Thứ Hai, 07/10/2024 07:24 SA
Bác Hồ với người tốt việc tốt
Thứ Năm, 30/10/2008 13:00 CH

Từ năm 1964 đến 1969, tôi là cán bộ kỹ thuật ở nông trường quân đội miền Nam Phú Sơn (Thanh Sơn, Phú Thọ). Đây là một vùng trung du miền núi khá heo hút, được ca dao nhắc đến:

 

Ai lên đồn Ước đồn Vàng

Má hồng để lại da vàng mang theo

 

Từ đây có đường về Phú Thọ (cách đó 30 cây số), đường đi Phà Ngọc (Hòa Bình). Đội 7 bên kia sông Bứa có đường đi Thu Cúc, Tây Bắc sang Lào. Năm 1965, giặc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Trung ương Đoàn Thanh niên phát động phong trào: “Thanh niên ba sẵn sàng, phụ nữ ba đảm đang”. Bộ đội miền Nam tập kết, một số trở lại quân ngũ về Nam chiến đấu. Thanh niên công nhân vào bộ đội. Chị em phụ nữ thay nam giới chạy máy, lái máy kéo, lái xe bò. Phương tiện sản xuất chuyển vào sơ tán. Đường sá trước đây vắng vẻ, bỗng nhiên năm 1967 nườm nượp người qua lại: bộ đội hành quân, thanh niên xung phong làm đường, người dưới quê, đồng bằng đi sơ tán, xây dựng kinh tế mới, người dân tộc thiểu số đi chợ xuôi. Quán xá không có, khát nước họ vào nhà dân, bếp ăn tập thể xin nước uống. Không có thì họ uống nước lã, nước suối. Tổ công nhân cấp dưỡng Trần Thị Bê phụ trách bếp ăn tập thể đội 7 cho 70 công nhân, hàng ngày chứng kiến cảnh người đi đường xin nước, cảm  thấy ái ngại. Bê nghĩ: Vì ai mà họ phải xa nhà? Vì giặc Mỹ gây ra chiến tranh. Để họ phải uống nước lã, nước bẩn, bị bệnh, mình có tội. Nhưng để họ sục vào bếp ăn tập thể đã sơ tán vào gộp đá, lùm cây thì cũng không ổn.

 

Bê lên gặp đội trưởng trình bày, xin cho mình được gánh thêm nhiệm vụ tiếp tế nước chín cho người đi đường. Đội trưởng Thanh lo ngại cho Bê đã vất vả với việc nấu cơm, đánh xe bò tiếp phẩm, nhưng chị một mực báo “làm được”. Mới 4g30 sáng, hai cô cấp dưỡng Bê, Ngọt đã dậy “nổi lửa”; 6g30, cơm canh, cá thịt chín, theo hiệu kẻng, tất cả công nhân tập trung, lớp ăn, lớp dỡ vào cà mèn; 7g30, tất cả lên lô, làm cỏ bón phân, hái cà phê, cạo mủ cao su. Sau khi thu dọn, Trần Thị Bê đun thêm nồi nước sôi đổ vào thùng có khóa vòi, đem ra đặt dưới gốc cây bên vệ đường. Nắng lên, người đi đường ghé uống. Bê hái lá cơm xôi đốt cháy bỏ vào nồi nước. Có lúc cô bỏ cơm cháy. Nước có màu vàng sánh, giải nhiệt. Các bác công nhân già thấy vậy đóng cho cái chạn kê cao thùng nước, cái bàn tre và mấy cái ghế ngồi. Có người góp mấy cái ca để giờ cao điểm, nhiều người, đủ uống.

 

Ngủ trưa từ 11g đến 13g, thức dậy, Bê lại chạy ra thăm thùng nước, hết thì châm thêm, đứng nói chuyện tình hình chiến sự với mấy anh bộ đội. Bê lại quay vào bếp lặt rau, đãi gạo, lo bữa ăn chiều. Lâu thành quen, người đi đường lấy thùng nước cô Bê làm địa điểm, trạm nghỉ, gọi nhau là quán nước cô Bê (dù uống không tốn tiền) hoặc thùng nước bên đường.

 

Trong hội nghị Phụ nữ ba đảm đang do nông trường tổ chức, Trần Thị Bê, cô công nhân 5 tuổi nghề, 26 tuổi đời được báo cáo điển hình về công việc của mình và được hoan nghênh nhiệt liệt.

Là một thông tin viên Báo Tiền Phong, làm sao tôi bỏ qua nhân vật này. Tôi thu thập đủ tư liệu viết bài gửi cho báo với nhan đề “Thùng nước bên đường”. Bài được đăng trên trang 2 Báo Tiền Phong, sau đó được Báo Nhân Dân đăng lại, được Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng. Cả nông trường vui mừng vì có người được cả nước biết đến, nêu tên. Một tháng sau, có cán bộ ở UBND tỉnh Phú Thọ về cho biết Bác Hồ tặng huy hiệu cho cô Bê. Đêm phát động thi đua, giám đốc đọc quyết định, gắn huy hiệu Bác, cô Bê cảm động quá không nói nên lời chỉ ấp úng: “Con, con… cám ơn Bác. Con hứa…. Hứa cố gắng…”. Tôi được mời lên ghế đại biểu với lời giới thiệu “tác giả bài báo”.

 

Sau đó, có dịp về Hà Nội công tác, ghé vào Báo Tiền Phong (15 Hồ Xuân Hương), tôi được Tòa soạn cho xem tờ báo Tiền Phong có đăng bài “Thùng nước bên đường” và bút tích, cả dấu hỏi, khoanh tròn của Bác. Tôi không cầm được nước mắt. Ôi, một Chủ tịch nước, lãnh đạo Đảng, bận trăm công ngàn việc, vậy mà Bác không bỏ sót một bài báo nhỏ. Việc làm của cô công nhân ở nơi đèo heo hút gió vẫn được Bác quan tâm.

 

Bác đã từng nói: “Một người tốt, một việc tốt là một bông hoa đẹp. Một tập thể tốt là một vườn hoa đẹp. Cả nước Việt Nam là một rừng hoa đẹp”.

 

Bác coi trọng việc biểu dương người tốt việc tốt, cổ động tuyên truyền để mọi người noi theo. Đọc báo, nghe tin nơi nào có gương người tốt việc tốt là Bác cho xác minh, gửi tặng huy hiệu của Người. Tính cho đến lúc mất, Bác đã tặng 3.600 huy hiệu. Anh hùng lái máy bay Nguyễn Văn Cốc bắn hạ 9 máy bay Mỹ, được Bác thưởng 9 huy hiệu, nhiều nhất. Một lần đi thăm bộ đội phòng không không quân, Bác bảo: “Các chú thi đua để có nhiều Cốc hơn nữa!”. Bác giao cho đồng chí Hà Huy Giáp tập họp gương người tốt, việc tốt in thành sách để mọi người cùng đọc, cùng làm theo.

 

Bài viết “Thùng nước bên đường” của tôi được đăng trên sách “Người tốt việc tốt”. Gương cô Bê đã cổ vũ phong trào thi đua ở nông trường tôi, các chỉ tiêu sản xuất và giao nộp sản phẩm đều đạt và vượt kế hoạch. Riêng Trần Thị Bê được kết nạp Đảng, được bầu Chiến sĩ thi đua.

 

Trong suốt cuộc đời viết báo của mình, tôi luôn chú trọng nêu gương người tốt việc tốt, “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”.

 

CAO PHI YẾN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek