Chủ Nhật, 06/10/2024 05:46 SA
Vì sự nghiệp trăm năm thì phải trồng người
Thứ Năm, 20/11/2008 10:15 SA

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập nền giáo dục Việt Nam mới, nhằm đào tạo lớp lớp người Việt Nam thành những công dân hữu ích cho đất nước và nhân loại, phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của mỗi học sinh, sinh viên.

 

thuyhang-081120.jpg

Giờ học Tin học ở Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Tuy Hòa) - Ảnh: M.THÚY

 

 

Tư tưởng cốt lõi đối với giáo dục của Bác Hồ là phải chăm lo xây dựng được một đội ngũ đông đảo những người làm công tác giáo dục “càng yêu người bao nhiêu, càng yêu nghề bấy nhiêu”, là tấm gương đạo đức cho học sinh noi theo.

 

Xúc động biết bao, cách đây 40 năm, tháng 5/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức chăm lo sự nghiệp giáo dục, có chương trình, kế hoạch chu đáo trong việc bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Người dặn, khi hết chiến tranh phải “sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh của nhân dân, như phát triển các trường nửa ngày học tập, nửa ngày lao động”. Đối với đội ngũ giáo viên, trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của người dạy học là: Chăm lo dạy dỗ con em của nhân dân thành người công dân tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà.

 

Tư tưởng và tấm gương của Bác Hồ đối với giáo dục đã dẫn dắt, thúc đẩy sự nghiệp nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực của đất nước lớn mạnh. Năm 1945, khi mới độc lập, nước ta có hơn 90% dân số mù chữ. Đến nay, cả nước đã cơ bản phổ cập giáo dục, mỗi năm có hơn 22 triệu học sinh, sinh viên các cấp học đến trường, đội ngũ giáo viên các cấp học ngày càng phát triển về số lượng với hơn một triệu người và nâng cao về chất lượng.

 

Có được thành tựu quan trọng về giáo dục, sự cống hiến của các thầy cô giáo, của cán bộ quản lý giáo dục rất lớn. Họ đã lao động quên mình vì học sinh thân yêu, vì sự nghiệp mở mang và nâng cao dân trí. Những tấm gương cao đẹp của các thầy giáo xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt là những người thầy đến với đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng xa, vùng khó khăn, âm thầm thực hiện lời dạy của Bác Hồ, đem ánh sáng tri thức của Đảng, của cách mạng và thời đại đến cho dân; giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo lớp lớp công dân và cán bộ cho tương lai.

 

Hiện nay, công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong điều kiện lịch sử mới, hội nhập và toàn cầu hóa nên yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực càng cao. Để có được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển, cần phải đặc biệt chăm lo xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng và tăng cường về chất lượng, tiến kịp trình độ của khu vực và từng bước đạt tới tầm quốc tế.

 

Đội ngũ thầy, cô giáo phải có thực học, yêu nghề, phương pháp giảng dạy tiên tiến mới có thể đáp ứng yêu cầu đào tạo lao động có trình độ và làm việc bằng kỹ thuật, trí tuệ khi nền kinh tế phát triển nhanh, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng toàn diện, sâu hơn. Thực tiễn xây dựng đất nước và hội nhập, phát triển kinh tế tri thức hiện nay đặt ra cho sự nghiệp giáo dục nhiều vấn đề cần phải đổi mới một cách cơ bản. Những người làm nghề giáo, nhất là từ bậc trung học phổ thông trở lên cần nâng cao tinh thần sáng tạo, tự học, tự đào tạo để nâng cao trình độ sư phạm, kiến thức và thông qua việc dạy học truyền thụ cho học sinh, sinh viên ý thức vươn lên, tinh thần tự học, lòng khát khao tri thức mà rèn luyện, trưởng thành.

 

Với hơn một triệu giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, nếu phát huy tốt nguồn lực trí tuệ to lớn này thì dân tộc ta có thể sớm “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Song so với nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu mới thì số lượng và cơ cấu đội ngũ giáo viên còn nhiều bất cập, chất lượng thấp, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa. Yếu kém nhất của đội ngũ giáo viên là phương pháp giảng dạy chưa phát huy tính chủ động và khuyến khích sự sáng tạo của học sinh, sinh viên, học chưa gắn với hành; giảng viên đại học, cao đẳng còn thiếu, trình độ thấp so với thế giới; chưa có trường đại học nào đạt chuẩn quốc tế; một bộ phận nhà giáo thiếu gương mẫu, tiếp tay cho tiêu cực vi phạm đạo đức. Bệnh thành tích trong đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cả trong một bộ phận nhân dân chậm khắc phục; nhiều tiêu cực, yếu kém của ngành giáo dục chưa được xử lý từ gốc.

 

Để nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, Đảng và Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp cần đổi mới hơn nữa nhận thức đối với vai trò của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên, giảng viên các cấp học. Ngành Giáo dục cũng cần tiếp tục đổi mới tư duy về giáo dục, thay đổi những cơ chế, chính sách chưa phù hợp thực tế, làm cho quản lý giáo dục yếu kém hoặc chưa thật coi trọng xây dựng đội ngũ giáo viên.

 

Cần quan tâm đầu tư cho công tác nghiên cứu về khoa học, lý luận giáo dục để phổ cập, giáo dục lý luận, phương pháp giáo dục hiện đại cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và đội ngũ giáo viên vươn lên tầm khu vực, tiến kịp giáo dục các nước tiên tiến.

PHẠM VĂN KHÁNH

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek