Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, sáng 30/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia. Đoàn ĐBQH tỉnh do đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Phú Yên làm trưởng đoàn tham gia phiên thảo luận.
Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, việc giảm nghèo bền vững là một thách thức rất lớn. Bởi lẽ, một gia đình có thể đang rất bình thường, nhưng chỉ cần có một người ốm, một người bị bệnh nặng đi điều trị, tự nhiên trở thành người nghèo.
Cũng có những cơ may để các gia đình nghèo có thể thoát nghèo trong điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. Nhưng quan trọng nhất là ý chí vươn lên, tự lực cánh sinh để thoát nghèo và ứng phó với mọi hoàn cảnh có thể xảy đến. Sự hỗ trợ của cộng đồng, của các chương trình mục tiêu, các chính sách nhà nước chỉ có ý nghĩa khi các chủ thể có ý thức vươn lên.
Đại biểu lấy ví dụ Hàn Quốc, họ có chương trình gọi là “làng mới” do Tổng thống Park Chung Hee phát động từ năm 1970. Cách ông phát động rất lạ lùng. Hơn 3.000 làng xã của Hàn Quốc lúc đó mỗi làng được phát 355 bao xi măng; phát không, không nói để làm gì, tùy làng đó quyết định, không giao mục tiêu, không giám sát gì cả. Sau đó các làng tự họp với nhau xem nên làm gì trong điều kiện cụ thể của làng mình. Có thể làng này làm đường giao thông, làng kia có thể làm đường ra ruộng, có làng thì xây công trình văn hóa, tùy theo nhu cầu, mục đích của làng đó.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa phát biểu. Ảnh: QUỐC LUÂN |
Khi đó, tinh thần của người dân phải tự chuyển biến, tư duy của những cán bộ phải tự chuyển biến thì mới tạo ra sự thay đổi. Sau đó, Hàn Quốc thực hiện bình chọn những làng xuất sắc, những dự án xuất sắc thông qua việc sử dụng 355 bao xi măng của các làng, xã.
Khi tư duy thay đổi, họ bắt đầu thúc đẩy những việc khác; từ xây dựng làng, xóm sạch đẹp đến phát triển kinh tế, cải tạo đất canh tác, cơ giới hóa nông nghiệp và xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp. Bây giờ họ đang ở giai đoạn công nghiệp hóa nông nghiệp. Họ xác định rất rõ điều quan trọng nhất là nhận thức của các chủ thể tham gia và giao quyền tự chủ, không loay hoay với việc “đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương”.
Đại biểu cho rằng, đã đến lúc phải cân nhắc phân bổ vốn về cho các địa phương một cách tổng thể để địa phương có thể suy nghĩ, tùy “đầu bài”, tùy điều kiện của mình để giải quyết những vấn đề liên quan đến xóa đói, giảm nghèo.
Về truyền thông xóa đói giảm nghèo, theo đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, hiện nay, công tác giải ngân các chương trình mục tiêu trong việc truyền thông còn khó khăn. Hết quý I, mới bắt đầu có kinh phí, bắt đầu giao vốn, đến giữa quý II thì bắt đầu ký hợp đồng và các báo triển khai cấp tập.
Như vậy, chúng ta để trống trận địa suốt từ đầu năm đến giữa quý II. Lúc đó, chúng ta không thúc đẩy những người nghèo cố gắng để thoát nghèo. Điều quan trọng là nâng cao ý thức, ý chí vươn lên của các đối tượng thụ hưởng chính sách. Đây là bài toán phải đặt ra một cách nghiêm túc để thoát nghèo bền vững.
Về việc xác định hộ nghèo ở các địa phương hiện nay, có tình trạng các em học sinh về quê để xin xác nhận hộ nghèo nhưng rất khó khăn. Bởi nhiều địa phương bây giờ nghèo luân phiên, tức là “hoa thơm mỗi người hưởng một chút”, cho nên có khi các cháu nghèo chưa phải là đối tượng nghèo theo xác định của địa phương. |
QUỐC LUÂN (ghi)