Chủ Nhật, 06/10/2024 07:39 SA
Hồ Chí Minh với đại đoàn kết dân tộc
Thứ Tư, 19/11/2008 14:32 CH

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc. Người kết hợp nhuần nhuyễn luận điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” với tư tưởng truyền thống của tổ tiên “lấy dân làm gốc”, “chở thuyền và lật thuyền đều là dân”.

 

AnhBonChi-081119.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Chi (bìa phải) trao đổi với linh mục Nguyễn Cấp, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Phú Yên về đời sống bà con giáo dân trong tỉnh – Ảnh: H.CHƯƠNG

 

Trong thư gởi các bạn cùng hoạt động ở Pháp năm 1923, Người viết: “Muốn thực hiện lý tưởng giành lại độc lập cho Tổ quốc, phải đi vào quần chúng thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh…”. Vì thế, cùng với việc thành lập Đảng, Người chú trọng việc thành lập Mặt trận đoàn kết, thống nhất dân tộc. Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập tháng 2/1930, thì tháng 11, Hội Phản đế đồng minh - tổ chức đầu tiên của Mặt trận dân tộc thống nhất - cũng được thành lập. Từ đó về sau, trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, cách mạng nước ta không lúc nào vắng bóng Mặt trận, tuy tên gọi từng thời kỳ có khác nhau.

 

Đầu năm 1941, sau một thời gian hoạt động ở nước ngoài,  Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, Bác đề xuất việc thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh, để đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân đánh Pháp, đuổi Nhật, giành lại độc lập, tự do cho đất nước. Tự tay Người soạn thảo Tuyên ngôn, Chương trình, Điều lệ của Mặt trận Việt Minh. Để nhân dân dễ nhớ, Người đã viết bài “10 chính sách của Việt Minh” bằng văn vần đăng trên báo Việt Nam độc lập. Bài thơ mở đầu:

 

Việt Nam Độc lập đồng minh

Có bản chương trình đánh Nhật, đánh Tây

Quyết làm cho nước non này

Cờ treo độc lập, nền xây bình quyền...

Sau khi nêu rõ 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh, bài thơ kết lại:

Khuyên ai xin nhớ chữ đồng

Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò và cộng sự gần gũi với Bác Hồ, đã viết: “Việt Minh là một sáng tạo, một biểu hiện tập trung thiên tài Hồ Chí Minh. Việt Minh chứa đựng tư tưởng chính yếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: đại đoàn kết toàn dân tộc. Đại đoàn kết dân tộc không phải là sách lược, mà là chiến lược lâu dài, trước sau như một của người cộng sản yêu nước Hồ Chí Minh” (Võ Nguyên Giáp, “Chiến đấu trong vòng vây”,  Nhà xuất bản Quân đội nhân dân 1995) Ngày 19/4/1946. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gởi thư tới Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam, họp tại Pleiku (Gia Lai). Lời thư có đoạn: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Giarai  hay Êđê, Xêđăng hay Bana và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng  nhau, no đói giúp nhau.

 

Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt.”

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao một bài học lớn “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

 

Thấm nhuần và thực hiện tư tưởng đó của Người, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn, gian khổ, đánh thắng mọi thế lực xâm lược, bảo vệ độc lập, thống nhất và đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới. Tuy vậy, hiện  đất nước ta cũng đang đứng trước những khó khăn, thử thách to lớn. Vì vậy, sự nghiệp phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc càng trở nên đặc biệt quan trọng. Vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã ra các Nghị quyết về xây dựng giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức trong tình hình mới. Đồng thời, đề ra các quyết sách về dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài… Đó chính là làm cho khối đại đoàn kết dân tộc thêm mở rộng, vững mạnh.

 

Hiện nay, toàn tỉnh đang sôi nổi thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Học tập và làm theo đạo đức  Hồ Chí Minh, trước hết là học tập tư tưởng đại đoàn kết của Người. Có như vậy, nhất định chúng ta sẽ đưa sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc thu thêm nhiều thành tựu mới, xây dựng quê hương Phú Yên tiến lên phồn vinh, hạnh phúc, góp phần xây dựng “nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước.

 

BĂNG NGUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek