Chủ Nhật, 22/09/2024 14:31 CH
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn:
“Nóng” các vấn đề về nông nghiệp, giao thông nông thôn
Thứ Sáu, 18/07/2008 08:30 SA

Chiều qua (17/7), kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh Phú Yên tiến hành phiên chất vấn, trả lời chất vấn. Các đại biểu HĐND tỉnh đã có ý kiến chất vấn đến 16 sở, ban, ngành, đơn vị. Tuy nhiên do thời gian hạn chế, chỉ có hai Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn và Sở Giao thông- vận tải đăng đàn trả lời những vấn đề “nóng” của đại biểu chất vấn.

 

nguyenthaihoc-080718.jpg

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Sông Hinh): “Đường vừa đưa vào sử dụng đã bị hư hỏng nặng. Sao đến nay vẫn không sửa chữa?”

dotrison-080718.jpg

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Phú Yên Đỗ Trí Sơn: “Không có vốn thì chịu, chúng tôi rất bức xúc nhưng không có lỗi với cử tri...”

 

4 NĂM CHƯA ĐỀN BÙ TIỀN ĐẤT CHO NÔNG DÂN

 

Có đến 28 câu hỏi của cử tri, các đại biểu HĐND gửi trước kỳ họp kiến nghị, chất vấn xung quanh lĩnh vực nông – lâm - ngư nghiệp, nước sạch. Trong đó nổi lên các vấn đề về đền bù cho nông dân, giống cây trồng, vật nuôi, dịch bệnh, cải tạo mở rộng cảng cá. Mặc dù Giám đốc Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn (NNPTNT) Phú Yên Võ Minh Thức đã có văn bản trả lời trước song vẫn chưa thỏa mãn các đại biểu.

 

Xung quanh việc đền bù cho 313 hộ nông dân của các xã An Mỹ, An Hòa, An Hiệp (Tuy An) bị mất đất do làm kênh Phú Vang, ông Võ Minh Thức cho rằng trách nhiệm thuộc về Công ty TNHH một thành viên thủy nông Đồng Cam. Sở NNPTNT Phú Yên đã làm việc với giám đốc công ty này, trình UBND tỉnh, Sở Kế hoạch – Đầu tư ứng vốn để đền bù nhưng đang chờ xem xét cấp vốn. Đại biểu Phạm Thị Thùy Lê (huyện Tuy An) hỏi: “Kỳ họp trước đã hứa chi trả cho 313 hộ này trước quý II/2008, nhưng đến giờ vẫn cứ chờ. Tính đến thời điểm này, các hộ dân này đã chờ 4 năm trong khi giá cả không ngừng leo thang”. Bà Lê yêu cầu ông giám đốc Sở NNPTNT Phú Yên trả lời dứt khoát bao giờ đền bù. Liên quan việc đền bù, đại biểu Phan Văn Hào (Tuy An) phản ánh: Nhiều nông dân có đất ở gần khu vực hồ Đồng Tròn (huyện Tuy An) trước đây có đất sản xuất nằm trong quy hoạch; bây giờ phần đất này không còn thuộc quy hoạch nữa nên không đền bù. Như vậy, từ bốn năm nay diện tích đất của nông dân không được sản xuất, thiệt hại này ai đền bù cho nông dân?”.

 

Do vấn đề đền bù có liên quan đến tài chính, nên chủ tọa kỳ họp yêu cầu Giám đốc Sở Tài chính Đỗ Duy Vinh trả lời. Ông Vinh cho biết: “Việc yêu cầu đền bù phải có hồ sơ dự toán từ đầu năm. Nhưng lâu nay, Sở Tài chính không hề nhận được đề nghị nào của các bên. Tỉnh đâu đến nỗi khó mà không đền bù cho dân? Vấn đề là các bên liên quan không hoàn thành trách nhiệm của mình”. Chủ tọa kỳ họp yêu cầu Sở NNPTNT có trách nhiệm rà soát giải quyết dứt điểm vấn đề này cho nông dân trong thời gian sớm nhất.

 

Đại biểu Nguyễn Văn Nhựt (huyện Tây Hòa) đặt vấn đề: Sở NNPTNT có biện pháp gì để hỗ trợ cho nông dân về giống cây trồng, vật nuôi bị dịch bệnh; việc quản lý bảo vệ rừng thế nào cho hiệu quả?; đây là vấn đề tồn tại lâu nay. Ông Võ Minh Thức trả lời: “Đây là một câu hỏi lớn, đòi hỏi phải tiến hành một cách đồng bộ trong hệ thống chính trị và toàn dân. Tuy nhiên, với trách nhiệm của sở chuyên trách, chúng tôi cũng đang tham mưu cho UBND tỉnh các vấn đề về sản xuất giống cây trồng lẫn vật nuôi theo hướng hiện đại, hiệu quả kinh tế cao. Hai đối tượng vật nuôi chủ lực mà sở đang tiến hành chọn giống là bò thịt và heo thịt; đồng thời xúc tiến xây dựng thương hiệu “bò vàng Phú Yên”.

 

Đại biểu Trần Hoa nêu ý kiến cử tri huyện Phú Hòa yêu cầu cho làm lúa 3vụ/năm thay vì 2 vụ/năm, vì theo phân tích của các nông dân lớn tuổi ở địa phương việc tăng vụ sẽ tạo thêm nhiều khoản lợi nhuận cho nông dân. Giám đốc Sở NNPTNT Võ Minh Thức kiên quyết bảo vệ quan điểm chỉ cho sản xuất hai vụ, bởi vấn đề này là chủ trương chung của Bộ NNPTNT.

 

Ý kiến chuyển đổi cảng cá Dân Phước (thị trấn Sông Cầu) sang mục đích du lịch của đại biểu Nguyễn Ngọc Ẩn được giám đốc Sở NNPTNT tiếp thu và cho biết sẽ có hướng giải quyết phù hợp vào thời điểm thích hợp. Tuy nhiên, trước mắt cần nâng cấp cảng cá này vì nó đang quá tải nghiêm trọng. Vấn đề là nhân dân, chính quyền địa phương cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tránh ô nhiễm bởi cảng cá này nằm sát trung tâm thị trấn Sông Cầu mà tương lai là thị xã Sông Cầu.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Diệu Thiền yêu cầu Giám đốc Sở NNPTNT trả lời cụ thể tiến độ thực hiện xây dựng các bờ kè chống xói lở khi mùa mưa đang đến, trong đó có đoạn kè sông Kỳ Lộ ở thôn Tân Long. Giám đốc Sở NNPTNT tiếp thu, hứa sẽ triển khai sớm. Ông Thức cho biết kè đập Đá Vải (huyện Sông Cầu) sẽ khởi công vào quý I/2009 vì hiện chưa hoàn tất hồ sơ; kè sông Ba đoạn thôn Bàn Thạch sở sẽ phối hợp cơ quan chức năng có biện pháp khác như trồng tre, dứa gai để chống xói lở chứ không thể xây kè vì kinh phí rất lớn. “Riêng kè Tân Long sông Kỳ Lộ xin hứa sẽ khởi công trong quý III năm nay. Nếu không làm được tôi hứa sẽ không có mặt ở diễn đàn HĐND vào kỳ họp tới”– ông Thức khẳng định.

 

LẠI THIẾU VỐN ĐẦU TƯ GIAO THÔNG NÔNG THÔN

 

Nhiều đại biểu HĐND tỉnh đã phản đối quyết liệt trước việc Sở Giao thông- Vận tải Phú Yên nêu lý do thiếu vốn, nên không thực hiện một số công trình giao thông nông thôn trong giải trình bằng văn bản. Đại biểu Ngô Đình Quốc hỏi: “Hệ thống đường gom, cống chui tại Xí nghiệp đông lạnh thuộc xã Hòa Thành (Đông Hòa) đã kiến nghị 4 năm nay vì sao không có chuyển biến? Đề nghị trả lời dứt khoát là có làm hay không?”. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (huyện Đông Hòa) nói thêm: “Dân ở đây không có tội, nhưng nếu bảo không có trong dự án, không có vốn để làm thì bắt dân phải chịu sao?”. Chủ tọa kỳ họp Trịnh Thị Nga cũng đồng tình, nhấn mạnh: “Việc nâng nền làm quốc lộ khiến chỗ ở người dân trở thành vùng trũng. Ngành giao thông đã hứa đi hứa lại nhiều lần ở các kỳ họp trước nhưng vẫn không thực hiện. Lần này, tiếp tục nêu lý do không có kinh phí là không thỏa đáng, dứt khoát phải khắc phục vấn đề này. Yêu cầu Sở Giao thông- Vận tải, UBND tỉnh cần có biện pháp khắc phục kịp thời”. Giám đốc Sở Giao thông- Vận tải Đỗ Trí Sơn vẫn loanh quanh với lý do không có vốn, không đưa đường gom này vào dự án đường tránh quốc lộ nên không xin kinh phí từ Cục đường bộ. Ông Sơn nói: “Tôi là người làm giao thông nên rất thông cảm với nhân dân trong cảnh đường đi bị ngập nước, lầy lội(!?). Nhưng chúng tôi lực bất tòng tâm, không có kinh phí thì chịu!”.

 

Cũng vấn đề giao thông nông thôn, đại biểu Nguyễn Thái Học (huyện Sông Hinh) hỏi: “Đường ĐT 645 đoạn từ Tây Hòa đi Sông Hinh hư hỏng nặng sao không sửa chữa?”. Giám đốc Đỗ Trí Sơn trả lời đã sửa chữa từng đoạn,song chỉ ưu tiên đoạn có lưu lượng xe đông hơn để sửa chữa. Ba đoạn trên đường này đã lập dự toán, phê duyệt kinh phí 5 tỉ đồng, nhưng… phải chờ vốn. Đại biểu Học hỏi tiếp: “Đường từ Ea Bá đi Ea Lâm kinh phí 40 tỉ đồng đưa vào sử dụng nhưng không bao lâu đã bị hư hỏng nặng. Kỳ họp lần trước chúng tôi đã kiến nghị bằng văn bản nhưng không hiểu sao vẫn không chuyển biến?”. Ông Sơn trả lời đường này do địa phương quản lý, sở dĩ bị hư hỏng xuống cấp nhanh là do lưu lượng đi lại lớn, xe quá tải trọng!. Đại biểu Nguyễn Thái Học nói ngay: “Huyện Sông Hinh chưa hề quản lý công trình này bởi khi bàn giao huyện không ký nhận vì chất lượng công trình. Cũng không có chuyện xe quá tải trọng, nếu có thì chỉ có xe công trình mà thôi”. Ông Đỗ Trí Sơn đồng ý có việc xe tải trọng lớn hơn thiết kế của các nhà thầu xây dựng. Ông Sơn giải thích rằng do đoạn đường này có năm nhà thầu thi công nên đã góp phần làm hư hỏng đường!

 

THẾ NHƠN – CHÍ BẢO

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek