Chủ Nhật, 06/10/2024 23:17 CH
Doanh nghiệp Nhà nước cũng phải chịu sự điều chỉnh của Luật quản lý nợ công
Thứ Tư, 05/11/2008 09:00 SA

Chiều 4/11, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Gia Khiêm trình bày Tờ trình dự án Luật cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài và Báo cáo thẩm tra dự án luật này của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội do Chủ nhiệm Nguyễn Văn Son trình bày. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên điều khiển phiên họp.

Dự án luật Cơ quan đại diện được Quốc hội đưa vào chương trình dự bị năm 2007, được Quốc hội chính thức đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ khóa XII (2007 - 2011) và năm 2008. Dự thảo Luật gồm 7 chương và 39 điều, góp phần khắc phục những tồn tại, bất cập về pháp lý, cũng như về thực tiễn hoạt động của cơ quan đại diện trong thời gian qua: Một số quy định trong hai pháp lệnh (Pháp lệnh Lãnh sự (năm 1990) và Pháp lệnh về Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (năm 1993) thiếu nhất quán, thậm chí các quy định trong một số chương của cùng một pháp lệnh cũng không phù hợp với nhau, tạo nên kẽ hở, thiếu tính chính xác về mặt pháp lý; Một số quy định của văn bản hướng dẫn thi hành hai pháp lệnh không thống nhất với nội dung của hai pháp lệnh đó; Một số quy định trong hai pháp lệnh không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động của cơ quan đại diện.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan đại diện, tránh việc thành lập cơ quan đại diện vượt quá khả năng, điều kiện cho phép, trong nội dung của dự thảo luật cần có các quy định về nguyên tắc, yêu cầu, điều kiện thành lập cơ quan đại diện, chế độ kiêm nhiệm chức vụ ngoại giao… để từ đó có một quy trình thống nhất, hợp lý, thiết thực trong việc thành lập cơ quan đại diện, tránh tình trạng dàn trải, lãng phí.

Cũng trong chiều 4/11, Quốc hội đã dành một phần lớn thời gian để thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật quản lý nợ công: Phạm vi điều chỉnh, tên gọi của luật; Trách nhiệm của các chủ thể ở tất cả các khâu; Việc phân định đầu mối và phân công phối hợp trong quản lý Nhà nước về nợ công; Vấn đề bảo lãnh vay của Chính phủ và trách nhiệm của các đơn vị sử dụng vốn bảo lãnh; Thẩm quyền quyết định các công cụ quản lý nợ, chiến lược vay nợ, chương trình vay nợ trung hạn, kế hoạch vay và trả nợ hàng năm…

Mặc dù là lần đầu tiên được đưa ra lấy ý kiến Quốc hội, tuy nhiên những góp ý, thảo luận của đại biểu Quốc hội với dự thảo luật này được xem là rất quan trọng, tạo cơ sở chủ yếu và căn bản để các cơ quan chức năng hoàn chỉnh, trình Quốc hội xem xét thông qua dự án luật một cách có chất lượng tại kỳ họp thứ 5.

Thảo luận về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, đa số ý kiến đại biểu không tán thành với quy định của dự thảo luật và đề nghị bổ sung nợ của khối doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) vào phạm vi điều chỉnh của luật với lý do: nợ của DNNN là nợ khu vực công, DNNN đi vay nợ, nhất là vay nợ trực tiếp nước ngoài xét cho cùng thì vẫn là Nhà nước nợ. Vì vậy, nếu Dự thảo luật không điều chỉnh việc quản lý nợ của DNNN thì sẽ tạo “khoảng trống” pháp lý đối với quản lý nợ khu vực DNNN, tất yếu dẫn đến tình trạng buông lỏng quản lý, gây hậu quả cho nền kinh tế, tác động xấu đến ổn định NSNN. Thực tế cho thấy, Nhà nước đã phải chi trả, xử lý tài chính đối với nhiều DNNN khi giải thể, phá sản. Các ý kiến đại biểu cũng cho rằng, để phản ánh chính xác thực trạng nợ của khu vực công, của an ninh tài chính quốc gia, nhất là nghĩa vụ báo cáo, cung cấp thông tin, điều kiện vay, trả nợ..., mọi khoản vay nợ của DNNN đều phải được điều chỉnh trong luật này.

Về nội dung vay nợ của chính quyền địa phương, dự thảo luật quy định, đối với vốn vay ngoài nước, Bộ Tài chính là cơ quan đại diện trong việc ký kết các văn bản vay nợ; UBND cấp tỉnh có quyền xây dựng phương án, chủ động tìm nguồn vốn vay, phối hợp với các cơ quan liên quan đàm phán vay và trình Thủ tướng Chính phủ ký kết thỏa thuận vay theo phương thức vay về cho vay lại. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đại biểu không tán thành với việc cho phép các địa phương chủ động đàm phán, ký kết vay nợ nước ngoài vì: Thứ nhất, trên thực tế, năng lực, kỹ năng đàm phán vay nợ của mỗi địa phương là rất khác nhau. Thứ hai, việc vay vốn phải bảo đảm nguyên tắc quản lý thống nhất theo đầu mối, có hệ thống, bảo đảm phù hợp với chính sách tài chính và chiến lược vay nợ đã được phê duyệt. Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị chỉ nên có một cơ quan duy nhất đại diện cho Nhà nước Việt Nam trong việc ký kết vay vốn nước ngoài. Các địa phương chủ động trong việc huy động vốn trong nước, còn việc vay vốn nước ngoài sẽ do Bộ Tài chính làm đầu mối đàm phán, ký kết theo quy trình, thủ tục luật định, khi cần thiết thì cho địa phương vay lại.

Hôm nay (5/11), Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn Nhà nước ở các Bộ, ngành, địa phương từ năm 2005 đến 2007 và Báo cáo giám sát của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về báo cáo này. Các đại biểu cũng sẽ đóng góp ý kiến về vấn đề này.

H.N.(tổng hợp)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek