Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 10, sáng 21/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Tăng cường phân cấp, phân quyền
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết việc xây dựng dự án Luật nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển, hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của quản lý Nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Dự thảo Luật gồm 10 chương và 102 điều, tập trung vào 4 nhóm nội dung lớn, gồm: nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh và đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện.
Dự thảo luật quy định hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tổ chức thành 3 cấp theo chuyên môn gồm: cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu; cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản; cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long phân tích việc chia thành 3 cấp chuyên môn cùng với việc cho phép thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa và kết hợp với sử dụng các công cụ về tài chính y tế như giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Việc này cũng xác định chức năng, mức độ cung cấp dịch vụ mà mỗi cấp chuyên môn bắt buộc phải đáp ứng để từng bước chuẩn hóa chất lượng cung cấp dịch vụ, tiến tới việc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ khả năng cung cấp đầy đủ các dịch vụ cơ bản, tăng khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh ngay tại cơ sở, hạn chế tình trạng người bệnh phải chuyển viện như hiện nay.
Chính phủ thống nhất quy định việc sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh tại Điều 22 dự thảo luật theo hướng người nước ngoài nếu hành nghề lâu dài tại Việt Nam phải biết tiếng Việt thành thạo.
Quy định này nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của người hành nghề và của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế việc xảy ra các sự cố y khoa lỗi phiên dịch; bảo đảm hội nhập quốc tế và hoàn toàn phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: TTXVN |
Minh bạch tài chính trong dịch vụ khám chữa bệnh
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết dự án Luật đã thể chế hóa được quan điểm, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đảm bảo chính sách dân tộc cũng như đã được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới theo quy định. Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Cơ bản nhất trí với các chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh (Điều 4 dự thảo Luật), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW, đặc biệt là các nội dung về y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu, xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả đào tạo và đãi ngộ cán bộ y tế; đồng thời, cụ thể hóa các chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã được nêu tại Hiến pháp.
Về hệ thống tổ chức cơ sở khám chữa bệnh, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng việc cải cách hệ thống khám chữa bệnh là cần thiết, tuy nhiên, dự thảo cần quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu và mối liên hệ của các cấp khám chữa bệnh nhằm xác định các chuyên môn kỹ thuật tương ứng; quy định lộ trình thay đổi cách thức phân cấp khám chữa bệnh; làm rõ mối quan hệ giữa phân hạng cơ sở khám chữa bệnh với các cấp cơ sở khám chữa bệnh.
Liên quan đến chính sách sử dụng ngôn ngữ trong khám chữa bệnh tại Việt Nam đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng quy định chặt chẽ về việc sử dụng ngôn ngữ trong khám chữa bệnh là cần thiết. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu lộ trình áp dụng để đảm bảo tính khả thi, đồng thời, cần xác định rõ tiêu chí "biết tiếng Việt thành thạo" và "cùng ngôn ngữ mẹ đẻ" nhằm bảo đảm tính minh bạch của quy định, tránh tạo rào cản kỹ thuật đối với người nước ngoài hành nghề tại Việt Nam.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho rằng, chính sách của Việt Nam là mở cửa hội nhập, rất cần tiếp cận kỹ thuật, công nghệ và nhân lực y học tiên tiến. Do đó, không nên dựng rào cản ngôn ngữ mà thay vào đó nên quản lý về chuyên môn và chất lượng phiên dịch.
Khẳng định hồ sơ dự án luật đủ điều kiện trình ra Quốc hội xem xét, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt ra nhiều vấn đề cần rà soát, làm rõ hơn trong dự thảo Luật về quan điểm, đường lối của Đảng về chăm sóc sức khỏe nhân dân; đảm bảo bình đẳng, công bằng giữa các chủ thể công và tư trong cung cấp dịch vụ y tế; minh bạch về tài chính trong dịch vụ khám chữa bệnh của các cơ sở khám chữa bệnh khác nhau; thể chế hóa, cụ thể hơn chủ trương xã hội hóa trong hoạt động khám chữa bệnh gắn với nâng cao chất lượng, phát huy tốt hơn nữa vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong hoạt động khám chữa bệnh.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra rà soát, làm rõ hơn vai trò của các tổ chức, các hội chuyên môn nghề nghiệp trong việc bảo vệ quyền, trách nhiệm của người hành nghề; xem xét bổ sung quy định cho phép các hội chuyên môn nghề nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo chuyên môn, cấp chứng chỉ hành nghề.
Chỉ ra sai phạm, tiêu cực từ mua sắm vật tư, trang thiết bị, thuốc men cho đến khám chữa bệnh, Chủ tịch Quốc hội lưu ý đến cơ chế tài chính. Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập quy định những đơn vị sự nghiệp công lập, kể cả y tế và giáo dục, tự chủ tài chính phải thực hiện kiểm toán và công khai báo cáo tài chính như doanh nghiệp.
Do đó, ban soạn thảo phải tính toán để quy định về cơ chế tài chính trong luật này và các pháp luật về tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập của cơ sở khám chữa bệnh nhằm bảo đảm công khai, minh bạch để người thầy thuốc tập trung vào chuyên môn, không lo lắng về chuyện quản lý.
Theo TTXVN/Vietnam+