Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, bộ đội, cán bộ đều chuyển ra vùng tập kết ở Giao Trì-Quy Nhơn (Bình Định), còn lại một số công nhân viên chức và đảng viên phải đổi vùng hoặc trở về gia đình sống hợp pháp. Riêng đối với tôi, tuy là “ngoại lai” nhưng đã công tác vùng dân tộc miền Tây Phú Yên từ tháng 9/1946, đáng lẽ được đi tập kết về thăm quê và xây dựng gia đình mới phải! Thế nhưng, trong bối cảnh tình hình địa phương cực kỳ phức tạp, cán bộ chỉ đạo huyện, tỉnh một số sa vào tay địch, đại bộ phận chạy ra vùng tập kết chuẩn bị xuống tàu. Cán bộ địa phương lúc bấy giờ ở mỗi huyện chỉ còn lại vài ba đồng chí, ở tỉnh bốn năm cán bộ nhân viên văn phòng sót lại chạy lên buôn Ma Tí, xã Cà Lúi (Sơn Hòa). Cơ quan Tỉnh ủy lo công tác tập kết ở Giao Trì quyết định tôi xoi đường đưa đồng chí Lê Đài, Bí thư Tỉnh ủy và số cán bộ văn phòng ra vùng tập kết nghe đại diện Khu ủy V truyền đạt nghị quyết. Khi hoàn thành nhiệm vụ trên giao, Thường vụ Tỉnh ủy quyết định giữ tôi ở lại, không cho tôi đi tập kết.
Đồng chí Cao Xuân Thiêm (bìa phải) và Đoàn cán bộ vật tư chi viện Khu Nam Trung bộ tham gia chiến dịch Tây Nguyên 10/3/1975 |
Thế là một ủy viên ban cán sự khu B (miền Tây) trở thành một giao liên viên chuyên trách đường dây bí mật từ Phú Yên ra đường dây bí mật Khu và các tỉnh Bình Định, Gia Lai, Đắêk Lắk từ tháng 10/1954 đến 12/1960 khi có Nghị quyết 15 mới được về xuôi. Suốt sáu năm sống một mình giữa rừng núi âm u với chiếc gùi, một tấm ni lông, một chiếc võng vải, một tấm khố và ống quẹt, không có lương, tiền, chỉ bám trụ trong dân nhờ cơ sở, với rau rừng nước suối mà cuộc đời vẫn hồn nhiên thanh thản.
Số cán bộ tỉnh còn lại “nằm vùng” không quá 50 đồng chí. Một tỉnh có diện tích hơn 50.000 km2, có miền núi, có đồng bằng, có biển, gần 30 vạn dân lúc ấy mà chỉ có 50 cán bộ khác gì “muối bỏ biển”, tuy thế, việc ăn ở, đi lại, công tác, quan hệ giao dịch và sinh hoạt hằng ngày của người cán bộ “nằm vùng” hoạt động như “trứng để đầu đũa”.
Cuối tháng 5/1955, để đảm bảo chỉ đạo lâu dài, thông suốt từ tỉnh xuống cơ sở, từ tỉnh ra khu, tỉnh quyết định thành lập bộ phận giao thông liên lạc “bất hợp pháp” do đồng chí Thường trực Tỉnh ủy kiêm Chánh Văn phòng Tỉnh ủy phụ trách.
Tỉnh có tổng trạm, huyện có tổ giao liên hoặc trạm giao liên. Từ tổng trạm đến các trạm huyện đi một ngày đường, ra trạm Ma Dú - Ma Choi nối liền với đường dây liên khu cả đi lẫn về mỗi chuyến 6 ngày, mỗi tháng 3 chuyến do đồng chí Thêm đảm nhiệm.
Các đồng chí giao liên rút từ thôn xã lên không có một cô nữ nào mà đến cả trai cũng chỉ có một người.
Đầu năm 1956, được bổ sung thêm mỗi trạm hai người, riêng trạm Ma Choi - Ma Dú 4 người. Sở dĩ tăng thêm người ở trạm Ma Choi - Ma Dú là do cung đoạn đường quá xa, lại là một trạm đầu mối nối liền giữa tỉnh với khu.
Ngoài công tác chuyên môn, đồng chí trạm trưởng tranh thủ thời gian bám địa bàn lãnh đạo quần chúng đấu tranh với địch chống dồn dân, tố cộng.
Giai đoạn ấy, trạm giao liên chính là “điểm hẹn”. Trên thực tế làm gì có nhà, có lán trại! Đêm đến treo chiếc võng lên cành cây nằm ngủ, ban ngày dùng tấm ni long để che mưa che nắng. Gia tài mấy thứ: muối, gạo, bắp, sắn và bộ quần áo bà ba, mấy lưỡi câu cá và cái cà mèn thuồn vào chiếc gùi đan bằng tre rất gọn nhẹ. Hôm nay ở chỗ này, ngày mai ở chỗ khác. Nếu có tài liệu, có hàng, có khách thì cứ dẫn đến “điểm hẹn” giao nhận theo quy định ngày giờ, theo ám tín hiệu.
Bên cạnh tổ chức giao liên “bất hợp pháp” còn mạng lưới “giao liên hợp pháp” bám trụ trong lòng địch. Mạng lưới được rải khắp khu vực, tuyệt đại bộ phận là chị em phụ nữ đảm nhận công việc này. Họ vừa làm nhiệm vụ chuyển tài liệu, dẫn cán bộ đi hoạt động, tiếp tế, vừa nuôi giấu cán bộ trong nhà. Khi xảy ra cuộc đấu tranh, họ làm nòng cốt của phong trào, mặt giáp mặt với quân thù, mạng lưới “giao liên hợp pháp” do chính Bí thư Huyện ủy và Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp nắm sử dụng đơn tuyến. Số cán bộ giao liên “hợp pháp” được lựa chọn theo tiêu chuẩn hết mức chặt chẽ. Nếu giản đơn trong cái thời điểm trời nghiêng đất ngửa này rất dễ “bốc lấy lửa”.
Nhiệm vụ chính của cán bộ giao liên là: xoi đường, bám đường, giữ vững đường dây liên lạc có như vậy mới phục vụ chỉ đạo kịp thời, chính xác, mới đảm bảo đưa đón cán bộ và hàng hóa tài liệu khỏi rơi vào tay địch.
Cơ quan Tỉnh ủy đóng tại khu rừng buôn Ma Nốc phía tây thôn Kỳ Lộ. Muốn qua Tuy Hòa 1 phải vượt con đường chiến lược số 7 (Tuy Hòa - Củng Sơn) lội sông Ba, sông Hinh, băng qua rừng buôn Đức, Hòn Nhọn và cả một hệ thống đồn bốt, ấp chiến lược Tuy Bình, buôn Hai Riêng dày đặc bọn biệt kích, thám báo… Từ Văn phòng Tỉnh ủy ra trạm đầu mối đường dây tỉnh với đường dây liên khu chỉ có núi cao, sông sâu, rừng thẳm. Đoạn đường này từ Hiệp định Giơ-ne-vơ trở về trước hình như chưa có dấu chân người lui tới. Con đường bất khuất, con đường sinh ra từ tiếng thét căm hờn vì sự tàn bạo của quân thù. Con đường nhắc nhở một lời nguyền cho đến lúc kết thúc cuộc kháng chiến thắng lợi.
Các đồng chí giao liên thời chống Mỹ trình độ văn hóa còn thấp, kiến thức chuyên môn, nghề nghiệp chưa được trang bị thứ gì nhưng họ đã sáng kiến vạch ra những con đường dọc, con đường ngang hàng trăm cây số, sáng tạo ra nhiều lối đi đúng hướng, xuyên dọc Trường Sơn núi ngàn trùng điệp, không phải chỉ trong phạm vi địa phương mà vượt ra ngoài phạm vi của tỉnh cũng chỉ có tấm lòng, ý chí cách mạng cái lưỡi dao dài dắt hông chứ có dụng cụ máy móc gì đâu.
Khi mạch máu của cuộc đấu tranh được nối liền và giữ vững, tỉnh đề ra: Kỷ luật về đường dây “thật nghiêm, khẩu hiệu đề ra phải “tránh địch, tránh dân” không đi theo lối mòn của dân đi, kể cả lối mòn của chim thú. Tìm khoảng dốc đứng, núi hiểm, rừng sâu mà đi. Nếu đi đêm chuyển tài liệu hoặc dẫn đường các đồng chí lãnh đạo đi công tác thì phải đem đèn pin nhưng phải bịt kín chừa một lỗ nhỏ chỉ thấy mặt đường. Có những đoạn dốc đứng, gộp nhiều, cây ngã bò lên trụt xuống cũng kiên nhẫn mà đi, nếu bực mình mà la, mà hét thì lộ bí mật.
Mỗi bước là cuộc vật lộn trong rừng sâu. Có những đoạn đường như ở Hòn Bà, Hòn Nhọn, Dốc Phường, ngọn núi La Hiên cao hơn mặt biển hàng ngàn mét, lá rụng ngàn năm đọng lại, một lớp lá rụng là một lớp vắt đông đặc như mộng lúa mới gieo, hễ thoáng hơi người là ngóc đầu dậy như tằm lên ăn, chưa kịp rứt con này hàng chục con khác đã lao tới. Dưới đất có nhiều loại côn trùng như rắn độc, muỗi mòng, bò cạp. Trong rừng đầy thú dữ như voi đàn, cọp beo, gấu…
Về thăm chiến khu xưa Miền Tây Phú Yên 1977 - Ảnh tư liệu của tác giả |
Bước sang mùa mưa, thời tiết đổi thay đột ngột, chúng tôi thường bị sốt, bị cảm cúm mê man, bất tỉnh nằm co rúm trong võng, thiếu cơm, thiếu cháo, không một viên thuốc uống.
Có những khi sau trận mưa rừng, nước nguồn đổ xuống sông, suối dâng cao đột ngột, nước chảy xiết không có cách nào vượt qua bờ bên kia. Không lẽ để đọng lại những gói công văn hỏa tốc, chúng tôi đành “liều mạng” tìm cách gặp dân làng, nhờ họ cột cho một sợi dây từ gốc cây bên này sông qua gốc cây bên kia sông để làm tay vịn. Nếu cấp trên phát hiện, có thi hành kỷ luật, chúng tôi cũng đành chịu. Trong những trường hợp như vậy mà cứ chấp hành “nguyên tắc bí mật” một cách máy móc, từ chối gặp gỡ, sự giúp đỡ của dân, không tin dân và không nhờ dân thì đừng hòng làm nên trò trống gì.
Đối với cán bộ giao liên nếu không giữ bí mật, để lộ đường dây, địch theo dõi thì chẳng khác gì “chỉ điểm” cho địch. Nguyên tắc bí mật là sinh mệnh chính trị, thà hy sinh bản thân mình chứ không thể nào làm cho mạch máu giao thông liên lạc bị đứt.
Ngày rồi lại ngày, năm rồi lại năm. Những chiến sĩ giao liên thời ấy có ai nhắc tới, mà cũng không ai nhắc tới làm gì? Anh chị em sống suốt trên đường dây, coi như “biệt tích” với mọi ràng buộc thân thuộc. Có nhiều lần, nhiều đồng chí giao liên suýt chạm trán với bọn gián điệp, mật vụ mò vào rừng, vào rẫy đồng bào bẻ chuối, hái thơm, chỉ cần bóp cò là bọn chúng ngã gục tại chỗ. Có lần, một thằng đón đường hiếp một chị phụ nữ, chúng tôi thương và tức đến sùng gan, nghĩ chỉ cần phóng một lưỡi dao thì thằng ác ôn kia phải đền mạng tức khắc, nhưng nghĩ lại nhiệm vụ giao liên là “bảo vệ bí mật”. Tránh địch là cơ cực mà phải tránh cả dân, tránh cả đường mòn dân đi nữa mới nhức nhối chứ! Nhưng biết làm sao? Vì là “nguyên tắc bí mật” mà! Chỉ loại trừ một vài đồng chí được giao trách nhiệm bám địa bàn, bám dân phát động phong trào, thạo tiếng địa phương, quần chúng hóa sinh hoạt thì mới được quan hệ, tiếp xúc.
Thời kháng chiến, bất cứ đồng chí nào đã làm giao liên lại không ở núi, ở rừng! Sống giữa núi rừng biết bao gian nguy, cái chết bất ngờ thường xuyên rình rập. Ngoài kẻ thù xâm lược còn phải chống chọi với mọi thứ giặc: đói cơm, đói muối, đói thuốc chữa bệnh, đói sách báo, tin tức, thậm chí đói cả dầu và đá lửa để nấu ăn. Bên cạnh cái đói thì cái dốt cũng là một loại giặc do bản thân mình “làm biếng” học hỏi, thiếu điều tra nghiên cứu, không chịu tìm hiểu nắm chắc quy luật hoạt động của rừng núi như sấm sét, giông bão, sạt núi, lở đất, nước lụt sông suối dâng cao đột ngột, ăn ngộ độc… Vì vậy sống ở rừng núi tất nhiên phải hiểu thời tiết, khí hậu từng mùa, từng vùng, hiểu địch, hiểu nhân dân và tự hiểu mình mới sống nổi.
Tuy vậy, sống với vùng rừng núi lâu ngày cũng thành thói quen, cũng có nhiều thú vui riêng của rừng: tâm hồn thanh thản, thoải mái, cởi mở, tính cộng đồng cao, tình người thấm đẫm, cái giả dối khó mà trà trộn vào được. Tức nước phải vỡ bờ, đồng bào miền Tây Phú Yên không chịu nổi sự đàn áp của kẻ địch, được sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, toàn dân xã Thồ Lồ vùng lên diệt ác, thành lập chính quyền tự quản ngày 1/1/1957. Từ đó cho đến khi giải phóng toàn tỉnh, Thồ Lồ vẫn là đường dây giao lưu Bắc -
Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng ra đời năm 1959, tình hình cách mạng miền
Sự nghiệp cách mạng của một địa phương, một ngành ví như đại dương mênh mông, làm sao kể hết được những sự tích anh hùng trong những năm tháng đánh Mỹ. Tôi muốn viết về truyền thống, về sự nghiệp một ngành như ngành Bưu điện, dồn hết tâm trí, hết khả năng cũng chưa phản ánh được một góc con đường, còn quá sơ lược, thế nhưng nếu không kể, không viết sẽ lãng quên theo lớp bụi thời gian. Những lớp người đi trước có trách nhiệm viết, kể cho lớp sau nghe. Chúng ta không chỉ ca ngợi những người anh hùng trong hai cuộc kháng chiến, mà phải ca ngợi và biểu dương những tấm gương tiêu biểu hôm nay và các thế hệ tiếp theo. Nhiệm vụ của các thế hệ sau bao giờ cũng nặng nề không kém hoặc hơn thế hệ trước. Có rất nhiều người dồn cả tinh thần, nghị lực, trí tuệ, tài năng lo cho dân, cho nước. Trong người họ không hề gợn đục, thể hiện chất sống thực của người Việt
VĂN CÔNG