Thứ Ba, 01/10/2024 16:31 CH
Hệ thống tự miễn dịch trong thời kinh tế thị trường
Thứ Sáu, 07/04/2006 14:17 CH

Trong đời sống xã hội hiện nay, khi có những vấn đề tiêu cực xảy ra từ phía cán bộ, công chức hay từ các cán bộ quản lý doanh nghiệp Nhà nước, người ta thường đổ lỗi cho  cơ chế thị trường. Trong cách nhìn của khá nhiều người, tham nhũng, buôn lậu hay những  con bạc triệu đô  là những hậu quả tất yếu của cơ chế thị trường, do cơ chế thị trường mà ra. Trên thực tế, điều này có phải như vậy và chúng ta nên nhìn nhận nó như thế nào?

 

Thực ra, suy cho cùng, việc  đổ lỗi  này là hơi dễ dãi. Nói như vậy là vì một lý do đơn giản: Ở những nước có nền kinh tế thị trường rất phát triển với những thể hiện đầy đủ nhất của nó, quốc nạn tham nhũng không hề nghiêm trọng như ở nước ta mà trái lại, nó được kiểm soát rất tốt. Hơn thế nữa, nếu giả sử rằng, bây giờ (với mô thức tổ chức xã hội hiện tại) nền kinh tế nước ta là nền kinh tế tập trung, kế hoạch hóa nhưng mức độ của cải giống như bây giờ, thì liệu chúng ta có dám chắc là sẽ không có chuyện tham nhũng xảy ra?

 

Rõ ràng rằng kinh tế thị trường là nền kinh tế vô cùng đa dạng, phức tạp và biến hóa không ngừng ví như một cơ thể dễ nhiễm bệnh . Do sống trong một  cơ thể dễ nhiễm bệnh  như vậy nên các nước có trình độ phát triển cao hiện nay, trong mô thức tổ chức xã hội của mình, đã xây dựng được một  hệ thống tự miễn dịch  khá tốt. Vì thế những vấn đề mà chúng ta thường gọi là  hậu quả của cơ chế thị trường điển hình là nạn tham nhũng được kiểm soát rất hiệu quả.

 

Chúng ta có thể hiểu  hệ thống tự miễn dịch  trong mô thức tổ chức xã hội là những thiết chế đóng vai trò phòng chống và khắc phục những mặt tiêu cực có thể xảy ra trong xã hội. Trong bối cảnh ở nước ta hiện nay, hệ thống này rất đa dạng: cơ chế phê bình, tự phê bình và các cơ quan kiểm tra của Đảng; vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; chức năng giám sát của Quốc hội, hệ thống thanh tra, công an, tòa án, viện kiểm sát … Ngoài ra, vai trò giám sát của báo chí, của nhân dân cũng có hiệu quả nhất định. Trong số các thiết chế đó, chúng ta có thể thấy 3 thiết chế đặc trưng nhất trong mô thức tổ chức xã hội ở nước ta hiện nay là : cơ chế phê bình và tự phê bình, Viện Kiểm sát và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 

PHÊ BÌNH VÀ TỰ PHÊ BÌNH

 

Đây là một cơ chế truyến thống của Đảng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra và được đưa vào Cương lĩnh của Đảng năm 1991. Vào thời Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, cơ chế này được nhắc đến rất nhiều. Mặc dù vậy, trong bối cảnh còn nhiều tiêu cực trong một bộ phận không nhỏ đảng viên hiện nay, phải công bằng nhìn nhận rằng, cơ chế này không phải là đã thật hiệu quả. Trên thực tế, không ít trường hợp người bị phê bình đã trù dập, chèn ép hay thậm chí trả thù người đã thẳng thắn phê bình mình. Vả lại, người tự phê bình dù có  công tâm  hay  đức độ gì đi nữa thì cũng có những khía cạnh tâm lý, xã hội không thể bỏ qua. Hơn nữa, một tổ chức khó có thể  dạy  hay  đào tạo  các thành viên của mình  phải có đạo đức, phải trung thực, phải công tâm như thế nào, khi mà những khía cạnh này bị định hình và bị chi phối bởi nhiều nhân tố không kém quan trọng khác trong đời sống của một cá nhân. Do vậy, trong khuôn khổ một tổ chức, việc làm sao để cơ chế này phát huy hiệu quả không phải là dễ dàng. Đành rằng đây là một cơ chế không thể thiếu trong sinh hoạt Đảng hiện nay, nhưng nếu như chúng ta chỉ bám lấy cơ chế này, thì sẽ rơi vào chủ quan, duy ý chí. Cho nên, việc tạo ra những cơ chế phản biện xã hội thật hiệu quả khác là điều nhất thiết để khắc phục những yếu kém ở nước ta hiện nay.

 

VIỆN KIỂM SÁT

 

Lênin đã từng cho rằng, trong bộ máy Nhà nước xã hội chủ nghĩa, vai trò của Viện Kiểm sát là vô cùng quan trọng nhằm kiểm tra giám sát việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan Nhà nước, của tổ chức, cá nhân. Theo quan điểm này, chúng ta đã từng thiết lập hệ thống Viện kiểm sát nhân dân từ trung ương đến địa phương và hệ thống này đã có chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp, thực hiện quyền công tố, kiểm sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan Nhà nước, của mọi tổ chức, cá nhân (hay được gọi là kiểm sát chung). Thế nhưng, do nhiều lý do khác nhau, hai chức năng sau cùng, tức là chức năng kiểm sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và chức năng kiểm sát chung của Viện kiểm sát đã bị Nghị quyết năm 2001 về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bãi bỏ.

Sẽ là bình thường nếu như sau khi bãi bỏ hai chức năng trên, chúng ta thiết lập được các thiết chế khác tinh gọn và hữu hiệu hơn. Thế nhưng, trên thực tế là cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có được một cơ chế thật sự hữu hiệu để lắp vào  khoảng trống  này.

 

Về vấn đề kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, hiện nay chức năng này được giao cho Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật) và các cơ quan tư pháp địa phương. Tuy nhiên, cơ chế kiểm tra này còn rất nhiều hạn chế. Theo pháp luật hiện hành, một công dân hay tổ chức có thể khởi kiện một cơ quan hành chính khi cơ quan đó ban hành một văn bản trái luật mà ảnh hưởng trực tiếp đến riêng mình hay tổ chức mình (văn bản áp dụng pháp luật). Ngược lại, những văn bản trái luật mà ảnh hưởng đến tất cả mọi người thuộc đối tượng áp dụng của nó (tức văn bản quy phạm pháp luật) thì công dân không thể khởi kiện để hủy bỏ nó.

 

Chúng ta đang tiến tới xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì nên tạo cơ chế để người dân được trực tiếp khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu hủy bỏ văn bản trái luật đó. Khi ra Tòa án, người dân cũng sẽ được sự trợ giúp của luật sư. Cơ quan ban hành văn bản đó cũng có thể có luật sư và luật sư của hai bên này phải hoàn toàn bình đẳng như nhau. Hơn nữa, thẩm phán xét xử vụ án như vậy cũng phải được bảo đảm tính độc lập, độc lập chẳng những đối với cơ quan ban hành văn bản mà cả đối với cơ quan chỉ đạo hay tác động ban hành văn bản.

 

MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

 

Dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng X có đề cập việc  xây dựng qui chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng và việc tổ chức thực hiện, kể cả đối với công tác tổ chức và cán bộ . Đây là một vấn đề mới hiện nay. Nếu ý tưởng này được phát huy tốt, chất lượng lãnh đạo của Đảng sẽ được nâng cao rất nhiều. Tuy nhiên, để việc phản biện này thật sự hiệu quả, điều nhất thiết là Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị phải phát huy tốt vai trò của mình. Trong bối cảnh Đảng lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị, tức là lãnh đạo cả Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận, thì vấn đề này cần được quan tâm nghiên cứu.

 

Nếu như chúng ta xây dựng tốt  cơ chế tự miễn dịch thì sẽ mạnh dạn hơn trong công cuộc xây dựng đất nước, phát triển nền kinh tế, không phải lúc nào cũng sợ  nhiễm bệnh  hay  quản không được thì cấm . Nó là điều kiện cần thiết giúp cho nền kinh tế có thể đương đầu với sự phát triển ngày càng đa dạng và đặc biệt là giúp đất nước vững vàng hơn trên con đường hội nhập.

 

Th.s LÊ MINH PHIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek