Trong số những câu chuyện trong buổi giao lưu giữa lớp nguyên cán bộ Trung ương Cục miền Nam và các bạn trẻ Phú Yên hôm ấy, thì câu chuyện của bà Nguyễn Thị Châu (ở TP Hồ Chí Minh, nhân vật X trong tác phẩm “Sống như Anh” của nhà văn Trần Đình Vân) được ví như những thước phim chiếu chậm ngược về quá khứ hơn 40 năm trước với nhiều cung bậc tình cảm.
Bà Nguyễn Thị Châu (thứ hai từ phải sang) đang kể lại những lần vinh dự gặp Bác Hồ - Ảnh: TRẦN QUỚI |
Bà Nguyễn Thị Châu, nguyên mẫu trong tiểu thuyết “Áo trắng” của nhà văn Nguyễn Văn Bổng, nhân vật X trong tác phẩm “Sống Như Anh”, nhẹ nhàng xuất hiện trong buổi giao lưu như một người chị, người bạn lớn với thanh niên. Những câu chuyện kể về thời chiến đấu cũng như 4 lần gặp mặt Bác Hồ của bà trở thành bài học chung cho những người có mặt hôm ấy.
Có nỗi đau nào đau hơn nỗi đau mất nước, nỗi dày vò nào hơn nỗi dày vò cả về thể xác lẫn tâm hồn ở chốn lao tù… nhưng vượt lên trên những đau đớn, hờn căm, tủi nhục, những thiếu nữ áo trắng như chị X, chị Y (nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa), chị Quyên (vợ anh hùng Nguyễn Văn Trỗi)… vẫn kiên trung, trọn đời sắt son với cách mạng.
“Trong xà lim cấm cố nhà tù Phú Lợi (Biên Hòa), chúng thẳng tay đánh đập chúng tôi đến chết đi sống lại. Mỗi ngày chúng chỉ cho một bát cơm gạo mục trộn muối mặn chát và chỉ 1/3 lon nước cho cả uống lẫn vệ sinh. Rồi chúng đưa chúng tôi về Thủ Đức, nhốt xuống hầm sâu, dẫn ống khói nhà bếp vào nóng như ở trong lò thiêu và ho sặc sụa... Giữa tột cùng đau đớn ấy, niềm tin duy nhất là cố sống để được một lần gặp mặt Bác Hồ” – bà Châu, nhớ lại
Nhắc đến Bác Hồ, người phụ nữ gan dạ năm xưa đưa tay lau những giọt nước mắt xúc động, rồi bà kể về những lần may mắn được gặp Bác Hồ trước khi Người mãi mãi đi xa...
Đó là dịp 19/5/1969, tôi (Nguyễn Thị Châu) và Quyên được gặp Bác, được dùng cơm với Bác. Lần đầu tiên được gặp Bác Hồ, chúng tôi xúc động đến nỗi chỉ biết chạy ào đến ôm chặt Người, mà quên cả tặng hoa mừng thọ, dù đã cầm hoa trên tay. Trước mắt chúng tôi, Bác thiêng liêng, sáng ngời. Bác ân cần hỏi thăm từng người về gia đình, sức khỏe, người thân. Bác hỏi thăm gia đình Quyên, rồi xoay qua hỏi tôi: “Cháu có được tin tức gì của Lê Hồng Tư không?”. Tôi khóc òa (sau ngày thống nhất hai người mới gặp nhau)... Chúng tôi được ăn cơm với Bác, bữa cơm khá đơn giản dù là ngày sinh nhật Bác. Trên mâm có mấy miếng dồi trường luộc là ngon nhất thì Bác đã gắp cho chúng tôi mỗi đứa một miếng. Bác nói như một người cha già với con gái: “Châu ốm và xanh quá, chắc là bị chúng tra tấn nhiều lắm. Hai cháu phải cố ăn nhiều mới khỏe được…”.
Lần thứ hai chúng tôi được gặp Bác vào ngày 5/6/1969. Lần này Bác luôn dặn dò chúng tôi phải chăm lo sức khỏe và phải theo dõi sách báo, thời sự để khi trở về công tác không bị lạc hậu. Bác lại hỏi chuyện miền
Lần thứ ba, tôi được gặp Bác là ngày 12/7/1969 trước khi lên đường đi dự Đại hội Phụ nữ Quốc tế. Khi gặp tôi, Bác nhìn một lúc và bảo: “Chuyến đi này rất vất vả, Bác thấy Châu còn yếu và xanh quá, cháu phải dưỡng bệnh, nghỉ thật khỏe một thời gian rồi đi dự Hội nghị Thanh niên - Sinh viên thế giới thì hơn”. Rồi Bác hỏi tôi: “Không được đi công tác cháu có buồn, có khóc không?”. Bác động viên, an ủi hỏi tôi có lên được cân nào chưa, rồi dặn đủ thứ về chăm sóc sức khỏe như một người cha lo lắng cho con gái.
Lần thứ tư cũng là lần cuối cùng tôi được gặp Bác là ngày 14/8/1969 sau khi đi nghỉ dưỡng ở Hạ Long về và chuẩn bị đi dự Hội nghị Thanh niên - Sinh viên thế giới. Lúc ấy Bác bệnh và rất mệt. Ngồi trên chiếc ghế mây, mặc áo ấm, khăn quàng cổ, đầu đội mũ mà Bác vẫn ho sụt sùi. Nhưng Bác vẫn tươi cười hỏi chuyện tôi có tăng được ký nào chưa, rồi Bác kêu chú Vũ Kỳ mang cân ra bắt tôi cân. Chú Kỳ báo “Châu lên được 2kg”. Bác cười vui, lại xoa đầu như người cha yêu mến.
Bà Nguyễn Thị Châu không ngờ được đó là lần cuối cùng gặp Bác, vị lãnh tụ vĩ đại nhưng cũng quá đỗi bình dị thân thương.
Ngăn cơn xúc động, bà Châu nói: Bác trong tôi là thế, bình dị, gần gũi và thân thiết, luôn lo cho người khác trước khi nghĩ về mình. Trong bữa ăn của vị Chủ tịch chưa bao giờ quá 3 món. Không phải vì thiếu thốn, vấn đề là Bác thực hành tiết kiệm trong điều kiện đất nước còn nghèo. Hình ảnh ấy, bài học ấy theo tôi suốt cuộc đời, nguyện sống xứng đáng với tình cảm của Bác và là bài học lớn để giáo dục con cháu mình.
Trong những lần được gặp Bác, điều Bác quan tâm nhất vẫn là lớp thanh niên. Đối với thanh niên, Bác dạy phải năng đọc báo để nắm thời sự, đọc sách để tâm hồn trong sáng, học ngoại ngữ để giao tiếp với người nước ngoài, đọc tài liệu khi cần thiết. Học tập Bác thì học nhiều thứ từ tu dưỡng đạo đức cách mạng thành con người mới XHCN, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư đến đức tính giản dị, có tình có nghĩa trong cuộc sống hàng ngày. Có hai điều Bác nghiêm khắc nhắc nhở thanh niên không được học Bác, vui mà thật, đó là: Không hút thuốc lá và phải xây dựng gia đình. Bác nói, hút thuốc có hại cho sức khỏe, còn thanh niên không chịu lập gia đình sẽ tổn hại đến sự phát triển giống nòi, sức mạnh của đất nước.
Những câu chuyện giản dị mà xúc động của bà Châu kể lại về những lần gặp Bác khiến chúng tôi, những người có mặt hôm ấy, ai cũng xúc động. Mọi người, ai cũng tự hứa với lòng mình sẽ cố gắng làm tốt những điều Bác dạy và kỳ vọng vào thanh niên: Không ngừng học tập trở thành con người cách mạng phụng sự nhân dân, phụng sự đất nước; biết sống hướng về cộng đồng, mình vì mọi người!
TRẦN QUỚI
(ghi theo lời kể của bà Nguyễn Thị Châu)