Thứ Hai, 07/10/2024 03:31 SA
Nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo, bảo vệ vững chắc vùng trời Tổ quốc
Thứ Hai, 03/11/2008 07:35 SA

Cách đây tròn 50 năm, ngày 3/11/1958, Trung đoàn Không quân 910 - tên gọi lúc bấy giờ là Trường Huấn luyện sơ cấp Không quân đã tổ chức khai giảng khóa huấn luyện bay đào tạo phi công đầu tiên của đất nước trên sân bay Cát Bi (Hải Phòng). Đây là sự kiện quan trọng, là mốc son trong lịch sử phát triển của lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam, là thời điểm đánh dấu sự ra đời của Trung đoàn Không quân 910, đơn vị tiền thân của Quân chủng Phòng không - Không quân và Trường Sĩ quan Không quân ngày nay. Trao đổi với Báo Phú Yên, Thượng tá - Thạc sĩ Vũ Đức Quý, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 910, cho biết:

 

quy-081103.jpg
Thượng tá Vũ Đức Quý, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 910  – Ảnh: K.DUY

- Từ cơ sở ban đầu với 3 chiếc máy bay AERO và hơn 100 cán bộ, giáo viên, học viên, Trung đoàn đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đến cuối năm 1959 đã đào tạo được 22 phi công quân sự, khẳng định khả năng tự đào tạo lực lượng này cho đất nước, khẳng định người Việt Nam làm chủ bầu trời Việt Nam. Năm 1960, khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh và tiến hành “Chiến tranh đặc biệt” đối với miền Nam nước ta, Trung đoàn đã nhanh chóng chuyển hướng huấn luyện, đào tạo gắn mục tiêu, yêu cầu đào tạo phi công với yêu cầu nhiệm vụ của chiến trường, nhiều cán bộ, giáo viên, học viên đã được cử đi chiến đấu, phục vụ chiến đấu và đã lập công xuất sắc. Điển hình như ngày 16/2/1964, 2 giáo viên của Trung đoàn là thượng  úy Nguyễn Văn Ba và trung úy Lê Tiến Phước được giao nhiệm vụ lái chiếc máy bay T - 28 mang số hiệu 963 xuất kích, đã bắn rơi chiếc máy bay C123 chở biệt kích Mỹ- ngụy trên vùng trời Ninh Bình. Đây là chiến công đầu tiên trong thực hiện nhiệm vụ tác chiến trên không của Không quân nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

 

Tháng 8/1964, sau khi bị thất bại nặng nề ở chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đã dựng lên “Sự kiện vịnh Bắc Bộ” để ngang nhiên mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc nước ta. Theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng và Quân chủng, Trung đoàn được lệnh chuyển toàn bộ lực lượng ra nước ngoài tiếp tục làm nhiệm vụ đào tạo phi công trên các loại máy bay TRENER, YAK-18, máy bay vận tải LI-2, AN-2, IL-14… và đào tạo phi công phản lực trên máy bay MIG–17. Sau 10 năm tổ chức huấn luyện trên nước bạn, Trung đoàn đã đào tạo hàng trăm phi công chiến đấu cho Quân chủng, kịp thời bổ sung cho các đơn vị Không quân trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Nhiều đồng chí đã chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, lập công xuất sắc.

 

* Thưa thượng tá, sau ngày thống nhất đất nước, Trung đoàn Không quân 910 đã tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp như thế nào?

 

- Sau thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến  chống Mỹ cứu nước, Trung đoàn được lệnh chuyển về sân bay Kiến An và sân bay Nội Bài. Tháng 9/1975, tiếp tục chuyển toàn bộ lực lượng vào sân bay Phan Rang, thực hiện nhiệm vụ huấn luyện trên loại máy bay L-29, MIG-17 và các máy bay thu được của địch như T-41, UH-1, U-17, A-37. Trong điều kiện khó khăn về lực lượng cán bộ, giáo viên, chỉ huy bay cũng như trang bị, khí tài…,

 

Trung đoàn đã đoàn kết một lòng, chủ động sáng tạo, vượt qua mọi thử thách tổ chức huấn luyện bay đúng kế hoạch. Chất lượng đào tạo không ngừng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của đơn vị và Quân chủng. Song song đó, Trung đoàn còn hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo phi công và bay vận chuyển quân sự cho nước bạn Lào và Campuchia, bay diễn tập hợp đồng chiến đấu quân binh chủng, bay thăm dò địa chất, bay phun thuốc trừ sâu và bay biểu diễn phục vụ nhân dân trong những ngày lễ lớn của dân tộc.  

kq-081103.jpg

Trung đoàn Không quân 910 ra quân huấn luyện bay - Ảnh: X.HIẾU

 

Năm 1981, Trung đoàn được bổ sung loại máy bay mới L-39, công tác huấn luyện đào tạo phi công trên 2 loại máy bay L-29 và L-39 được thực hiện theo một quy trình chuẩn. Từ năm 1990 trở lại đây, nhất là giai đoạn 1990 – 1994, trước biến động của tình hình chính trị thế giới, sự khủng hoảng của các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô, công tác bảo đảm máy bay, khí tài hàng không gặp nhiều khó khăn. Lãnh đạo, chỉ huy Trung đoàn đã kịp thời động viên bộ đội phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường; thực hiện tốt cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”. Các cấp ủy đảng đã thường xuyên coi trọng công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ huấn luyện bảo đảm an toàn bay, rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy, thực hiện tốt các phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt, rèn luyện tốt”, “Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện”, “Thanh niên giành 3 đỉnh cao Quyết thắng”…Nhiều đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã được nghiệm thu, đưa vào sử dụng  đạt hiệu quả  thiết thực như “Quy trình chuẩn bị bay L-39”, “Quy trình tăng hạn thiết bị lẻ trên động cơ L-39”, “Tập giáo trình bài giảng HLB”. Vì vậy, số máy bay L-39 và L-29 đã có thời gian và giờ sử dụng vượt xa so với quy định, đã nhiều lần đại tu kéo dài, tăng tuổi thọ sử dụng. Với quan điểm giữ tốt, dùng bền và bằng nhiệt huyết truyền thống vượt khó, đội ngũ nhân viên kỹ thuật Trung đoàn luôn đảm bảo đủ máy bay cho nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo.  Năm 1997, Trung đoàn được trang bị thêm loại máy bay YAK - 52. Chỉ trong 2 tháng chuyển loại, cán bộ, giáo viên và các thành phần  kỹ thuật đã nhanh  chóng nắm vững tính năng kỹ thuật, ổn định tổ chức, bước vào huấn luyện bay đào tạo học viên trên máy bay YAK – 52 và khẳng  định tính ưu việt về chất lượng, hiệu quả khi đào tạo học viên năm thứ nhất trên loại máy bay này, góp phần hoàn thiện quy trình đào tạo học viên của Trường Sĩ quan Không quân. Đến đầu năm 2003, số lượng đào tạo học viên tăng lên phi đội bay YAK – 52, phát triển thành một Trung đoàn làm nhiệm vụ đào tạo học viên bay năm thứ nhất trên máy bay YAK – 52.

 

* Đất nước ta đang đẩy mạnh công cuộc  đổi mới theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Trung đoàn Không quân 910 sẽ làm gì để góp phần tích cực vào sự nghiệp này, xứng đáng với truyền thống vẻ vang nửa thế kỷ qua, thưa Thượng tá?

 

- Phát huy thành tích và truyền thống đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cán bộ, giáo viên, học viên, chiến sĩ, công nhân viên Trung đoàn Không quân 910 không ngừng rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và thắng lợi của cách mạng Việt Nam, nhận thức sâu sắc nhiệm vụ của mình, cùng với các đơn vị của Trường Sĩ quan Không quân mãi mãi xứng đáng là trung tâm đào tạo phi công, là cái nôi chắp cánh cho các thế hệ trẻ Việt Nam thực hiện ước mơ bay lên làm chủ bầu trời Tổ quốc. Đơn vị không ngừng học tập, nghiên cứu, đổi mới nội dung, chương trình, quy trình, phương pháp đào tạo phi công, khắc phục mọi khó khăn, nâng cao chất lượng công tác bảo đảm kỹ thuật, bảo đảm hậu cần và các công tác bảo đảm khác, củng cố cơ sở vật chất, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. Động viên và phát huy trí tuệ, tiềm năng và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong mọi lĩnh vực công tác. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt, rèn luyện tốt”, thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động do Đảng, quân đội, Quân chủng và Trường Sĩ quan Không quân phát động. Hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo, bảo đảm an toàn bay vững chắc, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Đồng thời, hoàn thành tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quyết không để bị bất ngờ trong mọi tình huống, bảo vệ vững chắc vùng trời của Tổ quốc yêu thương, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, của nhân dân cả nước.

 

* Xin  cảm ơn Thượng tá!

 

HOÀNG CHƯƠNG (thực hiện)

 

50 năm qua, Trung đoàn Không quân 910 đã huấn luyện, đào tạo 72 khóa trên 12 kiểu loại máy bay, đào tạo hàng trăm giáo viên, chỉ huy bay và trên 1.000 phi công. Trong đó, có 11 phi công từng đào tạo, bổ túc chuyển loại ở Trung đoàn tham gia chiến đấu, huấn luyện và lập công xuất sắc, được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là các đồng chí Phạm Tuân, Đinh Tôn, Đỗ Văn Lanh, Lê Hải, Nguyễn Đình Khoa, Lê Khương, Nguyễn Văn Ba và các anh hùng liệt sĩ Phan Như Cẩn, Nguyễn Phi Hùng, Nguyễn Văn Bảy (B), Dương Văn Thanh. Nhiều đồng chí trưởng thành là cán bộ cao cấp, tướng lĩnh, giữ các cương vị chủ chốt của quân đội, Quân chủng và Trường Sĩ quan Không quân.

 

Trong 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Trung đoàn đã được tặng thưởng 2 huân chương chiến công hạng nhất, 1 huân chương chiến công hạng nhì, 2 huân chương chiến công hạng ba, năm 1979 được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tặng lẵng hoa, được tặng 4 cờ thưởng các loại và 30 năm Trung đoàn  được công nhận danh hiệu Đơn vị Quyết thắng. Ngày 12/12/2000, Trung đoàn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới.

  

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek