Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Michalak, ông Lê Kế Sơn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Ban chỉ đạo 33), cho biết tham gia các nhóm này sẽ là các nhà khoa học và một số thành viên của JAC, với sự góp ý của một số chuyên gia trong và ngoài nước và một số nhà tài trợ.
Các nhóm công tác được thành lập để xây dựng các chương trình với danh mục các hoạt động ưu tiên trong lĩnh vực môi trường như xác định mức độ, quy mô ô nhiễm, lựa chọn xử lý phù hợp, xây dựng các dự án tổng thể và các dự án nhỏ để từng bước giải quyết triệt để ô nhiễm điôxin ở Đà Nẵng, Biên Hòa và Phù Cát.
Nhóm công tác cũng sẽ tham gia xây dựng một khung chương trình với các hoạt động ưu tiên đối với sức khỏe con người, như chăm sóc người khuyết tật, bao gồm cả các nạn nhân của chất da cam/điôxin, và tư vấn sinh sản, di truyền để hạn chế sinh ra những trẻ em bị dị tật bẩm sinh.
Theo Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michalak, thông qua Cơ quan Điều phối Viện trợ Quốc tế Mỹ, Chính phủ Mỹ đã cam kết dành 3 triệu USD để giúp Việt Nam khắc phục hậu quả chất da cam/điôxin và một phần của số tiền này sẽ được sử dụng cho sự hoạt động của các nhóm công tác này.
Tiến sĩ Lê Kế Sơn cho biết trong thời gian qua, với sự tài trợ của Quỹ Ford của Mỹ, Việt Nam đã xây dựng công trình ngăn chặn sự lan tỏa điôxin trong khu vực sân bay Đà Nẵng. Các chuyên gia của Cơ quan Bảo vệ Môi trường của Mỹ (USEPA) đã tham gia quá trình thiết kế và tư vấn kỹ thuật cho công trình này.
Ngoài ra, hai bên đã thảo luận và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và lựa chọn các giải pháp kỹ thuật phù hợp xử lý điôxin ở Việt Nam. Phía Mỹ cũng giúp Việt Nam vẽ bản đồ khu vực ô nhiễm.
Theo đại sứ Michalak “sự hợp tác tuyệt vời” giữa Văn phòng 33 và chính phủ Mỹ cũng như các tổ chức phi chính phủ, trong đó có tổ chức Ford, là thành công lớn đạt được trong năm qua.
“Tôi tin rằng chúng ta đang ở thời điểm rất tốt đẹp trong quan hệ hợp tác Mỹ-Việt Nam, từ vấn đề tìm kiếm người mất tích (MIA) đến vấn đề điôxin, rồi rà phá bom mìn chưa nổ sau chiến tranh và những vấn đề khác ảnh hưởng đến người dân Việt Nam và chúng tôi muốn xây dựng quan hệ này tốt hơn nữa,” Đại sứ Michalak nói.
Cuộc họp lần thứ ba của Hội đồng tư vấn Việt-Mỹ - diễn đàn song phương dành cho đối thoại khoa học cấp cao về chất da cam/điôxin, diễn ra tại Hà Nội trong bốn ngày từ 8/9. Cuộc họp giúp hai chính phủ Việt Nam và Mỹ hiểu rõ hơn về mức độ phơi nhiễm của điôxin và đưa ra những khuyến nghị về sức khỏe con người và các tác động đối với môi trường của chất da cam/điôxin.
Theo TTXVN