Cuối cùng thì vòng đàm phán cam go nhất giữa Việt Nam và Mỹ về vấn đề gia nhập WTO cũng đã kết thúc. Những chai champagne đã được mở ra. Sau bốn ngày làm việc tới thâu đêm, các nhà đàm phán Việt Nam xứng đáng với một ly rượu mừng.
Đường vào WTO đã rộng mở với Việt Nam sau phiên đàm phán căng thẳng với Hoa Kỳ - Ảnh: VNN |
Cuộc đấu cân não với những chuyên gia hàng đầu thế giới "quanh năm chỉ mỗi một nghề là đi đàm phán" quả thực đã lấy đi của họ khá nhiều sức lực.
Theo VietNamNet, khi phóng viên của báo điện tử này gọi điện cho Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Tâm Chiến, ông hồ hởi: "Chúng tôi vừa mở champagne ăn mừng xong!".
Trái ngược với những giờ phút căng thẳng và gấp gáp trước đây, ông vui vẻ khoe "đang lấy vợt để chuẩn bị đi đánh tennis. Trời đang đẹp lắm!". Vị đại sứ đã có ba đêm gần như không ngủ cùng phái đoàn đàm phán nói ông cần chuẩn bị đầy đủ sức khoẻ để bước vào "trận đấu không kém phần cam go sắp tới": vận động Quốc hội Mỹ thông qua Quy chế Thương mại Bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam.
NHỮNG GIỜ KHẮC CÂN NÃO
Nếu nhớ lại những giờ khắc "mấp mé" bên bờ đổ vỡ vào sáng 12-5, khi mọi dấu hiệu đều cho thấy đàm phán sẽ thất bại, có thể hiểu được tâm trạng nhẹ nhõm của các thành viên trong phái đoàn thương thảo của Việt Nam.
12h đêm 11-5, sau bốn tiếng đồng hồ chờ đợi phía Mỹ hội ý riêng với bà Đại diện Thương mại Susan Schwab, phái đoàn Việt Nam nhận được phản hồi từ Washington với những đòi hòi mà ngay cả giới doanh nghiệp Mỹ cũng nhận xét là "không thể chấp nhận được": Mỹ kéo dài thời gian tới 12 năm đối xử với Việt Nam như là một nước chưa có kinh tế thị trường; áp đặt chế độ hạn ngạch lên hàng dệt may bất cứ khi nào Việt Nam có dấu hiệu bao cấp, trợ giá...
Đoàn đàm phán Việt Nam đã kiên nhẫn thương lượng cho tới gần 4 giờ sáng nhưng kết quả chỉ là một tín hiệu: Đôi bên còn có thể gặp lại vào chiều hôm sau. Một không khí mệt mỏi, căng thẳng và không mấy lạc quan tràn ngập. Những cuộc điện thoại liên tiếp của báo giới từ Hà Nội sang chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối, những câu trả lời xoay quanh thời tiết: trời còn nhiều mây. Những ngụ ý về một vòng đàm phán còn đầy cam go. Chưa ai nhìn thấy và cũng không ai dám đưa ra bất kỳ dự đoán nào về điểm kết thúc.
5h sáng, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển có cuộc điện đàm khẩn về Hà Nội. Ngay lập tức, ông quyết định hủy chuyến bay dự kiến vào sáng hôm sau (12-5) sang Manila dự Hội nghị Bộ trưởng ASEAN và ở lại Washington để chỉ huy cuộc đàm phán cho tới kết quả cuối cùng.
Một nguồn tin gần gũi với đoàn đàm phán nhớ lại, đó gần như là giây khắc quyết định khi thất bại chỉ trong tích tắc nhưng hai bên vẫn gặp nhau vào ngày 12.
Nguồn tin của VietNamNet cho hay, sau cuộc nói chuyện với Hà Nội, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển đã đưa ra những quyết định giúp duy trì động lực đàm phán và lấy lại niềm tin khi hai bên, nhất là phía Việt Nam bắt đầu cảm thấy nản lòng.
"Có những giây phút quyết định mạnh mẽ lại tạo ra đột biến nhưng có những giây phút chần chừ, giữ nguyên trạng lại làm nên thay đổi", đặc phái viên của VietNamNet tại Washington D.C cho biết.
Cuộc đàm phán kéo dài từ 2h 30 giờ chiều ngày 12-5, tức là khoảng 1 giờ sáng ngày 13-5 giờ Việt Nam, sau đó kéo dài đến khuya ngày 12-5 rồi kéo dài sang rạng sáng 13-5 giờ Mỹ. Và cuối cùng vào 3 giờ sáng, đàm phán đã kết thúc.
Nguồn tin trên cũng cho biết, đến ngày 12-5, cuộc đàm phán gần như chỉ còn diễn ra "tay bo" giữa ông Tuyển và ông Karan Bhatia, đại sứ, phó đại diện thương mại Mỹ. Bhatia tuy còn trẻ nhưng đã được coi là một nhà đàm phán quốc tế sừng sỏ của Mỹ
Vào lúc gần nửa đêm, ông Bhatia đồng ý nối máy để cho ông Tuyển thương lượng trực tiếp thông qua thiết bị teleconference với ông Rob Portman, đương kim Đại diện Thương mại Mỹ, người vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc Ngân sách Nhà Trắng. Ông Rob Portman lúc này đang đi công tác ở Ohio.
Tuy những chi tiết cụ thể của thỏa thuận chưa được tiết lộ vì hai bên mới bắt đầu rà soát văn bản ký kết, việc hoàn tất được đàm phán khi mọi chuyện tưởng đã đổ bể là một thành công lớn của phái đoàn đàm phán Việt Nam.
Tính cho đến khi kết thúc, phái đoàn đàm phán Việt Nam đã có bốn ngày đàm phán liên tục, hầu như ngày nào cũng kéo dài quá nửa đêm. Vào hai ngày cuối cùng, các cuộc làm việc chỉ kết thúc khi đồng hồ đã chỉ 3, 4 giờ sáng.
Một nhà quan sát người Mỹ nhận xét: qua vòng thương thảo kịch tính này, các nhà đàm phán Việt Nam đã ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn.
SỰ CỨNG RẮN NGOÀI DỰ ĐOÁN
Trước khi lên đường, lãnh đạo và đoàn đàm phán Việt Nam đã lường trước phiên đàm phán không diễn ra suôn sẻ vì tiến trình thương thảo Việt - Mỹ đang tiến dần về giai đoạn cuối, khi những vấn đề chót thường là gai góc nhất. "Đàm phán với các chuyên gia của Đại diện Thương mại Mỹ, những nhà đàm phán chuyên nghiệp hàng đầu thế giới luôn là một cuộc đấu căng thẳng cả về trí lực và sức lực", ông Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn Đàm phán Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ kể lại.
Tuy nhiên, bầu không khí trước giờ lên đường khá lạc quan. Dù không nói công khai, nhưng trong đoàn đàm phán và ngoài công luận nung nấu hy vọng Việt Nam sẽ đạt được thoả thuận với Mỹ, đối tác cuối cùng trên con đường gia nhập WTO đã kéo dài 11 năm nay của Việt Nam. Khác với trước, khi vé về của các thành viên luôn để ngỏ, lần này, vé ngày về đã được định. Trước khi lên máy bay sang Mỹ để trực tiếp chỉ đạo tại chỗ cuộc đàm phán, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển khẳng định nếu Việt Nam muốn gia nhập WTO trong năm 2006, đàm phán với Mỹ phải hòan tất trong tháng 5 này.
Thế nhưng, sự căng thẳng đã xuất hiện ngay trước giờ hai bên ngồi vào bàn thương lượng. Điểm "vấp" lại rơi vào một vấn đề không ngờ tới: Quyết định 55 của Chính phủ Việt Nam về việc huy động 4 tỷ USD nhằm phát triển ngành dệt may.
Phía Mỹ đã phản ứng gay gắt với Việt Nam, coi đó như một khoản trợ cấp Chính phủ trong dệt may (vốn bị cấm theo các điều khỏan của WTO). Không khí "căng" đến mức, có lúc đàm phán tưởng có thể bị hủy bỏ.
Một chuyên gia từ Mỹ lý giải: không phải đoàn đàm phán Mỹ muốn làm khó gì cho đoàn Việt Nam mà thực sự phía Hoa Kỳ phải chịu sức ép từ khối các nhà sản xuất quần áo của họ.
Ngoài ra, những kinh nghiệm "cay đắng" của người Mỹ trong đàm phán với Trung Quốc cũng làm khó cho Việt Nam.
Bộ trưởng Tuyển đã kiên trì giải thích với phía Mỹ rằng trên thực tế nguồn vốn này được huy động từ mọi nguồn, chủ yếu trong nhân dân để xây dựng các nhà máy dệt may. Với quy mô nhỏ bé của nền kinh tế, Việt Nam không đủ lực để có thể đổ hàng vào thị trường nước Mỹ.
Cuối cùng, Việt Nam đã đồng ý hủy bỏ Quyết định số 55 ngay khi chính thức trở thành thành viên WTO và sẽ ngừng áp dụng các điều khoản trong quyết định về trợ cấp cho doanh nghiệp dệt may kể từ khi hai bên chính thức ký kết thỏa thuận đàm phán.
Về quy chế nền kinh tế thị trường, phía Mỹ đồng ý sẽ đối xử với VN như một nước có nền kinh tế thị trường sau 12 năm kể từ khi VN chính thức gia nhập WTO. Theo một chuyên gia, đây là yếu tố cần thiết để biên bản ký kết WTO được Quốc hội Mỹ thông qua. (Điều khoản này với Trung Quốc là 15 năm).
NHỮNG CHUYỆN BÊN LỀ
Một nhân vật trong đòan đàm phán nói rằng: Có rất nhiều chi tiết bên lề thú vị khiến cuộc đàm phán cuối cùng với Mỹ trở thành một kỷ niệm khó quên.
11h tối 11-5, các thành viên trong đòan đàm phán vẫn đang ngồi chờ đợi kết quả hội ý từ phía Mỹ. Hầu như chưa có ai kịp ăn tối và chỉ uống nước lọc để cầm hơi.
Tối 12-5, ngày đàm phán cuối cùng, những hộp cơm được đưa vào phòng họp để tiếp tế cho những người đàm phán.
Với riêng Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, đây có lẽ sẽ là "trận đấu" lớn nhất trong đời ông. Vừa trải qua một cuộc phẫu thuật dạ dày tổn hao nhiều sức lực, ông đã có mặt tại Washington để chỉ huy các cuộc đàm phán.
Không chỉ cùng thức đêm với các nhà đàm phán, ông còn đi lại như con thoi với hàng loạt cuộc gặp với chính giới Mỹ. Vị Bộ trưởng từng tham gia những vòng đàm phán BTA này đã hòan thành sứ mạng mà ông canh cánh từ lâu.
Sau 11 năm chờ đợi, cuối cùng, cánh cửa WTO gần như đã được mở ra với Việt Nam.
Theo VietNamNet