Thứ Ba, 08/10/2024 07:31 SA
Không có HĐND phường, chính quyền cùng cấp vẫn đảm bảo hoạt động
Thứ Năm, 16/10/2008 14:30 CH

Nghị quyết số 17- NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước, có nội dung: “Ở huyện, quận, phường không tổ chức HĐND, nhưng có cơ quan hành chính là UBND”. Ngày 15/8/2008, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 209/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng về việc cho phép xây dựng Đề án thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường.

 

KHÔNG ẢNH HƯỞNG LỚN ĐẾN CHÍNH QUYỀN PHƯỜNG

 

Theo chúng tôi, việc không tổ chức HĐND phường là một quyết định phù hợp với quy luật phát triển xã hội. Chính quyền phường hiện nay có HĐND và UBND, có thẩm quyền quyết  định và giám sát các vấn đề kinh tế - xã hội ở địa phương. Nhưng khác với xã là các vấn đề về kinh tế - xã hội trên địa bàn của phường cơ bản trở thành bộ phận không tách rời của kinh tế - xã hội thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Cho nên, thời gian qua, các nghị quyết của HĐND phường thường có nội dung trùng với nghị quyết HĐND cấp trên, chỉ có khác là trên phần địa giới quản lý hành chính của phường.

 

Như vậy, một vấn đề mà vốn là thống nhất, liên thông nhiều phường như điện, nước, giao thông, quy hoạch, thương mại… thì phải cắt khúc nhiều đoạn để thông qua nhiều đơn vị, trong nhiều thời gian là việc làm chồng chéo, không hiệu quả. Thêm nữa, tiếp xúc cử tri là hoạt động dân chủ theo luật định, nhưng ở phường lại mang tính hình thức, ít được sự quan tâm của cử tri, vì trước khi đại biểu HĐND phường tiếp xúc cử tri, bà con cũng đã nghe đại biểu HĐND thị xã, thành phố về tiếp xúc với những nội dung tương tự. Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) yêu cầu “Ở phường không tổ chức HĐND” là để giải quyết các tồn tại trên. Không tổ chức HĐND phường là để tránh trùng lắp công việc, không  tốn thời gian thông qua nghị quyết và cũng không tốn thời gian tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp.

 

Lịch sử phát triển làng, xã Việt Nam từ khởi thủy đến hiện tại cho thấy, cộng đồng cư dân đô thị mới hình thành và phát triển vào những thập niên đầu thế kỷ XX. Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959 chưa đề cập đến phường, đến Hiến pháp năm 1980 mới đề cập, lúc này mô hình hoạt động giữa xã và phường không có gì khác nhau. Đến Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003 mới bổ sung thêm trách nhiệm, quyền hạn của phường từ trách nhiệm, quyền hạn của xã.

 

Do vậy, theo chúng tôi, nếu chính quyền phường không có HĐND nhưng vẫn còn UBND thì không có biến động lớn. Luật Bầu cử hiện hành quy định các phường có từ 25-35 đại biểu HĐND, bình quân hiện nay mỗi phường có khoảng 28-30 đại biểu, có Thường trực HĐND bao gồm chủ tịch và phó chủ tịch, Văn phòng UBND phục vụ cả HĐND. Chế độ phụ cấp đại biểu HĐND cấp xã, phường là 0,3 mức lương tối thiểu, lương phó chủ tịch HĐND: 2,45, chủ tịch HĐND: 2,65. Các đại biểu HĐND là người tham gia quản lý phường, thường từ khu phố trưởng trở lên. Chủ tịch HĐND phường hầu hết là bí thư Đảng ủy, phó bí thư Đảng ủy, chỉ có phó chủ tịch HĐND phường là chuyên trách.

 

Nếu không tổ chức HĐND phường thì các nguyên đại biểu tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của chính quyền, của Đảng, của đoàn thể. Chỉ có chức danh phó chủ tịch HĐND phường thì cần bố trí, sắp xếp cho phù hợp.

 

TỔ CHỨC NÀO ĐẠI DIỆN CHO CỬ TRI PHƯỜNG?

 

Theo chỉ đạo bầu cử HĐND thị xã, thành phố thuộc tỉnh đều có ứng cử viên HĐND nơi cư trú, công tác ở các phường. Do vậy, trên địa bàn không rộng và dân cư sống tập trung, thường trực HĐND thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thể phân công tổ đại biểu HĐND cấp mình về công tác đại biểu nhân dân trên địa bàn phường. Còn đại diện cho dân trong phường để giám sát các hoạt động Nhà nước diễn ra trên địa bàn? Đây là chức năng cơ bản của HĐND, nhưng do chức năng quyết định bị chồng chéo như trên đã trình bày, cho nên chức năng giám sát của HĐND phường thời gian qua cũng không hiệu quả.

Nay không còn HĐND phường thì không có nghĩa là không còn hoạt động giám sát, mà tổ đại biểu HĐND cấp  trên ở trên địa bàn thực hiện hoạt động này. Ngoài ra, Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn ngày 20/4/2007 quy định rất rõ trách nhiệm của khu phố trưởng, của chủ tịch và UBND phường về các nội dung công khai dân biết, dân bàn, dân giám sát. Luật Khiếu nại, tố cáo và các văn bản pháp luật khác có nhiều chương, điều quy định về quyền dân chủ, trong đó có nội dung kiểm tra, giám sát của công dân. Pháp luật nước ta cũng quy định rất rõ vai trò giám sát của Mặt trận, công đoàn và các đoàn thể.

LÊ NHỊ

(Trường Chính trị Phú Yên)

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek