Theo nguồn tin từ Văn phòng Quốc hội, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XI (khai mạc vào 16/5 tới) sẽ xem xét, quyết định vấn đề nhân sự cấp cao của Nhà nước, ở một số bộ và bầu Tổng kiểm toán nhà nước.
Trước đó, trao đổi với báo giới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cho biết Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị kỳ họp Quốc hội này làm một phần nhân sự, tiến hành bầu nhân sự chủ chốt của Nhà nước (Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nước, Thủ tướng) và bộ trưởng các bộ Quốc phòng, Ngoại giao, Thương mại.
Quốc hội kỳ họp thứ 8 đã tiến hành bầu Tổng kiểm toán nhà nước nhưng không thành |
Còn theo người phát ngôn của Thủ tướng, ông Nguyễn Kinh Quốc, Thủ tướng Phan Văn Khải muốn sớm bàn giao chức vụ Thủ tướng cho người được Quốc hội bổ nhiệm tại kỳ họp Quốc hội lần này. Ông Nguyễn Kinh Quốc cũng cho biết, Chính phủ cũng đã chuẩn bị nhân sự bộ trưởng các bộ Quốc phòng, Ngoại giao, Nội vụ, Văn hoá Thông tin Giao thông Vận tải.
Việc bầu sớm nhân sự chủ chốt và một số bộ trưởng có lý do là chuẩn bị cho Hội nghị APEC. Những người kế cận sẽ trực tiếp ký kết các thoả thuận hợp tác với nước ngoài, đồng thời cũng là người tổ chức, chỉ đạo thực hiện.
Trường hợp của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đào Đình Bình, ngày 3/5, Thủ tướng đã chính thức có văn bản gửi Quốc hội đề nghị miễn nhiệm.
Đáng lưu ý gần đây, ông Cù Huy Hà Vũ, 49 tuổi, làm việc tại Bộ Ngoại giao, đã có đơn ứng cử chức vụ Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin gửi Ban Bí thư TW Đảng, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ. Ông là con nhà thơ Huy Cận, con nuôi nhà thơ Xuân Diệu. Ông có bằng thạc sỹ văn chương, tiến sỹ luật tại Pháp, đồng thời tốt nghiệp Học viện quốc tế hành chính công của Pháp. Hiện ông Cù Huy Hà Vũ là người ngoài Đảng.
Chức vụ Tổng kiểm toán Nhà nước, đã được tiến hành bầu tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội. Hai ứng viên, ông Vương Đình Huệ, Phó Tổng kiểm toán nhà nước và ông Trần Văn Tá, Thứ trưởng Bộ Tài chính đều không trúng do không đạt số phiếu quá bán.
Vừa qua, tại Đại hội Đảng X, ông Vương Đình Huệ đã trúng cử vào Ban chấp hành TW.
Một vấn đề nổi cộm lên trước thềm kỳ họp là vụ việc ở PMU 18, cử tri và nhiều đại biểu yêu cầu Chính phủ phải báo cáo ra trước Quốc hội, làm rõ trách nhiệm. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An nói tại phiên họp thứ 39 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tinh thần chung là đáp ứng yêu cầu của cử tri.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, kỳ họp Quốc hội lần này dự kiến sẽ có một số đổi mới. Thứ nhất, về nhân sự, dành thời gian cho ứng viên thuyết trình trước Quốc hội (đại biểu có thể đặt câu hỏi). Hai là, bộ trưởng trả lời chất vấn sẽ không còn 20 phút ''đọc bài'' trả lời bằng văn bản mà sẽ đi thẳng vào trả lời chất vấn trực tiếp. Thứ ba, những báo cáo giám sát chuyên đề của các Uỷ ban của Quốc hội cũng sẽ đưa ra thảo luận.
Những nội dung đổi mới này sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định tại phiên họp trù bị vào chiều ngày 15/5 tới.
Theo chương trình dự kiến, kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, nghe các báo cáo giám sát chuyên đề (trong đó có giám sát về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất)...
Chương trình xây dựng pháp luật vẫn chiếm khối lượng lớn thời gian với 10 dự án luật và 1 nghị quyết được Quốc hội xem qua, thông qua (trong đó có Luật kinh doanh bất động sản, Luật bảo hiểm xã hội, Luật công nghệ thông tin, Luật chứng khoán, Nghị quyết về tiêu chuẩn các công trình quan trọng quốc gia....).
Đồng thời, Quốc hội sẽ cho ý kiến về các dự án: Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Luật quản lý thuế, Luật bình đẳng giới, Luật về hội, Luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người, Luật cư trú (liên quan đến quản lý bằng sổ hộ khẩu), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động (liên quan vấn đề đình công), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội.
Theo VNN