng; kinh tế thế giới có những biến động phức tạp, khó lường, các thiết chế và thể chế quản lý nhà nước đang ngày càng hoàn thiện… đang đặt ra những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới.
HOÀI