Thứ Bảy, 23/11/2024 00:33 SA
Chung sức vì sự phát triển của quê hương
Thứ Hai, 30/10/2023 07:15 SA

TS Nguyễn Thị Thục Anh, Trưởng đoàn công tác của Hội Đồng hương Phú Yên tại Hà Nội phát biểu trong buổi gặp mặt, làm việc với lãnh đạo tỉnh. Ảnh: TRẦN QUỚI

Hội Đồng hương Phú Yên tại Hà Nội vừa tổ chức chuyến về quê vào cuối tháng 9 vừa qua. Đoàn gồm các nhà khoa học con em Phú Yên và những người bạn đã khảo sát thực tế, đánh giá tiềm năng, lợi thế trên cơ sở tài nguyên thiên nhiên và nhân văn; đưa ra những giải pháp, đề xuất tâm huyết vì sự phát triển của quê nhà.

 

TS Nguyễn Thị Thục Anh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc phát triển dự án Công ty CP Sản xuất và thương mại Trường Tồn, Phó Chủ tịch Hội Khoáng thạch học Việt Nam - người con của quê hương Đông Hòa, làm trưởng đoàn cùng 13 thành viên là những nhà khoa học, doanh nhân ở nhiều lĩnh vực đã có chuyến công tác đầy cảm xúc.

 

Nhiều lĩnh vực Phú Yên có thế mạnh

 

Báo cáo với lãnh đạo tỉnh, các thành viên trong đoàn có những phát biểu chuyên sâu về nhiều lĩnh vực: môi trường, năng lượng sạch, nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp hữu cơ, khai thác và bảo vệ di sản văn hóa… Tất cả đều là thế mạnh của Phú Yên. Tuy nhiên trên thực tế, việc đầu tư và phát triển chưa được như kỳ vọng, chưa có đột phá để tạo nên sự tăng trưởng kinh tế - xã hội ổn định và bền vững.

 

Nói về tài nguyên phát triển du lịch, TS Nguyễn Thị Thục Anh khẳng định, Phú Yên có một hệ thống tài nguyên phong phú đa dạng, không thua kém bất cứ địa phương nào. Có thể kể đến như: Di tích quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa. Đây là di sản, danh lam thắng cảnh đã được đưa vào khai thác du lịch, tạo nguồn thu, nhưng phải tính đến việc quy hoạch bảo tồn di sản thiên nhiên một cách toàn diện. Trước mắt, địa phương cần nghiên cứu thiết kế xây dựng lối đi riêng cho du khách, không trực tiếp giẫm đạp lên mặt đá dạng cột khiến lớp bazan dạng bọt trên bề mặt bị mài mòn, làm mất đi các thông tin quý giá về sự hình thành địa chất.

 

Về hệ thống san hô ở Hòn Yến, theo TS Nguyễn Thị Thục Anh, danh thắng này rất đẹp, hoang sơ, đường đi vào Hòn Yến còn hẹp, cần xây dựng quy hoạch bảo tồn tổng thể thành khu vực du lịch sinh thái cảnh quan và môi trường của tỉnh. Tháp Nhạn là di tích quốc gia đặc biệt, đã bắt đầu khai thác du lịch. Tháp được xây bằng gạch, kích thước lớn, nằm trên đồi cao, dưới chân núi là hệ thống sông nên dễ bị xâm thực. Loại di sản tháp Chăm cần chú ý bảo trì thường xuyên như cắt bỏ các cây tự nhiên mọc trên các nóc tầng tháp, không đốt nhang trong lòng tháp, bảo vệ tính nguyên trạng của di sản, đặc biệt là phải nghiên cứu gia cố sườn đông nam của tháp, nơi vách đất yếu, dễ sạt lở khi trời mưa và mùa lũ, nước dâng cao tác động làm sụt lở chân móng tháp rất nguy hiểm…

 

Đại diện đoàn công tác tặng những món quà bảo vệ môi trường cho các địa phương. Ảnh: TRẦN QUỚI

 

Sẵn sàng vì quê hương

 

Khi khảo sát thực địa vịnh Xuân Đài, các nhà khoa học cho rằng, đây là cả một kho tàng về giá trị địa lý, đa dạng sinh học, rất thuận lợi cho phát triển đa mục tiêu. Nhưng hiện nay, vịnh Xuân Đài đang bị ô nhiễm quá nặng bởi việc nuôi tôm hùm nhưng địa phương chưa có giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường.

 

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Tuyến, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu địa chất và khoáng sản ứng dụng, vấn đề cấp bách hiện nay là cần có quy hoạch tổng thể cho vịnh nhằm phát triển bền vững, duy trì sự hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan.

 

Địa phương cần xây dựng bản đồ số hóa về ranh giới bờ và mặt nước. Các lồng bè phải được tích hợp trên bản đồ với các hệ tọa độ rõ ràng, xây dựng lưới ô vuông để bố trí các điểm quan trắc môi trường định kỳ, phát hiện ô nhiễm và có giải pháp xử lý. Xây dựng bản đồ địa hình đáy vịnh, nghiên cứu xác định dòng chảy, động lực dòng chảy trong vịnh để dự đoán sự tích tụ trầm tích, độ dày trầm tích đáy cũng rất quan trọng. Việc số hóa bản đồ quản lý quy hoạch nuôi tôm hùm và cá bè nhằm quản lý tốt thông tin ô nhiễm và hạn chế nuôi tự phát, phân định hài hòa trong việc khai thác du lịch, nuôi trồng thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học…

 

TS Nguyễn Huy Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ quang xúc tác và đất hiếm đề xuất các giải pháp cụ thể cho việc xử lý cải tạo đất và phòng trị bệnh trên cây sắn, cây mía ở các vùng nguyên liệu lớn hiện nay của tỉnh. Một trong những giải pháp trực tiếp và cụ thể là dùng chế phẩm quang xúc tác chuyên dụng, chứa nano oxit tích hợp thảo dược hoạt tính diệt nấm khuẩn gây bệnh, không chứa kháng sinh, không chứa các chất cấm, giá thành thấp và an toàn môi trường, không gây dư lượng trên sản phẩm và không gây độc cho người lao động trực tiếp, giữ gìn đất không bị suy thoái và nhiễm độc bởi dư lượng cũng như kim loại nặng.

 

Các chuyên gia trong đoàn công tác còn đề xuất tỉnh nghiên cứu chế tạo chế phẩm vi sinh từ ứng dụng diatomit. Đây là một lợi thế vì địa phương có sẵn nguồn khoáng sản này để sản xuất hàng loạt sản phẩm chứa silic hữu cơ chất lượng cao ứng dụng trong nông nghiệp và các lĩnh vực khác.

 

Duy trì trao đổi thông tin

 

Trong chuyến công tác, đoàn cũng đề xuất nhiều vấn đề rất thiết thực để tỉnh quan tâm đầu tư. Cụ thể là điều tra tổng thể di sản địa - khảo cổ một cách toàn diện, kết hợp với việc trưng bày ở bảo tàng tỉnh, biến những di sản văn hóa này thành tài nguyên, điểm đến du lịch đặc biệt; đầu tư và phát triển mô hình canh tác trồng cây sen ở các vùng nông thôn; đưa vào quy hoạch các điểm có tài nguyên nước khoáng nóng, kêu gọi nhà đầu tư phát triển thành các điểm du lịch chữa bệnh, phục hồi sức khỏe và du lịch sinh thái; quy hoạch không gian biển tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh. Phú Yên cần xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn thành phố xanh, nông thôn xanh thí điểm trong tỉnh để đạt phát thải ròng trước năm 2035; chương trình và quy trình định giá tín chỉ cacbon, xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn, khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân giảm lượng khí thải, bù trừ cacbon trong quá trình sản xuất và cách thức vận hành thị trường cacbon trong tương lai.

 

Đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh bày tỏ sự vui mừng khi được đón đoàn công tác của Hội Đồng hương Phú Yên tại Hà Nội gồm các nhà khoa học là con em Phú Yên và các đối tác nghiên cứu về thăm quê hương và trao đổi, báo cáo một số kết quả nghiên cứu khoa học, kinh nghiệm thực tế để chung sức xây dựng tỉnh. Đây là hoạt động thiết thực, ý nghĩa, là cơ hội để kết nối các tổ chức, cá nhân, nhà đầu tư đến với Phú Yên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 

“Cần duy trì kênh trao đổi thông tin khoa học giữa địa phương với đoàn công tác của Hội Đồng hương Phú Yên tại Hà Nội, mà UBND tỉnh là đầu mối, tập trung nghiên cứu các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và du lịch, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững… Các nhà quản lý về chuyên môn và các địa phương cần trao đổi những vấn đề khoa học và ứng dụng tại địa phương, lĩnh vực mình phụ trách để tranh thủ nguồn lực quan trọng này”, đồng chí Phạm Đại Dương nhấn mạnh. 

 

Phú Yên đã sinh ra những người con luôn có tinh thần lao động, học tập, phấn đấu không ngừng và luôn tự hào về quê hương mình. Với sự mong muốn tỉnh nhà phát triển bền vững, Hội Đồng hương Phú Yên tại Hà Nội có chương trình huy động con em người Phú Yên, cùng các đối tác, đồng nghiệp đã thành công trong nghiên cứu khoa học, hoạt động sản xuất kinh doanh để chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp khoa học công nghệ, hợp tác cùng Phú Yên triển khai những chương trình hành động thiết thực.

 

TS Nguyễn Thị Thục Anh

 

TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek