Chủ Nhật, 06/10/2024 17:32 CH
Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách 2009
Chủ Nhật, 09/11/2008 09:22 SA

Chiều 8/11, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội làm việc tại hội trường thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009 với đa số phiếu tán thành.

 

QH-081009.jpg
Theo Nghị quyết, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2009 sẽ là 389.900 tỉ đồng, (chiếm 21,5% GDP), giảm 28.100 tỉ đồng so với tờ trình của Chính phủ. Tổng chi ngân sách Nhà nước năm 2009 được xác định là 491.300 tỉ đồng. Như vậy, bội chi được Quốc hội cho phép là 87.300 tỷ đồng, bằng 4,82% GDP.

 

Quốc hội cũng tán thành các giải pháp được Chính phủ và các Ủy ban của Quốc hội đề xuất về việc thực hiện thu ngân sách Nhà nước năm 2009; trong đó có các giải pháp tiếp tục thực hiện chính sách tài chính thắt chặt, tiết kiệm chi, giảm bội chi trong năm 2009.

 

Quốc hội yêu cầu Chính phủ có giải pháp chủ động ngăn ngừa khả năng suy giảm kinh tế xảy ra, tháo gỡ khó khăn để đạt chỉ tiêu thu, chi ngân sách. Nghị quyết của Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ chủ động nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật thuế hiện hành để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện, đồng thời nghiên cứu các chính sách thuế khác khả thi và linh hoạt phù hợp với tình hình nền kinh tế hiện nay.

 

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ và các cơ quan chức năng có giải pháp giảm tối đa thuế nợ đọng, chống thất thu thuế và hạn chế tiêu cực có thể xảy ra trong lĩnh vực này. Đồng thời, nghiên cứu loại bỏ những khoản phí, lệ phí không còn phù hợp tránh đặt ra những khoản thu không phù hợp, trái pháp luật.

 

Trong nhiệm vụ chi, Quốc hội xác định ưu tiên chi cho lĩnh vực an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, đặc biệt đầu tư cho 61 huyện nghèo nhất nước; đồng thời kiểm soát chặt chẽ chi tiêu công.

Quốc hội cũng đồng ý năm 2009 sẽ phát hành 36.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ và số vốn thu từ nguồn này sẽ dành phục vụ cho các công trình, dự án về giáo dục, y tế, giao thông, thủy lợi ở các vùng khó khăn. Riêng đối vớ các dự án, công trình kéo dài, không hiệu quả phải được loại bỏ để ưu tiên cho các dự án trọng điểm khác.

 

Cũng trong buổi làm việc chiều qua, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật Quy hoạch đô thị. Tại buổi thảo luận, đa số ý kiến đều tán thành sự cần thiết phải ban hành luật quy hoạch đô thị để điều chỉnh các hoạt động về lập quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị theo quy hoạch.

 

Các đại biểu cho rằng, các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đô thị, quản lý và phát triển đô thị chưa đầy đủ nên trong thực hiện và xử lý còn lúng túng. Việc ban hành Luật quy hoạch đô thị sẽ tạo điều kiện để quản lý, sử dụng đất đai trong đô thị được hiệu quả, tiết kiệm, hợp lý hơn; tiết kiệm kinh phí của Nhà nước, nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân trong công tác quy hoạch và xây dựng đô thị; bảo đảm mỹ quan và kiến trúc đô thị theo định hướng phát triển lâu dài, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong phát triển đô thị văn minh, hiện đại.

 

Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại buổi thảo luận là về trách nhiệm lập tổ chức quy hoạch. Một số đại biểu cho rằng, nên giao cho chính quyền địa phương thành lập quy hoạch đô thị cho địa phương mình, sau đó trình chính quyền cấp trên trực tiếp phê duyệt. Quy trình này cũng được thực hiện đối với các quy hoạch đặc biệt, sau đó địa phương cần trao đổi với Bộ Xây dựng trước khi trình Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, một số đại biểu lại cho rằng, quy hoạch đô thị của các thành phố trực thuộc Trung ương có tầm quan trọng quốc gia vì các đô thị này có ảnh hưởng tới sự phát triển của cả nước hoặc vùng lãnh thổ rộng lớn.

 

Vì vậy, đề nghị Luật quy định giao Chính phủ tổ chức lập quy hoạch đô thị đối với các thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Các đại biểu đã đóng góp ý kiến về thời hạn của quy hoạch đô thị. Một số ý kiến tán thành với thời hạn quy hoạch chung đô thị là từ 20 đến 25 năm như dự án Luật. Tuy nhiên, nhiều đại biểu lại cho rằng, các đô thị ở nước ta hiện đang có tốc độ phát triển rất nhanh nên cần xem xét các loại thời hạn quy hoạch nhằm bảo đảm thuận tiện và tính khả thi cho công tác quản lý.

 

Quy hoạch đô thị phải bảo đảm tính ổn định lâu dài, vì thế nên có thời gian dài từ 40-50 năm. Đồng thời, để tránh tình trạng quy hoạch “treo” như hiện nay, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cũng phải có thời hạn nhất định phù hợp với trình độ quản lý và phát triển đô thị.

 

Cũng tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu đã cho ý kiến về các nội dung như: phân loại đô thị, cải tạo chỉnh trang đô thị, đối tượng của quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị, thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị và nhiều điều khoản cụ thể trong dự án Luật.

 

Trước đó, trong sáng qua, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật bồi thường nhà nước. Đa số các ý kiến đại biểu đều đánh giá cao tầm quan trọng của dự án luật này, cho rằng cần phải có bộ luật để quy trách nhiệm của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức… bị thiệt hại do cơ quan Nhà nước gây ra.

H.N.(tổng hợp từ TTXVN/VOV)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek