Chủ Nhật, 06/10/2024 19:28 CH
Đề án thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND:
Chính phủ chủ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dễ dãi
Thứ Sáu, 07/11/2008 10:30 SA

Chiều ngày 6/11, Quốc hội làm việc tại hội trường, tiếp tục thảo luận về Đề án thực hiện thí điểm việc không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường và nhân dân trực tiếp bầu chủ tịch Ủy ban nhân dân xã. Đây là lần đầu tiên đề án được đưa ra lấy ý kiến của Quốc hội.

 

QH1-081107.bmp
Trong phần thảo luận tại tổ trước đó, cũng như trong buổi thảo luận tại hội trường chiều 6/11, về cơ bản các đại biểu đều thể hiện sự đồng tình với chủ trương đổi mới của Chính phủ. Tuy nhiên về cách thức chuẩn bị đề án này, đa số đại biểu đều có chúng cảm giác đó là sự chuẩn bị của Chính phủ còn mang nhiều tính chủ quan, chưa chỉ ra được những ưu việt của mô hình mới, trước là để đại biểu nghiên cứu, biểu quyết, sau đó để tuyên truyền rộng rãi trước nhân dân. Nhiều ý kiến đại biểu băn khoăn bởi phạm vi thực hiện thí điểm là quá rộng, mà chỉ nên tổ chức ở một phạm vi hẹp vừa đủ để có thể chấp nhận được kết quả thí điểm. Có ý kiến đại biểu cho rằng, Chính phủ cũng cần có những giải trình cụ thể nếu trong trường hợp tổ chức thực hiện thí điểm không có kết quả thì có nên tiếp tục hay thôi, nếu không suy xét kỹ việc thực hiện thí điểm Đề án này sẽ lại giống với việc thí điểm Nghị quyết số 16/2003/QH11 của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý, Quốc hội đã biểu quyết đồng tình thực hiện thí điểm, rồi sau 5 năm lại phải biểu quyết thôi không thí điểm gây lãng phí.

Việc thực hiện không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường và nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã được các đại biểu Quốc hội đánh giá là một vấn đề lớn, mang tính lịch sử do vậy đề nghị Chính phủ cần hết sức thận trọng. Mặt khác, khi đưa vào thực hiện, đề án sẽ có không ít tác động đến tư tưởng của nhân dân, đại biểu đề nghị Chính phủ cần đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân - những đối tượng chính sẽ bị điều chỉnh bởi Đề án này, việc làm này cũng phát huy được tính dân chủ.

Bắt đầu ý kiến phát biểu của mình, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) thẳng thắn phê bình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đại biểu cho rằng, đây là một đề án quan trọng, liên quan đến hệ thống chính trị của đất nước, liên quan đến quy định của Hiến pháp, tuy nhiên tờ trình của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này chỉ trước ngày Ủy ban Pháp luật thẩm tra có 1 ngày và trước khi thảo luận tổ có 10 ngày, với thời gian như vậy là quá cập rập không đúng với quy định tại Điều 8 của Nội quy kỳ họp Quốc hội là phải trước kỳ họp Quốc hội 20 ngày. Còn Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, đã quá dễ dãi khi chấp nhận tờ trình gửi muộn làm cho Uỷ ban Pháp luật không có thời gian làm việc, dẫn đến bản Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban này trình trước Quốc hội là quá sơ sài. Vô hình chung, việc làm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tạo một nếp làm việc xuê xoa, dễ dãi.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cho rằng một vướng mắc trong Đề án này mà đại biểu nào cũng thấy, lãnh đạo nào cũng thấy đó là việc thí điểm bỏ Hội đồng Nhân dân quận, huyện, phường và người dân trực tiếp bầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã không đúng với quy định tại Điều 123 của Hiến pháp. “Trong Hiến pháp, tôi không thấy có điều, khoản nào quy định về việc thí điểm, như vậy việc làm này là sai quy định của Hiến pháp. Chúng ta đều thuộc câu khẩu hiệu “Sống, làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật” nhưng nếu bây giờ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết việc thực hiện thí điểm này mà không đúng với quy định của Hiến pháp, như vậy chúng ta đã tạo ra một tiền lệ không tốt” - Đại biểu Thuyết nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Phương Thảo (đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng thừa nhận, trong thời đại mới, khi nền kinh tế của chúng ta đã hội nhập với thế giới, chúng ta cũng cần có những cải cách trong bộ máy. Tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Phương Thảo, về lâu dài, hướng đi mới trong việc thiết lập bộ máy hành chính là nên thực hiện phương thức bổ nhiệm. Chúng ta sẽ chọn những người được đào tạo, có năng lực, có kinh nghiệm, nếu cần chúng ta có thay thế, như vậy rất linh hoạt. Còn nếu giữ phương thức bầu như vậy, khi cần phải thay thế, không lẽ sẽ phải chờ tới 4-5 năm. Đại biểu cũng cho rằng, Chủ tịch UBND xã tốt nhất không phải là người đang sống tại địa phương, bởi kết cấu cư dân nông thôn thường theo đặc điểm huyết thống, theo di sản, theo thừa kế đất đai, theo quan hệ dòng họ… như vậy ít nhiều kết quả bầu chọn của người dân sẽ bị ảnh hưởng.

Còn đại biểu Nguyễn Đình Xuân (đoàn Tây Ninh) lại cho rằng thực trạng của Hội đồng Nhân dân cấp huyện trong Tờ trình của Chính phủ có nêu ra 3 yếu kém: nội dung hoạt động còn hình thức, trình độ còn hạn chế và hoạt động không đồng đều. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Đình Xuân cho rằng việc phát hiện ra 3 yếu kém này không phải là mới nhưng tại sao khi đã phát hiện ra chúng ta không đặt vấn đề tìm nguyên nhân để sửa chữa khắc phục mà lại đặt vấn đề bỏ đi. Mặc dù chúng ta chỉ mới thí điểm, còn ở những địa phương không thực hiện, các bộ máy này vẫn đang hoạt động, thì người ta sẽ nghĩ gì. “Tôi đồng tình với việc thực hiện thí điểm, nhưng chúng ta phải thực hiện ở một con số vừa đủ, bé quá sẽ không đại diện được, còn nếu lớn quá sợ không đủ sức để làm, để đánh giá”. Đại biểu Nguyễn Đình Xuân đề nghị Chính phủ cần có giải trình thêm về những con số thí điểm mà Chính phủ đưa ra, cơ sở nào Chính phủ lựa chọn những con số đó. Còn với những cấp, những địa phương mà chúng ta chưa thực hiện ngay, cần tìm hiểu những nguyên nhân yếu kém do đâu, vướng ở văn bản pháp luật nào để đề nghị Quốc hội điều chỉnh. “Tôi cho rằng dù còn hoạt động, 1 tháng hoặc 1 năm, thì cũng phải hoạt động có hiệu quả chứ không thể để cho có hình thức rồi đợi vài năm sau thay đổi, sẽ gây rất nhiều lãng phí” - Đại biểu Nguyễn Đình Xuân nhấn mạnh.

Hôm nay (7/11), Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự và dự án Luật cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài.

Theo VOV

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek