Không phải ngẫu nhiên mà trong tác phẩm “Đường kách mệnh”, ra đời 80 năm trước, ngay bài đầu tiên “Tư cách người cách mệnh”, ở dòng đầu tiên Bác đã viết: cần, kiệm. Như vậy, theo Bác, cần kiệm là yếu tố đầu tiên, vô cùng quan trọng mà người cách mạng phải có.
Bác dạy cán bộ, đảng viên: “Mọi việc thành công hay thất bại đều do mỗi cán bộ tốt hay xấu”. |
Suốt cuộc đời hoạt động của mình, Bác nêu một tấm gương trong sáng như pha lê về cuộc sống cần kiệm, giản dị, lành mạnh. Và Người luôn giáo dục, nhắc nhở mọi đảng viên, mọi cán bộ cũng phải thực hiện cần, kiệm triệt để.
Hồ Chủ tịch cho rằng con người ai cũng có những ham muốn nhất định, nhưng người cán bộ, đảng viên phải hướng những ham muốn đó vào việc phấn đấu thực hiện những mục tiêu, lý tưởng của người cách mạng. Như Bác đã từng nói về mình: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Nếu những ham muốn của con người chỉ hướng vào những dục vọng tầm thường, và coi đó là trên hết, thì đó không phải những người cách mạng chân chính. Bác chỉ rõ: “Người ta ai cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp, nhưng muốn phải cho đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân ta còn thiếu thốn mà một người nào đó muốn riêng hưởng ăn ngon, mặc đẹp, như vậy là không có đạo đức.
Theo Bác, mỗi người phải biết tự kiềm chế, không để cho những ham muốn thấp hèn trở thành thói quen trong cuộc sống hằng ngày. Bởi vì, khi đã thành thói quen rồi thì rất khó chữa, có khi nó làm cho con người đi tới thoái hóa, biến chất, hư hỏng. Bác nói: “Nếu không giữ được thói quen tiết kiệm thì sẽ ham ăn ngon, mặc đẹp, ham sắm những thứ xa hoa. Lương không đủ thì sẽ lấy ở đâu? Chỉ có hai cách: một là ăn cắp của Chính phủ, hai là bị tiền mua chuộc”. Có được đức tính cần kiệm, không tham tiền tài, vì vậy mà cuộc sống sẽ quang minh, chính đại, không bao giờ hủ hóa. Cần kiệm là điều kiện cho liêm, chính vậy. Bác còn dặn: đồng thời phải kiềm chế cả những tham vọng, những ham muốn không chính đáng của vợ con, người thân thích, một vấn đề mà người cán bộ, đảng viên không thể không quan tâm, không thể không có trách nhiệm. Mọi sự lơ là, dễ dãi, bỏ qua hay dung túng trong vấn đề này, có thể dẫn đến những hậu quả xấu không lường trước được.
Cuộc sống của Bác là một tấm gương tuyệt vời về cần, kiệm. Nhân dân ta và bè bạn quốc tế đến thăm nơi ở và làm việc của Người vô cùng xúc động trước sự giản dị, tiết kiệm hết mực của Bác. Ngôi nhà sàn của Bác chỉ có hai buồng, một buồng làm việc và một buồng nghỉ, mỗi buồng chưa đầy 12 m2. Bác phải làm biết bao nhiêu việc cho nước, cho dân, nhưng việc nào giờ nấy, sắp xếp một cách khoa học. Bác luôn nhắc các cán bộ quanh Bác tranh thủ thời gian làm việc và học tập, không nên để thời gian trôi qua một cách vô ích.
Việc ăn uống của Bác cũng rất giản dị. Đồng chí Phạm Văn Đồng, sống gần Bác, kể rằng: Bữa cơm chỉ có vài ba món rất giản đơn. Lúc ăn Bác không để rơi vãi một hạt cơm. Ăn xong cái bát bao giờ cũng sạch và thức ăn còn lại thì được sắp xếp tươm tất. Có lần, đồng chí cấp dưỡng tăng thêm một món ăn vào mâm cơm của Bác, Bác không nói gì nhưng bớt lại một món không hề đụng tới.
Đồ dùng của Bác từ cái khăn mặt, hộp đựng xà phòng đến cặp kính, cây bút máy đều không phải là thứ đồ đắt tiền. Để xà phòng được khô ráo, đỡ lãng phí, Bác lót thêm vào đáy hộp mấy viên sỏi. Đôi dép cao su của Bác đã mòn, nhưng còn dùng được, Bác không đồng ý thay đôi khác. Những việc như thế rất nhiều trong cuộc sống của Bác. Có lần Bác nói vui với các đồng chí phục vụ Bác rằng: Nước ta đang còn nghèo, thi đua tiết kiệm với các nước thì ta “thắng”, còn thi đua sang trọng với họ thì ta thua.
* * *
Đảng và Nhà nước ta coi tiết kiệm là quốc sách. Vì như Hồ Chủ tịch đã nói: Cần mà không kiệm thì như gió vào nhà trống. Nhà nước đã ra Pháp lệnh “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, quy định cụ thể về việc sử dụng các khoản chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước; thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong đầu tư, xây dựng, trong việc quản lý, sử dụng đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ và tài nguyên thiên nhiên, trong việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại các doanh nghiệp Nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.
Nhưng trên thực tế, Pháp lệnh “Thực hành tiết kiệm chống lãng phí” ở một số địa phương, đơn vị chấp hành thiếu nghiêm túc. Trong tất cả các lĩnh vực (sản xuất, tiêu dùng…) hiện nay còn xảy ra tình trạng lãng phí lớn.
“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” về vấn đề cần kiệm xây dựng đất nước, trong tình hình mọi mặt đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, thiết nghĩ, mọi cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ lãnh đạo, và mỗi người dân chúng ta, một mặt đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất đạt hiệu quả, chất lượng cao, mặt khác ra sức thực hành triệt để tiết kiệm chống lãng phí trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng cơ bản, chi tiêu hành chính và cả trong tiêu dùng cá nhân. Làm được như vậy chúng ta mới thực sự thấm nhuần tư tưởng đạo đức Bác Hồ, đồng thời làm theo những lời dạy của Bác để cùng cả nước tích góp tiền của, công sức, vượt qua khó khăn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
BẰNG TÍN